MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lý giải việc chậm triển khai 2 siêu dự án, Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể cho biết: Do Luật Đầu tư công

Theo ông Thể, việc Quốc hội duyệt chi ngân sách cho dự án Sân bay Quốc tế Long Thành từ đầu nhiệm kỳ nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai bởi những lý do không thể làm khác.

Chậm tại... Luật

Bộ Giao thông Vân tải là đơn vị được Chính phủ phân giao các dự án về hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, Bộ trưởng Thể cho rằng Luật Đầu tư công hiện nay có nhiều điểm khiến các dự án bị chậm. Một trong số đó là quy định Quốc hội bố trí được nguồn vốn thì mới triển khai các công việc tiếp theo. Điều này đảm bảo nguồn vốn để thực hiện đầy đủ nhưng sẽ dẫn đến bức xúc xã hội, Bộ trưởng Thể cho hay.

Lấy ví dụ dự án sân bay quốc tế Long Thành, ông Thể cho biết sau khi Quốc hội thống nhất về chủ trương, Chính phủ chỉ đạo bộ GTVT triển khai. Khi đó, mọi người đều biết Quốc hội bố trí bao nhiêu tiền cho sân bay Quốc tế Long Thành. Tuy nhiên, thực hiện dự án trọng điểm quốc gia như thế, Bộ Giao thông phải thi tuyển kiến trúc quốc tế. Toàn bộ hồ sơ mời thầu, chấm thầu, xét thầu, công bố giải theo trình tự quốc tế, không làm khác được nên mất nhiều thời gian.

"Sau đó là tiến hành đấu thầu lập dự án. Do đây là dự án trọng điểm quốc gia nên cũng đấu thầu quốc tế. Chúng ta mời thầu, xét thầu, công bố trúng thầu sau đó nhà thầu mới trực tiếp vào khảo sát. Họ làm hơn 1 năm, báo cáo toàn diện các mặt. Riêng thi kiến trúc và lập dự án mất gần 2 năm", ông Thể cho biết đây đều là những quy định của Luật chứ không phải của Bộ Giao thông.

 Lý giải việc chậm triển khai 2 siêu dự án, Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể cho biết: Do Luật Đầu tư công - Ảnh 1.

Hiện tại, Bộ GTVT đang nỗ lực để tháng 10 này có thể báo cáo Quốc hội về dự án sân bay Quốc tế Long Thành. Sau khi Quốc hội đồng ý, Chính phủ mới phê duyệt dự án. Tiếp theo đó là bước chọn đơn vị làm nhà đầu tư cho dự án. Nếu Chính phủ không chỉ định thầu, Bộ GTVT sẽ tổ chức thi tuyển nhà đầu tư để làm chủ đầu tư cho dự án.

"Có nhà đầu tư, họ sẽ tiến hành mời thầu, lập hồ sơ thiết kế và dự toán. Sau khi dự toán phê duyệt trong khoảng 6 đến 9 tháng, bên liên quan mới tổ chức đấu thầu xây lắp. Khi đó chúng ta mới biết ai làm gì. Chính vì vậy, từ ngày Quốc hội bố trí vốn làm sân bay, qua các khâu, chúng ta đã mất 3 năm. Điều này là trình tự theo Luật Đầu tư công. Chúng tôi không làm khác được", ông Thể giãi bày.

Từ thực tế triển khai dự án Sân bay Quốc tế Long Thành, ông Thể đề nghị Quốc hội tiến hành biểu quyết giữa nhiệm kỳ gói tín dụng để làm cho các dự án nhiệm kỳ sau, để các chủ đầu tư lớn như các bộ có thể hoàn tất các thủ tục trong 2,5 năm để kịp trình Quốc hội nhiệm kỳ tới. Cùng với đó, khi Quốc hội bố trí được vốn, việc xây dựng sẽ được triển khai ngay.

Đề xuất thay đổi

Ngoài Dự án Sân bay Quốc tế Long Thành, ông Nguyễn Văn Thể cũng đề cập tới dự án trọng điểm đường cao tốc Bắc - Nam phía đông mà Bộ được giao trách nhiệm. Đây là 2 dự án trọng điểm quốc gia được Quốc hội biểu quyết trong nhiệm kỳ này.

Về đường cao tốc Bắc - Nam phía đông, sau khi Chính phủ cho chủ trương từ Nghị quyết Quốc hội, tháng 10/2018, Bộ GTVT đã phê duyệt 11 dự án thành phần. Thời gian này, Bộ GTVT thống nhất với các địa phương về quy mô, tiền giải phóng mặt bằng, phương án giải phóng mặt bằng để Chính phủ cho chủ trương. Toàn bộ 11 dự án thành phần đã có tư vấn thiết kế trong đó 3 dự án sử dụng vốn đầu tư công hoàn toàn đang được đấu thầu.

Theo ông Thể, từ tháng 7 đến 12, sẽ triển khai khởi công toàn bộ các gói thầu của 3 dự án đầu tư công. Chỉ riêng cầu Mỹ Thuận 2, do là cầu lớn, cần thẩm tra của tư vấn quốc tế, nên chuyển sang khởi công đầu năm 2020. Với 8 dự án còn lại được xây dựng theo hình thức PPP, Bộ GTVT đã bàn giao mặt bằng cho địa phương.

 Lý giải việc chậm triển khai 2 siêu dự án, Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể cho biết: Do Luật Đầu tư công - Ảnh 2.

Ảnh: Linh Anh

Cả hai dự án trọng điểm quốc gia của Bộ Giao thông Vận tải đều đã bị đánh giá chậm. Tuy nhiên, theo ông Thể, bộ GTVT không làm khác được vì nó được quy định trong luật Đầu Tư Công. Bên cạnh đó, Quốc hội và nhân dân luôn yêu cầu công khai, minh bạch và không vi phạm quy định Nhà nước nên Bộ GTVT không thể làm gì khác.

"Dư luận hỏi vì sao có tiền rồi mà không làm, xin thưa, Luật Đầu tư công của chúng ta như vậy. Tôi nghĩ rằng cần cải tiến bố trí vốn và xem xét lại trình tự thủ tục của luật đầu tư công cần xem xét lại. Đề nghị Quốc hội giữa nhiệm kỳ lập dự án lớn cho nhiệm kỳ sau, tránh việc bố trí được tiền rồi mà dự án không được triển khai", ông Thể nhấn mạnh.

Chia sẻ thêm về các dự án cần thiết của địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết 90% vốn ngân sách dành cho GTVT đã được Quốc hội biểu quyết danh mục kể từ đầu nhiệm kỳ. 10% còn lại là dự phòng, chỉ có được khi đất nước đảm bảo tốc độ tăng trưởng chung của cả nhiệm kỳ. Chính vì thế, nhiều địa phương, nhiều công trình cần vốn nhưng không còn tiền. Những đề xuất dù hợp lý của tỉnh, của bà con, nhưng không thể triển khai vì Chính phủ, Quốc hội không bố trí được tiền.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên