MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lý thuyết trò chơi nhìn từ cuộc khủng hoảng giấy vệ sinh trong Covid-19

03-04-2020 - 19:08 PM | Tài chính quốc tế

Nếu toàn bộ khách hàng đồng loạt rút tiền mặt cùng một lúc, chắc chắn ngân hàng sẽ sụp đổ, cũng giống như những kệ hàng đựng giấy vệ sinh trống trơn!

Kể từ khi những thông tin về dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (Covid-19) gây nên nỗi hoang mang trên toàn thế giới, người dân ở nhiều quốc gia như Australia, Hong Kong, Nhật Bản và Mỹ đổ xô tích trữ hàng hoá và tạo nên cơn sốt "giấy vệ sinh" chưa từng có từ trước đến nay. Các kệ hàng liên tục trong tình trạng trống trơn và nhiều người bật khóc chỉ vì… không mua nổi một bịch giấy vệ sinh.

Theo các chuyên gia tâm lý, cơn hoảng loạn mua sắm này là hệ quả của nỗi lo sợ bị bỏ lỡ. Đây cũng là một hiện tượng bình thường trong hành vi người tiêu dùng tương tự với những gì xảy ra ở ngân hàng.

Những cơn hoảng loạn xảy khi người gửi tền lo sợ rằng hệ thống ngân hàng có thể sụp đổ, do đó họ đổ xô đi rút tiền mặt. Tương tự, chúng ta đang chứng kiến cơn hoảng loạn tích trữ giấy vệ sinh vì lo ngại ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Lý thuyết trò chơi

Mỗi ngân hàng chỉ dự trữ một lượng tiền mặt nhất định theo nguyên tắc "ngân hàng dự trữ định lượng". Phần còn lại ngân hàng sẽ thực hiện cho vay càng nhiều càng tốt, miễn sao đảm bảo được các nguyên tắc yêu cầu về an toán dòng vốn cho vay, và thu lợi nhuận từ lãi suất cho vay.

Nếu toàn bộ khách hàng đồng loạt rút tiền mặt cùng một lúc, chắc chắn ngân hàng sẽ sụp đổ, cũng giống như những kệ hàng đựng giấy vệ sinh trống trơn!

Theo nhà kinh tế học đoạt giải Nobel John Nash, hiệu ứng mua hàng hay rút tiền mặt trong hoảng loạn đều xuất phát từ lý thuyết trò chơi. Hệ thống ngân hàng hay các siêu thị bán giấy vệ sinh đều cung cấp dịch vụ được gọi là "trò chơi phối hợp". Có hai người chơi chính tham gia: bạn và những người tiêu dùng khác. Đồng thời, có hai quy luật chơi rất đơn giản: mua theo đám đông hoặc mua theo nhu cầu của riêng bạn. Mỗi luật chơi sẽ có "được-mất" riêng tuỳ theo lựa chọn của mỗi người.

Lý thuyết trò chơi nhìn từ cuộc khủng hoảng giấy vệ sinh trong Covid-19 - Ảnh 1.

Những xe đẩy chất đầy giấy vệ sinh là hệ quả của "cơn hoảng loạn" tích trữ vì lo ngại Covid-19

Nếu tất cả mọi người đều lựa chọn cách chơi thứ 2, tức là chỉ mua theo nhu cầu của chính mình, khi đó thị trường sẽ ở mức cân bằng: Tất cả những cuộn giấy vệ sinh vẫn nằm trên các kệ hàng như bình thường và chúng ta có thể thoải mái mua khi có nhu cầu.

Tuy nhiên, trên thực tế, khi những người khác hoảng loạn mua vào, tâm lý đám đông thúc giục chúng ta rằng: Mình phải làm điều tương tự, nếu không khi họ mua hết, mình sẽ không mua được giấy vệ sinh. Tất cả mọi người đều đối mặt với bài toán hoảng sợ như nhau và đều đứng trước hai lựa chọn: Mua bây giờ hoặc không có gì để mua sau này. Kết quả là, ai cũng đổ xô đi mua vì nghĩ rằng những người khác đều đang làm thế!

Ngay cả khi mọi người đổ xô đi mua giấy vệ sinh, nó vẫn tạo nên một thị trường ở trạng thái cân bằng, nhưng đó là trạng thái cân bằng trong hoảng loạn.

Hiệu ứng đám đông

Trên thực tế, chạy theo hiệu ứng đám đông không phải lúc nào cũng là ngu ngốc. Nhưng bạn hoàn toàn có thể lựa chọn kết quả trò chơi. Nếu không ai hoảng sợ, khi đó thị trường sẽ có sự phối hợp thành công. Nếu tất cả cùng hoảng sợ, thị trường sẽ đón nhận sự phối hợp thất bại: các kệ hàng giấy vệ sinh liên tục trong tình trạng trống trơn.

Nỗi hoảng loạn mua sắm của người này sẽ kéo theo nỗi hoảng loạn của người kia, và cứ như thế tạo thành một vòng tròn hoảng loạn. Tuy nhiên, không ai có thể nói rằng hành động hoảng loạn mua sắm là không hợp lý. Họ cũng không phải là những kẻ ngốc! Bởi thực tế đã chứng minh: Những người không hoảng loạn mua sắm đã không mua nổi một cuộn giấy vệ sinh khi có nhu cầu. Thậm chí, có người đi siêu thị liên tục trong suốt một tuần để tìm mua giấy vệ sinh và kết quả luôn là những kệ hàng trống trơn!!!

Rõ ràng, đây là kết quả không ai mong muốn, nhưng lại là lựa chọn của nhiều người. Vậy phải làm gì để ngăn chặn điều đó xảy ra?

Theo Alfredo R. Paloyo – Giảng viên kinh tế cao cấp thuộc Đại học Wollongong (bang New South Wales, Australia), giải pháp đầu tiên đó là áp dụng cơ chế thị trường: cho phép tăng giá giấy vệ sinh để giảm nhu cầu của người mua. Tuy nhiên, giải pháp này không dễ thực hiện vì nó sẽ gây ra tác động tiêu cực đến quy luật cạnh tranh và bình ổn giá trên thị trường.

Giải pháp thứ hai được đưa ra là Chính phủ cần can thiệp để điều tiết thị trường. Chẳng hạn, năm 2008 khi thị trường tài chính toàn cầu sụp đổ, hệ thống ngân hàng Úc cũng lâm vào cảnh lao đao khi người gửi ồ ạt rút tiền mặt trong hoảng loạn. Để giải quyết tình trạng này, Chính phủ Úc đã công bố một chương trình bảo lãnh tiền gửi. Theo đó, những người gửi tiền trong ngân hàng sẽ được Chính phủ nước này bảo hộ ngay cả khi ngân hàng của họ sụp đổ. Do vậy, người gửi tiền không cần sợ hãi chạy theo đám đông và hoảng loạn rút tiền mặt.

Đối với "cơn sốt" giấy vệ sinh, Chính phủ có thể can thiệp như một nhà điều tiết dự trữ kho giấy vệ sinh để đảm bảo nhu cầu cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, xét về mọi mặt, từ vận chuyển đến lưu trữ, đây là một ý tưởng hoàn toàn không khả thi.

Giải pháp thứ ba được đưa ra là kiểm soát việc phân phối hàng hoá – giới hạn số lượng mua chỗ mỗi khách hàng. Đây cũng là giải pháp hầu hết các siêu thị tại Úc đã thực hiện để bình ổn thị trường sau cơn sốt giấy vệ sinh: quy định mỗi khách hàng chỉ được mua 1-2 bịch giấy vệ sinh/ ngày. Tuy nhiên, giải pháp này được đưa ra khá muộn khi mà cơn hoảng loạn của người tiêu dùng đã lên tới đỉnh điểm và kết quả là các kệ hàng trống trơn!

Hà My

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên