MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

M&A đang dần “trỗi dậy”

19-05-2021 - 14:10 PM | Tài chính - ngân hàng

Thị trường mua bán, sáp nhập (M&A) trong nước dần trở nên sôi động trong những tháng đầu năm 2021 và được dự báo sẽ tiếp tục “trỗi dậy” thời gian tới khi Việt Nam đang trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với thế giới. Đặc biệt, bên cạnh những lĩnh vực truyền thống, nhiều lĩnh vực mới thu hút nhà đầu tư ngoại đã xuất hiện.

Những tín hiệu lạc quan

Gần đây nhất, thị trường M&A Việt đã được một phen dậy sóng khi chứng kiến thương vụ "tỷ đô" giữa VPBank và Công ty tài chính tiêu dùng SMBC CF thuộc Tập đoàn SMBC (Nhật Bản). Theo đó, vào cuối tháng 4/2021, 49% vốn điều lệ tại FE Credit thuộc VPBank đã được chuyển nhượng cho SMBC CF với giá trị lên tới 1,4 tỷ USD, mức cao nhất trong ngành tài chính ngân hàng tại Việt Nam từ trước tới nay.

Trước đó, Tập đoàn SCG (Thái Lan) cũng đã mua tiếp 70% cổ phần của Nhựa Duy Tân - một trong những doanh nghiệp chuyên sản xuất bao bì nhựa cứng hàng đầu Việt Nam hay vụ một công ty con 100% vốn của Tập đoàn Điện lực quốc gia Malaysia Tenaga Nasional Berhad (TNB) đã mua 39% cổ phần trong 5 dự án điện mặt trời của Sunseap Group (Singapore) tại Việt Nam…

M&A đang dần “trỗi dậy” - Ảnh 1.

M&A đang "trỗi dậy" trong những tháng đầu năm 2021

Thực tế, sự sôi động trở lại của thị trường M&A Việt trong năm 2021 đã được giới chuyên gia và nhiều tổ chức dự báo. Trong báo cáo mới đây về "Xu hướng ngành M&A toàn cầu" của PwC, ông Ong Tiong Hooi - Phó tổng giám đốc, Dịch vụ Tư vấn Thương vụ và Thẩm định giao dịch tại PwC Việt Nam nhận xét: "Cùng với xu hướng toàn cầu, ngành M&A tại Việt Nam có khả năng sẽ tiếp tục sôi động trong năm nay. Tuy cho đến thời điểm hiện tại thị trường còn khá cẩn trọng, các hoạt động M&A tại Việt Nam đang có vị thế tốt để phục hồi đặc biệt với triển vọng kinh tế tích cực của quốc gia này cho năm 2021. Bên cạnh đó, sức cầu bị dồn nén có khả năng sẽ đưa thị trường bật trở lại khi niềm tin tiêu dùng và niềm tin của các nhà đầu tư được cải thiện với các thông tin mới về việc phát triển vắc-xin ngừa Covid-19".

Viện Nghiên cứu đầu tư và mua bán sáp nhập (CMAC) cũng đưa ra nhận định, thị trường M&A Việt Nam sẽ hồi phục theo mô hình chữ V trong giai đoạn 2021 - 2022. Cụ thể, thị trường có thể phục hồi về mức 4,5 - 5 tỷ USD vào năm 2021 trước khi bật mạnh hơn, trở lại với giá trị 7 tỷ USD vào năm 2022.

Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, Việt Nam đã có một năm tương đối thành công, trở thành điểm sáng "hiếm hoi" trong bức tranh ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu. Quy mô nền kinh tế đạt hơn 343 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á. Việc ký kết các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, RCEP, UKVFTA… cũng mang lại những tín hiệu tích cực cho nền kinh tế, khi Việt Nam có cơ hội khai thác triệt để những thị trường lớn nhất toàn cầu. Theo đó, các dòng đầu tư mới sẽ vào Việt Nam - nơi có nhiều cảng biển ra thế giới và lực lượng lao động dồi dào, giá rẻ. M&A sẽ là phương thức được nhiều nhà đầu tư lựa chọn.

Bên cạnh đó, phải kể đến những tác động tích cực từ việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Đặc biệt là việc soạn thảo bộ ba Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp theo phương thức đối tác công tư (PPP) với nhiều cải cách trong thủ tục gia nhập thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong đầu tư, kinh doanh, trong đó có hoạt động M&A.

Xuất hiện nhiều lĩnh vực tiềm năng mới

Theo giới chuyên gia, bên cạnh những lĩnh vực truyền thống thu hút M&A như tài chính - ngân hàng, bất động sản, bán lẻ… thì dược phẩm, năng lượng "sạch", công nghệ… sẽ là những ngành tiềm năng trên thị trường mua bán, sáp nhập thời gian tới. Trong đó nổi bật là lĩnh vực công nghệ. Ông Brian Levy - lãnh đạo toàn cầu Khối tư vấn thương vụ của PwC nhận xét: "Covid-19 đã hé mở cho các công ty một cái nhìn không mấy lạc quan về viễn cảnh tương lai. Việc tăng tốc số hóa và chuyển đổi trong doanh nghiệp đã lập tức trở thành ưu tiên hàng đầu và M&A là phương thức nhanh nhất để thực hiện mục tiêu này. Điều này tạo ra môi trường cạnh tranh cao đối với các thương vụ cần thiết cho nhiều doanh nghiệp".

Chuyên gia kinh tế PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, nhu cầu số hóa đã được đẩy lên cao trong bối cảnh dịch bệnh. Khi các mô hình kinh doanh hiện tại đã không còn phù hợp, doanh nghiệp có thể tìm đến M&A để có thể nhanh chóng tái cơ cấu hoạt động cho phù hợp với xu thế mới.

Bên cạnh đó, dược phẩm cũng đang trở thành một "hấp lực" đối với nhà đầu tư ngoại. Hãng nghiên cứu thị trường IBM đã chỉ ra, quy mô thị trường dược phẩm Việt Nam sẽ đạt 7,7 tỷ USD vào năm 2021 và lên đến 16,1 tỷ USD năm 2026. Chính sức hút này đã kéo nhiều dòng vốn ngoại đổ vào lĩnh vực dược phẩm trong vài năm gần đây thông qua M&A.

Đơn cử như Quỹ đầu tư Vietnam Oppoturnity (VOF) - một liên doanh do VinaCapital là nhà đầu tư chính mới đây đã thông báo việc đầu tư 26,7 triệu USD vào Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc hay việc mua 12,3 triệu cổ phiếu - tương đương 24,9% cổ phần của Dược phẩm Imexpharm đã đưa SK Group - một tập đoàn Hàn Quốc trở thành cổ đông lớn nhất tại công ty này. Các chuyên gia cho rằng, trước tác động của dịch bệnh Covid-19 cùng với những tiềm năng trong lĩnh vực dược phẩm tại thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục khiến cho thị trường M&A sôi động trong thời gian tới.

Nhắc nhở về sự cẩn trọng trước làn sóng M&A, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp nội nên coi M&A là một phương thức giúp doanh nghiệp tăng vốn điều lệ, tăng nội lực tài chính, đa dạng hóa cơ cấu cổ đông đặc biệt là cổ đông chiến lược để tận dụng khả năng quản trị, chuỗi cung ứng, từ đó tăng lợi thế cạnh tranh.

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt hiện không chỉ đứng ở vai trò là "người bán", xu hướng mua lại cổ phần các công ty nước ngoài cũng đang trở nên rõ nét. Hiện đã có nhiều doanh nghiệp nội có đủ tiềm lực để trở thành "người mua" trên thị trường M&A quốc tế. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh khiến giá thành đã có phần ưu đãi hơn. Các chuyên gia kỳ vọng làn sóng này sẽ mạnh mẽ hơn trong năm 2021 và nhiều năm kế tiếp để có nhiều hơn nữa doanh nghiệp Việt vươn ra thị trường thế giới.

Theo Quỳnh Trang

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên