Mặc cho thị trường không ngừng bứt phá, vẫn còn hàng trăm cổ phiếu có giá "trà đá"
Thống kê trên 2 sàn niêm yết (HoSE và HNX) hiện có 112 cổ phiếu có mức giá từ 5.000 đồng trở xuống, chiếm khoảng 1/5 số lượng cổ phiếu niêm yết trên TTCK. Mức giá của các cổ phiếu này chỉ tương đương gói snack, cọng hành, mớ rau, cốc trà đá hay thậm chí là… vé gửi xe máy.
- 17-10-2017“Zombie” thủy sản Navico sống lại, cổ phiếu ANV tăng 5 lần sau khi cắt bỏ “cục nợ” DAP Lào Cai
- 05-10-2017"Họ Xây lắp dầu khí" sau hàng loạt biến cố: Thua lỗ nghìn tỷ, cổ phiếu không bằng cốc trà đá
- 03-10-2017Ghế Tổng giám đốc của Ocean Group (OGC) đã có chủ sau hơn 3 tháng để trống
Từ đầu năm tới nay, chỉ số VnIndex đã tăng gần 24% lên trên 820 điểm, mức cao nhất trong 10 năm qua. Với diễn biến kể trên, TTCK Việt Nam đã lọt vào top 10 thị trường tăng trưởng tốt nhất thế giới tính từ đầu năm 2017.
Mặc dù xu hướng chung khá tích cực, tuy nhiên vẫn tồn tại khá nhiều cổ phiếu có thị giá rất thấp, chỉ vài nghìn đồng và hầu hết các cổ phiếu này đều đứng ngoài bức tranh tăng trưởng của thị trường.
Thống kê trên 2 sàn niêm yết (HoSE và HNX) hiện có 112 cổ phiếu có mức giá từ 5.000 đồng trở xuống, chiếm khoảng 1/5 số lượng cổ phiếu niêm yết trên TTCK. Mức giá của các cổ phiếu này chỉ tương đương gói snack, cọng hành, mớ rau, cốc trà đá hay thậm chí là… vé gửi xe máy.
Những tên tuổi đáng chú ý có giá dưới 5.000 đồng
Trong những cổ phiếu có thị giá khoảng 5.000 đồng trở xuống trên 2 sàn niêm yết hiện khá nhiều tên tuổi lừng lẫy một thời, từng thu hút sự chú ý của giới đầu tư trong và ngoài nước, có thể kể tới như cổ phiếu Tập đoàn Đại Dương (OGC).
Trước đây, OGC là một trong những cổ phiếu Bluechips trên HNX. Tuy nhiên, những biến cố lớn đã xảy ra từ cuối năm 2014 khi Chủ tịch Hà Văn Thắm bị bắt giữ về sai phạm trong hoạt động ngân hàng cùng việc OGC phải trích lập dự phòng hàng nghìn tỷ đồng đã khiến tập đoàn này thua lỗ nặng nề và cổ phiếu lao dốc không phanh, chỉ còn quanh ngưỡng 2.000 đồng.
Cổ phiếu OGC "sụp đổ" sau biến cố Hà Văn Thắm
Cổ phiếu TCT Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVX) – một trong những Tổng cổng ty lớn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cũng từng là tên tuổi lừng lẫy một thời nhưng nay chỉ còn giá “cọng hành”. Trước kia từng có lúc PVX có giá lên tới hơn 30.000 đồng (tính theo giá điều chỉnh) thì hiện nay, PVX chỉ có giá 2.500 đồng.
Việc cổ phiếu PVX giảm sâu có nguyên nhân từ hoạt động kinh doanh dàn trải, kém hiệu quả trong suốt những năm qua, đặc biệt trong giai đoạn Trịnh Xuân Thanh làm chủ tịch. Trong 3 năm trở lại đây, mặc dù hoạt động kinh doanh đã có lãi trở lại nhưng PVX vẫn còn lỗ lũy kế lên tới gần 3.000 tỷ đồng.
"Đại gia" giàu khí PVX cũng chỉ còn mức giá "cọng hành"
Một trường hợp khác là cổ phiếu JVC của Thiết bị y tế Việt Nhật. Từng là một trong những cổ phiếu được đánh giá cao trên thị trường với hoạt động kinh doanh ổn định, được khối ngoại mua kín room 49%. Tuy nhiên, sau biến chủ tịch Lê Văn Hướng bị khởi tố, JVC đã gặp muôn vàn khó khăn và lỗ hơn 1.300 tỷ đồng trong năm tài chính 2015 (thời điểm ông Hướng bị khởi tố).
Ngoài ra, cổ phiếu ITA của Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo do bà Đặng Thị Hoàng Yến làm chủ tịch cũng có mức giá khá thấp. Từng có thời điểm ITA thường xuyên nằm trong danh mục của các quỹ ETF và chưa năm nào thua lỗ nhưng cổ phiếu hiện chỉ quanh ngưỡng 4.000 đồng. Tương tự là trường hợp Hoàng Huy, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xe tải Dongfeng và bất động sản hay Đức Long Gia Lai (DLG), Địa ốc Hoàng Quân (HQC) dù chưa lỗ năm nào nhưng giá cổ phiếu chỉ còn hơn 4.000 đồng.
Hay như Vosco (VOS) – một doanh nghiệp thuộc Vinalines, từng có mức lãi hàng trăm tỷ đồng, nhưng việc cước vận tải biển sụp đổ từ năm 2008 khiến doanh nghiệp này thua lỗ nặng nề và giá cổ phiếu cũng chìm theo. Hiện tại, thị giá VOS chỉ hơn 2.000 đồng.
Nhiều cổ phiếu mới lên sàn có mức giá “trà đá”
Trong 3 năm qua, số lượng doanh nghiệp niêm yết trên TTCK tăng lên đáng kể, mở ra nhiều cơ hội lớn cho nhà đầu tư. Tuy vậy, một điều đáng nói là khá nhiều cổ phiếu đã mau chóng giảm rất sâu chỉ sau thời gian ngắn lên sàn như trường hợp NHP, KLF, NDF, DPS, BII, SGO, FID, KSQ, MBG, HKT…
Hầu hết các cổ phiếu này đều có chung kịch bản với những nhịp sóng biến động khá mạnh và đều có những kế hoạch tăng vốn rầm rộ ngay sau khi lên sàn. Tuy nhiên, sau những đợt phát hành này, giá cổ phiếu cũng lao dốc không phanh, mang lại rủi ro không nhỏ cho nhà đầu tư nắm giữ.
Bên cạnh đó, không ít cổ phiếu gần đây lên sàn cũng lập tức “kéo trần” trong vài phiên đầu và mau chóng rớt giá thê thảm khiến không ít nhà đầu tư “đua” theo thiệt hại nặng nề.
Có thể thấy, trên TTCK Việt Nam có rất nhiều cổ phiếu có giá dưới 5.000 đồng, mức giá được coi là rẻ. Tuy nhiên, nhà đầu tư không nên chỉ nhìn vào mức giá này để đưa ra quyết định đầu tư bởi nếu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không thực sự có biến chuyển thì có lẽ mức giá đó vẫn còn đắt.