“Ma trận” thông tin báo cáo dữ liệu bất động sản, người mua quay cuồng không biết "đúng, sai"
Theo Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES), trung bình hàng quý, người đọc ít nhất có thể tiếp cận được từ 8-10 báo cáo. Giữa "ma trận" thông tin báo cáo, VIRES lo ngại thông tin trên thị trường trở nên nhiễu loạn, mông lung, thiếu chính xác.
Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) vừa công bố: “Báo cáo nghiên cứu Số hóa dữ liệu thị trường bất động sản: Giới hạn của doanh nghiệp”.
Theo thống kê của đơn vị nghiên cứu này, trung bình hàng quý, mỗi đơn vị là cơ quan quản lý Nhà nước, tổ chức xã hội nghề nghiệp hoặc doanh nghiệp tư nhân đều sẽ công bố ít nhất 01 báo cáo nghiên cứu tổng quan về thị trường bất động sản.
Đặc biệt là nhóm doanh nghiệp tư nhân, bên cạnh báo cáo tổng quát về thị trường theo quý, họ còn công bố các báo cáo theo từng tháng, báo cáo cho từng khu vực địa lý và từng phân khúc bất động sản. Do đó, số lượng báo cáo nghiên cứu được cung cấp từ các doanh nghiệp tư nhân vượt trội hơn hẳn từ cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức xã hội nghề nghiệp.
Ví dụ, khảo sát của đơn vị này ghi nhận, từ đầu năm 2023 đến nay, trong khi Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản công bố 03 báo cáo cho 3 quý, thì CBRE công bố 15 báo cáo, Savills công bố 10 báo cáo, Đất Xanh Service công bố 09 báo cáo, DKRA công bố 06 báo cáo, One Mount công bố 05 báo cáo, BHS Group công bố 03 báo cáo.
Trong giai đoạn 2022 – 2023, trong khi tổng số báo cáo được công bố bởi Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản và Hội Môi giới BĐS Việt Nam mới chỉ có 21 báo cáo, nhóm 06 doanh nghiệp tư nhân công bố đến 72 báo cáo nghiên cứu. Với số lượng báo cáo thông tin thị trường bất động sản được các doanh nghiệp trong và ngoài nước công bố hiện tại, trung bình hàng quý, người đọc ít nhất có thể tiếp cận được từ 8-10 báo cáo.
Theo VIRES, đây là một dạng thông tin về bất động sản được số hóa. Những thông tin này mặc dù có ảnh hưởng nhất định đến thị trường nhưng tính xác thực chưa được đảm bảo, chưa có bên thứ ba nào có đủ thẩm quyền và chuyên môn để đánh giá tính chính xác, khách quan của những báo cáo này.
“Bên cạnh đó, đa số các doanh nghiệp thực hiện công bố báo cáo nghiên cứu thị trường cũng không đính kèm giải thích rõ về cách làm, phương pháp, dữ liệu đầu vào đến từ đâu. Cho đến nay, việc này tuy không vi phạm pháp luật, nhưng cũng khiến thông tin trên thị trường trở nên mông lung, nhiễu loạn và thiếu kiểm soát.
Hơn nữa, sự sai khác giữa báo cáo thị trường của các bên cũng khiến khách hàng, nhà đầu tư một lần nữa đối mặt với việc không biết như thế nào là đúng, là sai”, VIRES nhận định.
Nhịp sống thị trường