MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mặc bất ổn, sức hấp dẫn của thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới vẫn không hề giảm sút: Hàng chục người xếp hàng dưới mưa chỉ để mua nhà

08-06-2020 - 13:39 PM | Tài chính quốc tế

Dự luật an ninh gây tranh cãi của Trung Quốc có thể gây ảnh hưởng đến vị thế là trung tâm tài chính toàn cầu của Hồng Kông, nhưng không hề khiến sức hấp dẫn của thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới giảm bớt.

Theo Bloomberg, tuần trước, hàng chục khách hàng đã xếp hàng bất chấp trời mưa để có cơ hội tham gia sự kiện đấu giá 94 căn hộ thuộc dự án Campton tại trung tâm khu Cửu Long. Trong đó, mức giá khởi điểm là 6,8 triệu HKD (872.400 USD). Tại sự kiện này, gần như toàn bộ căn hộ đã được bán chỉ trong vòng 8 tiếng, giúp nhà phát triển China Vanke Co. thu về 880 triệu HKD.

Li – một người phụ nữ tham gia sự kiện này, chia sẻ: "Khi hệ thống chính trị và nền kinh tế không ổn định, tiền mặt nhanh chóng mất giá. Tôi muốn sử dụng hết tiền mua 1 căn hộ để bảo toàn giá trị."

Nhìn qua thì đây dường như không phải là thời điểm tốt nhất để mua bất động sản tại Hồng Kông. Tương lai của vùng lãnh thổ là thuộc địa cũ của Anh đã bị "che mờ" bởi dự luật an ninh của Trung Quốc, khiến Mỹ đe dọa sẽ xóa bỏ một số đặc quyền của Hồng Kông. Trong khi đó, đối với một số cư dân ở Hồng Kông, bất ổn chính trị và kinh tế khiến bất động sản là một khoản đánh cược hấp dẫn hơn so với những loại tài sản khác. Hồi tháng trước, Sun Hung Kai Properties đã bán 97% trong số 298 căn hộ của họ với giá trị gần 2 tỷ HKD chỉ trong 1 ngày.

Mặc bất ổn, sức hấp dẫn của thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới vẫn không hề giảm sút: Hàng chục người xếp hàng dưới mưa chỉ để mua nhà  - Ảnh 1.

Giá nhà ở Hồng Kông tăng mạnh trong 2 thập kỷ qua.

Li – bà nội trợ khoảng 40 tuổi, tin rằng thị trường nhà đất có thể chống chọi với tình trạng xấu đi của nền kinh tế, bởi nguồn cung nhà sẽ không bao giờ đáp ứng được nhu cầu. Chị cho hay: "Hồng Kông là một nơi rất nhỏ bé. Nếu bạn nhìn vào giá nhà 20 năm trước và bây giờ, bất động sản mua khi đó giờ đây đã mang lại khoản lợi nhuận khổng lồ."

Theo số liệu từ Centaline Property Agency, giá bất động sản tại Hồng Kông đã tăng 230% kể từ năm 2000, càng củng cố quan điểm của nhiều cư dân tại đây rằng bất động sản sẽ luôn là một loại tài sản "trú ẩn". Dù tăng trưởng kinh tế sụt giảm, giá nhà hiện tại đã tăng 1,2% trong năm nay và đạt mức cao nhất kể từ tháng 11.

Ngay cả khi mức giá và doanh số trong nhiều thị trường bất động sản nhộn nhịp khác trên toàn cầu như London và Singapore sụt giảm, thì Hồng Kông vẫn ghi nhận 6.885 thỏa thuận mua bán bất động sản vào tháng 5 – mức cao nhất trong 12 tháng khi thành phố nới lỏng các biện pháp hạn chế. Theo Mindland Realty, mức giá trung bình tại đây là 15.589 HKD/1 ft2 (khoảng 0,1 m2).

Simon Smith – trưởng nhóm nghiên cứu và tư vấn tại Savills Plc. chỉ ra rằng mức lãi suất thấp và hiệu quả trong động thái chống dịch của Hồng Kông là yếu tố giải thích cho khả năng hồi phục của thị trường. Trong khi đó, theo báo cáo của Morgan Stanley công bố hôm 26/5, về dài hạn, nguồn cung hạn chế và nhu cầu cao xuất phát từ tỷ lệ sở hữu nhà thấp, cùng với mức lãi suất gần bằng 0 sẽ thúc đẩy thị trường.

Mặc bất ổn, sức hấp dẫn của thị trường bất động sản đắt đỏ nhất thế giới vẫn không hề giảm sút: Hàng chục người xếp hàng dưới mưa chỉ để mua nhà  - Ảnh 2.

Hồng Kông là thị trường đắt đỏ nhất thế giới trong thập kỷ vừa qua.

Tuy nhiên, thị trường bất động sản Hồng Kông cũng không hề "miễn nhiễm" với rủi ro. Hoạt động kinh doanh vẫn đóng cửa và tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức cao nhất trong cả thập kỷ. Dù số việc làm bị mất chủ yếu thuộc những lĩnh vực yêu cầu tay nghề thấp như bán lẻ và thực phẩm, ăn uống, thì ảnh hưởng của tình trạng thất nghiệp sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ thế chấp của nhóm lao động tay nghề cao.

Suy thoái kinh tế và doanh số bán lẻ sụt giảm mạnh cũng ảnh hưởng đến cổ phiếu nhóm bất động sản, dù đã thăng hoa vào tuần trước. Chỉ số Hong Kong Hang Seng Properties – bao gồm những nhà phát triển lớn nhất thành phố, đã giảm 18% trong năm nay so với mức giảm 12% trong chỉ số tham chiếu.

Hơn nữa, mối lo ngại về tương lai của Hồng Kông đã là yếu tố thúc đẩy một số cư dân tại đây lập kế hoạch di cư để tránh việc Trung Quốc gia tăng sự giám sát. Trong khi đó, khoản tiền gửi tại ngân hàng của các tài khoản không thường trú ở Singapore đã tăng lên mức kỷ lục vào tuần trước. Đây là một dấu hiệu sớm cho thấy một số người ở Hồng Kông đang chuyển tiền ra.

Dẫu vậy, hiện tại, một số người mua nhà lại bỏ qua những yếu tố rủi ro.

Smith nhận định: "Hồng Kông là một trong những thành phố đáng sống nhất Trung Quốc, nếu không nói là cả châu Á. Nếu nơi này vẫn duy trì được vị thế là một thành phố hạng nhất, một cửa ngõ để tiếp cận Trung Quốc và trung tâm tài chính quốc tế, thì không có lý do gì để cả thị trường thương mại và dân cư không tiếp tục phát triển mạnh mẽ." 

Tham khảo Bloomberg

Lục Lam

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên