Ly kỳ 6 tấn vàng nhập lậu vào Việt Nam bằng xe ba gác chở đá lạnh
Lợi dụng chính sách đối với cư dân biên giới cho phép các phương tiện của cư dân thường xuyên qua lại cửa khẩu vì nhu cầu sinh hoạt, không bắt buộc phải kiểm soát hải quan, các đối tượng đã cất giấu hơn 6 tấn vàng lậu trong ngăn bí mật, dưới sàn xe ba gác mua đá lạnh sinh hoạt, đưa qua biên giới trót lọt.
Khoảng 8h30 sáng nay (16/7), phiên tòa sơ thẩm của TAND TPHCM, xét xử vụ buôn lậu vàng xảy ra tại TPHCM, Tây Ninh và các địa phương liên quan, Hội đồng xét xử (HĐXX) cho phiên tòa bắt đầu.
Chủ tọa phiên tòa, thẩm phán Nguyễn Thị Hà (Phó Chánh tòa Hình sự, TAND TPHCM) công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử. Dự kiến phiên toà xét xử trong 3 ngày.
Vụ án có 24 bị cáo, trong đó bị cáo Nguyễn Thị Minh Phụng (quê Bình Định, làm nghề kinh doanh vàng tự do), Nguyễn Thị Kim Phượng (ngụ Tây Ninh, kinh doanh vàng tự do) cáo trạng xác định là người cầm đầu, cùng 22 đồng phạm, bị xét xử cùng về tội danh “Buôn lậu”.
Đến hơn 10h sáng nay, HĐXX kết thúc phần thẩm tra tư pháp các bị cáo. Đại diện Viện Kiểm sát công bố bản cáo trạng.
6 tấn vàng vào Việt Nam bằng xe ba gác
Theo cáo buộc, các bị cáo đã nhập lậu trên 6 tấn vàng từ Campuchia vào Việt Nam, qua cửa khẩu Chàng Riệc (Tây Ninh), thông qua 2 đường dây.
Đường dây nhập lậu vàng do bị cáo Nguyễn Thị Minh Phụng cầm đầu . Theo hồ sơ vụ án, từ ngày 3/8/2022 đến 28/9/2022, Nguyễn Thị Minh Phụng sau khi thống nhất với Nguyễn Thị Ngọc (bị cáo, SN 1980, ngụ Tây Ninh) đã liên hệ với các nhà vàng số 31, 42 tại Chợ Olimpic Phnom Pênh, Campuchia để đặt mua vàng. Bị cáo cáo Giàu liên hệ với nhóm đối tượng người Campuchia (Giàu khai tên là Sóc Liên, Lin và Mon) sống gần khu vực cửa khẩu Chàng Riệc bên phía Campuchia để nhận vàng từ các nhà bán vàng tại Chợ Olimpic Phnom Pênh, Campuchia sau đó vận chuyển đến cửa khẩu Chàng Riệc.
Lợi dụng chính sách đối với cư dân biên giới cho phép các phương tiện của cư dân thường xuyên qua lại cửa khẩu vì nhu cầu sinh hoạt không bắt buộc phải kiểm soát hải quan, các đối tượng này đã cất giấu vàng lậu trong ngăn bí mật dưới sàn xe ba gác của đối tượng người Campuchia, chạy xe đến cửa khẩu Chàng Riệc với lý do mua đá lạnh sinh hoạt nhằm đưa vàng qua biên giới.
Bị cáo Giàu giao cho con trai là Trần Thanh Thắng (bị cáo, SN 2002, ngụ Tây Ninh) đi xe máy Future từ nhà Giàu đến cửa khẩu Chàng Riệc, để xe máy lại và chạy xe ba gác của các đối tượng người Campuchia có chứa vàng được cất giấu trong ngăn bí mật về xưởng Đá lạnh của Giàu tại Tổ 9, ấp Tân Khai, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.
Tại xưởng đá lạnh của bà Giàu, các đối tượng mở ngăn bí mật của xe ba gác lấy các hộp vàng ra, sau đó Thắng bỏ túi chứa tiền mua vàng lậu lên xe rồi chất các túi đá lạnh lên xe ba gác và chạy xe ra cửa khẩu Chàng Riệc giao xe cho các đối tượng người Campuchia và nhận xe máy đi về nhà.
Nhận được vàng, Giàu giao cho các đối tượng chuyển từ Tây Ninh về TPHCM, sau đó giao tiếp vàng cho các khách hàng và thu tiền bán vàng về cho Nguyễn Thị Minh Phụng. Phụng tiếp tục giao tiền cho các nhân viên này để giao cho Trần Thanh Thắng tại Tây Ninh để trả tiền mua vàng cho các đối tượng người Campuchia và nhận vàng nhập lậu về cho Phụng.
Với cách thức nêu trên, đường dây nhập lậu vàng do Nguyễn Thị Kim Phụng cầm đầu, đã nhập lậu 4.830 kg vàng từ Campuchia về Việt Nam. Tương tự cách thức này, đường dây của Nguyễn Thị Kim Phượng cũng nhập lậu vào Việt Nam 1.320 kg vàng.
Tiền phong