Lý thuyết kinh tế giải mã vì sao COVID-19 không gây ra 'đổ vỡ hàng loạt'
Vì sao những cuộc suy thoái kinh tế trước đó đều tạo ra đổ vỡ hàng loạt, thì COVID-19 lại tác động theo các ngành ở những mức hoàn toàn khác nhau, và khó xác định hơn?
- 08-10-20219 tháng, doanh thu phí bảo hiểm vượt mốc 150 nghìn tỷ đồng
- 07-10-2021Tiết lộ lý do sau mỗi lần lựa chọn địa phương đặt nhà máy của Samsung trong 2 thập kỷ qua
- 07-10-2021Việt Nam là 'chủ nợ' thứ 32 của Mỹ
Đại dịch COVID-19 đã tạo ra "mô hình phục hồi hình chữ K" trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Một số bộ phận của nền kinh tế đang tăng trưởng tích cực, trong khi những khu vực khác lại ngày càng gặp nhiều khó khăn. Việc tồn tại sự khác biệt giữa các lĩnh vực của nền kinh tế được giải thích bởi nhiều nguyên nhân, có thể do tính chất đặc biệt của ngành, cũng có thể do mức độ liên kết giữa các ngành.
Không giống như cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu 2007-2008 tạo ra đổ vỡ hàng loạt của hệ thống ngân hàng, tình trạng đói tín dụng, tình trạng sụt giá chứng khoán và mất giá tiền tệ quy mô lớn ở Mỹ và nhiều nước châu Âu, tác động của COVID-19 đến các ngành khó xác định hơn, và khác biệt cũng lớn hơn.
Một khái niệm kinh tế được sử dụng tương đối nhiều để giải mã hiện tượng này chính là độ co giãn của cầu, trong đó bao gồm độ co giãn của cầu theo giá và độ co giãn của cầu theo thu nhập.
Độ co giãn của cầu theo giá được hiểu là độ nhạy của lượng cầu trước thay đổi về giá của hàng hoá. Ví dụ, hàng hóa thiết yếu có cầu không co giãn đối với giá cả, còn hàng xa xỉ có cầu co giãn mạnh. Điển hình như với thuốc đặc trị của một loại bệnh nào đó, nếu giá giảm, người tiêu dùng cũng không thể mua thêm nếu họ không bị bệnh.
Ngược lại, nếu có bệnh, thì ngay cả giá thuốc này tăng, họ vẫn phải mua. Điều này có nghĩa là, giá thuốc thay đổi không tác động nhiều đến nhu cầu mua thuốc. Bởi vậy, mặt hàng thuốc có cầu không co giãn với giá cả.
Còn độ co giãn của cầu theo thu nhập (income elasticity of demand) là sự thay đổi của lượng cầu về hàng hóa hoặc dịch vụ khi thu nhập của người tiêu dùng thay đổi trong điều kiện các yếu tố khác giữ nguyên.
Ví dụ, trong một cuộc suy thoái kinh tế, thu nhập hộ gia đình giảm 7%, nhưng tiền hộ gia đình này chi cho ăn uống giảm 12%. Như vậy, trường hợp này thu nhập giảm vừa phải sẽ làm giảm nhu cầu lớn hơn, tức là hàng hóa có thể co giãn thu nhập.
Một ví dụ khác, cũng trong cùng cuộc suy thoái, thu nhập hộ gia đình giảm 7% chỉ khiến doanh số bán sữa bột trẻ em giảm 3%. Như vậy, độ co giãn của cầu theo thu nhập mặt hàng sữa bột là không co giãn, tức là dù thu nhập giảm nhưng tiêu dùng cho sữa bột của gia đình vẫn không thay đổi lớn.
Giai đoạn COVID-19 diễn biến phức tạp, độ co giãn của cầu theo thu nhập được coi là thước đo tương đối hiệu quả để đánh giá rủi ro của doanh nghiệp, cũng như tác động đến thị trường chứng khoán gần đây.
Hàng tiêu dùng nhanh được coi là "nhóm an toàn"
Rõ ràng là không phải tất cả các doanh nghiệp đều chịu ảnh hưởng từ COVID-19 như nhau. Các ngành như du lịch, vận tải đã trải qua gần 2 năm chịu tác động trực tiếp của đại dịch, nên các doanh nghiệp, người lao động đều đang chật vật.
Trong bối cảnh như vậy, hàng tiêu dùng nhanh (những sản phẩm được bán nhanh chóng và với chi phí khá thấp, như thực phẩm đóng gói, đồ uống, đồ dùng vệ sinh, thuốc không kê đơn...) được đánh giá là nhóm tương đối an toàn. Đây cũng chính là nhóm không có độ co giãn của cầu theo thu nhập, bởi vậy không bị ảnh hưởng mạnh như nhiều sản phẩm trong các lĩnh vực khác.
May mặc, hàng xa xỉ và hàng hóa lâu bền phải đối mặt với rủi ro lớn hơn
Hàng tiêu dùng lâu bền là hàng hóa mà người tiêu dùng sử dụng nhiều lần trong một khoảng thời gian dài, không giống những hàng hóa chỉ tiêu dùng một lần hoặc tiêu dùng hết ngay như lương thực, thực phẩm. Hàng tiêu dùng lâu bền có đặc tính giống hàng đầu tư ở chỗ nó tạo ra một dòng dịch vụ trong suốt thời gian sử dụng, chứ không chỉ cung cấp dịch vụ một lần trong một hành vi tiêu dùng, ví dụ máy móc, quần áo, xe máy...
Biểu đồ ví dụ dưới đây được thực hiện bởi Euromonitor International cho thấy độ co giãn thu nhập ảnh hưởng ra sao đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, được tính theo quốc gia/danh mục công ty so với hiệu suất thị trường chứng khoán từ ngày 21/2 đến 17/3/2020.
Các công ty kinh doanh các mặt hàng có độ co giãn thu nhập cao, có nhiều rủi ro hơn nằm bên phải, chẳng hạn như Adidas và Estée Lauder. Các doanh nghiệp bên trái biểu đồ có độ co giãn thu nhập thấp hơn, như Kimberly-Clark và Kraft Heinz.
Lưu ý, độ co giãn của thu nhập ở đây tác động đến thay đổi doanh số bán hàng theo danh mục. Hệ số co giãn được tính theo doanh số bán lẻ của mỗi công ty ở mọi quốc gia. Nhìn chung, hệ số co giãn thu nhập của công ty và phản ứng của thị trường chứng khoán có mối tương quan chặt chẽ.
Các doanh nghiệp có độ co giãn cao đã ghi nhận giá cổ phiếu giảm thời gian gần đây. Điều này cũng phần nào chứng minh rằng, độ co giãn thu nhập có thể được sử dụng như một thước đo để đo lường mức độ rủi ro của công ty đối với tác động COVID-19.