MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mặc gièm pha, Mark Zuckerberg chứng tỏ năng lực thiên tài: Xoay chuyển tình huống ngỡ ngàng, bỏ túi 12,5 tỷ USD nhờ 1 lời hứa, khiến nhà đầu tư 'quay xe' ủng hộ

04-02-2023 - 08:42 AM | Tài chính quốc tế

Mặc gièm pha, Mark Zuckerberg chứng tỏ năng lực thiên tài: Xoay chuyển tình huống ngỡ ngàng, bỏ túi 12,5 tỷ USD nhờ 1 lời hứa, khiến nhà đầu tư 'quay xe' ủng hộ

Sau khi trải qua năm 2022 tồi tệ chưa từng có, Mark Zuckerberg đang chứng minh tài năng khi xoay chuyển tình thế ngỡ ngàng.

Theo Bloomberg Billionaires Index, CEO Meta là Mark Zuckerberg hiện sở hữu 69,8 tỷ USD và là người giàu thứ 13 thế giới. Sau phiên 2/2, tài sản của anh tăng 12,5 tỷ USD – mạnh nhất kể từ khi trở thành tỷ phú.

Có thể thấy, vị CEO 38 tuổi này đang dần đảo ngược tình thế sau khi trải qua năm 2022 tồi tệ chưa từng có. Tài sản của anh từng chạm đỉnh 142 tỷ USD tháng 9/2021, sau đó biến động mạnh vào năm ngoái. Zuckerberg mất tới 31 USD trong phiên cuối tháng 2, rồi có thêm 11 tỷ USD hồi tháng 4 và mất 11 tỷ USD trong tháng 10 vì lợi nhuận Meta không đạt kỳ vọng.

Hôm 2/2, cổ phiếu Meta tăng 23,3%. Nhà đầu tư tỏ ra phấn khởi với các số liệu tài chính của Meta và cam kết của Zuckerberg rằng 2023 sẽ là "năm làm việc hiệu suất" của đại gia mạng xã hội này.

Anh cho biết việc cắt giảm 11.000 nhân sự hồi tháng 11, tương đương 13% lao động, "chỉ là sự bắt đầu" của kế hoạch thu gọn bộ máy. Công ty này cũng vừa thắng kiện, khiến Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) không thể ngăn họ mua một startup về thực tế ảo (VR).

“Chúng tôi đang ‘làm phẳng’ cấu trúc tổ chức, đồng thời loại bỏ một số lớp quản lý cấp trung để trở nên tinh gọn, hiệu quả hơn. Chúng tôi cũng triển khai và áp dụng các công cụ AI để hỗ trợ phần lớn các kỹ sư. Vẫn sẽ còn nhiều việc có thể làm để cải thiện năng suất, tốc độ và bài toán chi phí của Meta”, Zuckerberg nói.

“Cộng đồng của chúng tôi tiếp tục phát triển và tôi thực sự hài lòng với sự tương tác mạnh mẽ trên các ứng dụng”, CEO Mark Zuckerberg nói. “2023 sẽ là ‘Năm hiệu quả’ và Meta sẽ tập trung vào việc trở thành một tổ chức mạnh mẽ và linh hoạt hơn”.

Được biết để cải thiện tình trạng giảm tốc tăng trưởng doanh thu, Mark Zuckerberg đã chuyển sang khai thác tiềm năng lợi nhuận cho WhatsApp, thậm chí kỳ vọng nó có thể biến thành một “siêu ứng dụng” giống WeChat của Trung Quốc.

“Đó là một thách thức thực sự lớn”, Matt Idema, Phó Chủ tịch phụ trách lĩnh vực nhắn tin kinh doanh của Meta chia sẻ với Insider. “Làm thế nào để bạn phát triển doanh nghiệp dựa trên sản phẩm nhắn tin sẵn có này?”.

Câu trả lời nằm ở chiến lược “nhắn tin doanh nghiệp” - nơi các công ty có thể sử dụng WhatsApp để trò chuyện, quảng cáo và phục vụ khách hàng thông qua hình thức nhắn tin. “Nhiều khách hàng đã trò chuyện với doanh nghiệp ngay trên WhatsApp trong giai đoạn đại dịch. Điều này đã củng cố mức độ phổ biến cũng như khả năng kiếm tiền của ứng dụng. Tại một thời điểm nào đó, chúng tôi đã đạt đến đỉnh điểm của sự thất vọng trong nội bộ”, Matt Idema nói.

Facebook vốn đã tìm cách kiếm tiền từ WhatsApp kể từ khi mua lại, theo các cựu nhân sự. Nỗ lực này đang được tái khởi động mạnh mẽ, thậm chí được coi là nhiệm vụ “khẩn cấp” để tăng trưởng doanh thu.

“Đã đến lúc kết hợp WhatsApp, Facebook Messenger và Instagram Messenger và coi chúng như một chiến lược nhắn tin duy nhất”, ông Idema nói thêm.

Meta đang hồi phục sau thời kỳ nhu cầu quảng cáo sụt giảm trong bối cảnh kinh tế đi xuống và Apple thay đổi quy định về quyền riêng tư trên iPhone. Việc này khiến Meta khó thực hiện quảng cáo mục tiêu hơn.

Zuckerberg cho biết công ty này đang dùng AI để cải thiện cách họ đề xuất nội dung. Việc này có thể giúp nền tảng này hấp dẫn hơn với người dùng và khách hàng. Facebook cũng đang đối mặt với nhu cầu quảng cáo số giảm. Tuy nhiên, công ty này cho biết các ngành như y tế, du lịch lại đang tăng quảng cáo.

Nguồn: Bloomberg

Theo Phương Linh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên