M&A ‘đắt khách’ không chỉ vì tiền
Trong năm qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã chi xấp xỉ 3 tỷ USD để mua cổ phần ở hơn 3.000 DN ở Việt Nam, phần lớn trong số đó mà mua trên 50% cổ phần, cho thấy xu hướng đầu tư qua hình thức mua bán và sát nhập (M&A) đang bùng nổ rất mạnh trên thị trường.
- 29-07-2016Nhà đầu tư ngoại chiếm lĩnh thị phần M&A bất động sản Tp.HCM
- 13-06-2016M&A bất động sản các dự án lớn sôi sục trên thị trường địa ốc Sài Gòn
Báo cáo từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết tính từ ngày 1/7/2015 đến 1/7/2016, đã có 3.141 DN tại Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào để mua lại cổ phần. Tổng giá trị của các thương vụ này là 2,948 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên Cục Đầu tư nước ngoài đưa ra con số thống kê về dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam thông qua hoạt động M&A . Và báo cáo trên cũng cho thấy xu hướng đầu tư vào Việt Nam thông qua M&A đang gia tăng rất lớn.
Những con số ấn tượng
Nhìn lại hoạt động này những năm trước có thể thấy rõ được bức tranh toàn cảnh hơn. Báo cáo của IMAA, một viện nghiên cứu về M&A nước ngoài, cho biết tổng giá trị các thương vụ M&A ở Việt Nam năm ngoái đạt 4,3 tỷ USD, cao hơn 40% so với năm 2014 và vượt qua cả mức kỷ lục 4,2 tỷ USD của năm 2012. Dự kiến giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam năm nay có thể sẽ phá kỷ lục của năm ngoái và đạt 6 tỷ USD.
“Tỷ lệ tổng giá trị M&A trên GDP của Việt Nam vẫn còn đang ở mức rất thấp so với các thị trường phát triển. Vì vậy, mặc dù M&A có tính chất chu kỳ, chúng tôi vẫn kỳ vọng số lượng và giá trị giao dịch M&A trong thời gian tới sẽ tăng trưởng mạnh theo xu hướng thâu tóm thị trường của các nhà đầu tư trong nước và sự quan tâm ngày càng gia tăng của các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Peter Sorensen, Giám đốc điều hành của Cty tư vấn M&A ABB Merchant Banking, bày tỏ hi vọng.
Nhiều nhà phân tích đều đưa ra nhận định chung rằng các nhóm ngành thực phẩm, logistics, bán lẻ và bất động sản vẫn sẽ là những mục tiêu mà các nhà đầu tư nước ngoài nhắm tới. Lý do chính nằm ở tiềm năng tiêu dùng của người Việt đang tăng trưởng cao, do có tỷ lệ dân số trẻ lớn và kinh tế đang phát triển.
Trong số hơn 3.000 thương vụ M&A được Cục Đầu tư nước ngoài thống kê, có tới 1.894 thương vụ với giá trị là 1,8 tỷ USD được các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào để nắm giữ cổ phần chi phối trên 50%. Điều đó có nghĩa là hơn một nửa số thương vụ M&A trong một năm qua được các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện với mục tiêu đầu tư dài hạn.
Qua quan sát của một nhà tư vấn, ông Sorensen cũng cho biết rằng ông nhận thấy sự tham gia tích cực hơn của các quỹ đầu tư tư nhân (PE). “Trước đây, nếu các quỹ PE thường chỉ tham gia các giao dịch mua cổ phần không chi phối thì hiện nay, các quỹ PE đã sẵn sàng đầu tư với tỷ lệ phần trăm cao hơn để gia tăng lợi nhuận và giảm bớt sự cạnh tranh ngày càng tăng đối với các thương vụ tốt có tỷ lệ phần trăm nhỏ,” ông Sorensen cho biết.
Ngoài ra, ông cũng giải thích thêm rằng việc tăng tỷ lệ sở hữu cũng giúp các quỹ PE gia tăng sự can thiệp vào hoạt động kinh doanh của DN để tạo ra các giá trị thặng dư. “Chúng tôi biết một số các quỹ PE khu vực với mức vốn đầu tư phân bổ cho Việt Nam vào trên 2 tỷ USD đang tìm kiếm các thương vụ mua cổ phần chi phối các DN lớn trong nước”.
Kênh thu hút…không chỉ là vốn
Thực tế thì M&A tại Việt Nam gia tăng trong thời gian qua có thể không phải là điều gì đó lạ lẫm lắm. Xét cho cùng đó cũng là một xu thế chung của dòng vốn đầu tư toàn cầu, đặt biệt là khi nhiều DN được niêm yết trên sàn chứng khoán. Nhưng nếu nhìn rộng hơn, thì việc gia tăng dòng vốn đầu tư nước ngoài qua M&A có thể đang mang lại nhiều thay đổi hơn cho các DN trong nước. Bởi vì các nhà đầu tư không chỉ đang dừng lại ở mức là đầu tư gián tiếp kiếm lời, mà rất nhiều trong số họ đang nhắm vào mục tiêu đầu tư dài hạn và gia tăng giá trị cho DN.
Khi dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam qua hoạt động M&A tăng lên, thì tất nhiên sẽ tạo ra cơ hội cho các DN trong nước huy động thêm nhiều vốn hơn, và cũng có cơ hội nâng cao kỹ năng quản trị DN và sức cạnh tranh hơn.
Một trong những ví dụ đó là trường hợp hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines bán 8,8% cổ phần cho ANA Holding, tập đoàn hàng không lớn nhất của Nhật Bản. Thương vụ này giúp Vietnam Airlines thu về khoảng 108 triệu USD, nhưng còn một cái lợi nữa là hãng hàng không này sẽ được hưởng.
Ông Phạm Viết Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Vietnam Airlines, cho biết việc hợp tác với Tập đoàn ANA sẽ giúp Vietnam Airlines tiếp thu được công nghệ quản lý mới, mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
“Tôi tin chắc rằng, sự hợp tác chiến lược này sẽ nâng cao giá trị và hình ảnh thương hiệu Vietnam Airlines nhằm đem lại giá trị gia tăng, tiện ích hơn nữa cho khách hàng của chúng tôi,” ông Thanh nhấn mạnh.
Rất nhiều các DN khác cũng coi M&A là kênh huy động vốn hữu hiệu. Chính vì vậy, sau khi Chính phủ cho phép nâng tỷ lệ nắm giữ vốn của nhà đầu tư nước ngoài tại các Cty trên sàn chứng khoán lên 100%, nhiều Cty đã quyết định mở “room” hết cỡ để chào đón dòng vốn mới này. Trong số đó bao gồm các Cty như Địa ốc Hoàng Quân, Nhà Thủ Đức, Nhựa An Phát hay Cty may TNG. Ngay cả Vinamilk, một trong những DN sữa thành công nhất Việt Nam, cũng phải nghĩ tới chuyện nới “room” ngoại lên 100% để thu hút vốn đầu tư nước ngoài qua các hoạt động M&A.
Diễn đàn doanh nghiệp