MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lý giải tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao bất thường ở Đài Loan (Trung Quốc)

26-07-2021 - 16:40 PM | Tài chính quốc tế

Trong khi tổng số ca tử vong vì Covid-19 ở Đài Loan (Trung Quốc) từ đầu đại dịch là chưa tới 800 ca thì chỉ riêng trong tháng 6/2021 đã có tới 500 ca, giữa làn sóng dịch bệnh lớn nhất cho tới nay.

Tỷ lệ tử vong cao bất thường

Đài Loan (Trung Quốc) đã nhận được sự khen ngợi về khả năng kiểm soát thành công dịch bệnh Covid-19 vào năm ngoái nhưng nay, khu vực này đang chứng kiến sự lây lan của virus SARS-CoV-2 với tốc độ đáng kinh ngạc. Ngoài ra, dữ liệu còn cho thấy sự bất thường trong tỷ lệ tử vong ở Đài Loan.

Trong khi tổng số ca tử vong vì Covid-19 ở Đài Loan (Trung Quốc) từ đầu đại dịch là chưa tới 800 ca thì chỉ riêng trong tháng 6/2021 đã chiếm tới 500 ca giữa làn sóng dịch bệnh lớn nhất cho tới nay. Dịch bệnh, vốn được ngăn chặn thành công trong hầu hết năm 2020 nhờ những biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt thì nay đang làm bùng nổ số ca mắc mới, tấn công vào phần lớn dân số cao tuổi chưa được tiêm vaccine.

Tỷ lệ tử vong vì Covid-19 ở Đài Loan (Trung Quốc) cao ngang với Italy và Anh vào những tháng đầu năm 2020, khi mà dịch bệnh này vẫn là một bí ẩn. Kể từ lúc đại dịch bắt đầu bùng phát cho tới nay, tỷ lệ tử vong ở Đài Loan là 5%, cao hơn nhiều so với Hong Kong (Trung Quốc) có tỷ lệ là 1,8% và Singapore có tỷ lệ là 0,1%.

Những nơi này, giống như Đài Loan, từng tránh được tổng số ca mắc và số ca tử vong cao, cũng như đứng ở thứ hạng cao về chất lượng cung cấp chăm sóc y tế trước đại dịch.

Các chuyên gia y tế cho rằng Đài Loan (Trung Quốc), khu vực từng trải qua 200 ngày không có một ca Covid-19 nào trong cộng đồng, đã không được chuẩn bị trước.

Hong Kong (Trung Quốc), nơi cũng thực hiện các biện pháp kiểm soát biên giới và chính sách cách ly nhằm ngăn chặn các ca mắc từ bên ngoài, đã sử dụng 4 làn sóng lây nhiễm từng trải qua để học hỏi và xây dựng khả năng, Lam Ching-choi, một bác sĩ tại Hong Kong (Trung Quốc), cố vấn cho các nhà chức trách và là một thành viên của nhóm hoạt động trong chương trình tiêm chủng vaccine cho hay.

Tuy nhiên, Đài Loan (Trung Quốc) dường như đã không làm đủ để tăng cường khả năng xét nghiệm, củng cố mức độ sẵn sàng của hệ thống y tế và thúc đẩy chương trình cung cấp vaccine.

"Tôi thực sự khá thất vọng khi chứng kiến điều này, có lẽ tôi đã sai khi nói rằng họ dành cả năm ngoái để xây dựng khả năng đối phó với dịch bệnh", chuyên gia này nhận định.

Tỷ lệ tử vong cao ở Đài Loan (Trung Quốc) đã cho thấy cái giá phải trả khi các nhà chức trách không nắm bắt cơ hội khi số ca mắc tạm lắng để thúc đẩy chương trình tiêm chủng, cải thiện khả năng xét nghiệm và tăng cường năng lực của các bệnh viện. Trong khi việc cung cấp vaccine là một vấn đề thì các nhà chức trách Đài Loan (Trung Quốc) cũng ký hợp đồng với các nhà phân phối chậm trễ hơn so với những nơi khác trong khu vực.

Bài học từ chiến lược “Không Covid”

Tỷ lệ tử vong tương đối lớn chỉ trong một thời gian ngắn cũng cho thấy rủi ro với những nơi ở châu Á đang theo đuổi chiến lược "Không Covid" khi cố gắng loại trừ số ca mắc thay vì đối phó với nó như một dịch bệnh. Mối nguy hiểm này đặc biệt cấp bách với những nền kinh tế phát triển như Hong Kong (Trung Quốc), New Zealand và Australia, vốn đang nỗ lực chấm dứt sự lan rộng của biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao.

Biến thể mới này đã xâm nhập vào Australia, bất chấp lệnh phong tỏa biên giới nghiêm ngặt với các biện pháp cách ly kéo dài hàng tuần và hạn chế du khách tương tự Đài Loan (Trung Quốc). Bản thân Đài Loan hiện cũng khẳng định rằng khu vực này không còn hướng đến việc chấm dứt hoàn toàn số ca mắc mới nữa mà chỉ nỗ lực đưa số ca mắc giảm xuống mức thấp có thể xoay xở được.

Tỷ lệ tử vong cao ở Đài Loan (Trung Quốc) xảy ra do làn sóng Covid-19 mới tấn công vào những người cao tuổi với 90% số ca tử vong ở độ tuổi từ 60 trở lên, Chuang Jen-hsiang, người phát ngôn Trung tâm Chỉ huy đối phó với dịch bệnh của Đài Loan (Trung Quốc) cho hay. Sự gia tăng số ca mắc cũng làm tăng sức ép lên các bệnh viện ở khu vực này, cũng như khiến những người mắc bệnh phải cách ly ở nhà hoặc ở các cơ sở cách ly tập trung.

"Đài Loan, giống như nhiều nơi khác, không thể điều chỉnh nhanh chóng năng lực y tế khi dịch bệnh bùng phát, điều dẫn đến tỷ lệ tử vong cao tại đây cũng như trên toàn cầu. Dù có nhiều giường bệnh như thế nào thì cũng sẽ không bao giờ là đủ. Chúng tôi có các kế hoạch trong những tình huống bất ngờ nhưng để phản ứng thì cần phải có thời gian", người phát ngôn Chuang Jen-hsiang bình luận.

Trung tâm chăm sóc y tế của Đài Loan cũng đang hoạt động với nguồn ngân sách eo hẹp để duy trì các mức chi phí có thể chi trả được. Tất cả bệnh viện và trung tâm y tế ở Đài Loan (Trung Quốc) đều có giới hạn chi tiêu hàng năm và những cơ sở này phải cạnh tranh với nhau để được cấp chi phí, không giống như Anh hay Canada, những nơi mà mỗi cơ quan đều có ngân sách riêng của mình, giáo sư Chang Hong-jen thuộc Viện Y tế Cộng đồng của Đại học Quốc gia Yang Ming Chiao Tung, đồng thời là cựu quan chức đứng đầu Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Đài Loan (Trung Quốc) cho hay.

Điều đó tức là hệ thống này hầu như có rất khó có thể hoạt động vượt quá khả năng để nhanh chóng chuyển hướng khi số ca mắc Covid-19 tăng cao.

Chắc chắn là trong một đại dịch diễn biến nhanh, tỷ lệ tử vong là thước đo hiệu quả nhất để đánh giá trong thời gian thực về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh. Dù vậy, điều này không phác họa chính xác nguy cơ tử vong của một người mắc Covid-19 bởi độ trễ của thời gian giữa thời điểm dịch bệnh bùng phát và kết quả số ca tử vong hoặc phục hồi.

Tỷ lệ tử vong theo tổng số ca cũng khác nhau ở từng địa điểm và thời gian. Tại những nơi ban đầu chứng kiến sự tăng vọt số ca mắc như Anh và Italy trong làn sóng dịch bệnh đầu tiên, các nhà hoạch định chính sách và các bác sĩ coi sự suy giảm của tỷ lệ này là một cách để học hỏi về việc đối phó hiệu quả nhất với dịch bệnh và giúp cho bệnh nhân sống sót.

Trong khi vẫn đi sau nhiều khu vực khác của châu Á, trong đó có Hong Kong (Trung Quốc) và Singapore thì tỷ lệ tiêm vaccine ở Đài Loan (Trung Quốc) đã bắt đầu tăng lên sau khi khu vực này nhận được vaccine từ Mỹ và Nhật Bản. Đài Loan hiện đã tiêm vaccine cho hơn 60% những người từ 60 tuổi trở lên trong khi tỷ lệ những người nhận được ít nhất 1 mũi tiêm hiện đã vượt 25%.

"Thật khó để có sự chuẩn bị trước nếu điều đó không xảy ra với bản thân bạn. Chúng tôi hy vọng Đài Loan có thể học hỏi được bài học này", Tony Chen, giáo sư trường Cao đẳng Y tế Cộng đồng thuộc Đại học Quốc gia Đài Loan đánh giá.


Theo Kiều Anh

VOV

Trở lên trên