MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

''Mặc kệ'' các ngân hàng tư nhân tăng kịch trần lãi suất, nhóm Big4 vẫn neo ở mức thấp kỷ lục

26-09-2022 - 15:53 PM | Tài chính - ngân hàng

''Mặc kệ'' các ngân hàng tư nhân tăng kịch trần lãi suất, nhóm Big4 vẫn neo ở mức thấp kỷ lục

Nhóm Big4 gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank vẫn giữ nguyên biểu lãi suất huy động sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng mạnh lãi suất điều hành từ hôm 23/9.

Ngày 23/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tăng một loạt lãi suất điều hành, tăng trần lãi suất huy động dưới 1 tháng từ 0,2%/năm lên mức 0,5%/năm và trần lãi suất tiền kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng từ 4%/năm lên 5%/năm.

Ngay sau thông báo của NHNN, một loạt ngân hàng đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động. Trong đó, lãi suất tiền gửi dưới 1 tháng và từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại nhiều nhà băng được niêm yết ở mức tối đa cho phép theo quy định mới là 0,5%/năm và 5%/năm.

Đáng chú ý, đợt tăng lãi suất lần này không còn mang tính cục bộ tại các ngân hàng nhỏ mà lại được dẫn đầu bởi các ngân hàng tư nhân lớn.

Theo đó, ngay sau khi quy định mới có hiệu lực vào sáng 23/9, ACB, SHB đã nâng lãi suất huy động đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng lên mức kịch khung 5%/năm. Đến 24/9, danh sách này có thêm sự góp mặt của hàng loạt ngân hàng tư nhân lớn khác như Techcombank, VPBank, SCB, HDBank.

Ngoài tăng lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng, nhiều nhà băng còn tăng lãi suất kỳ hạn dài thêm 0,5-0,7%/năm. Tại các ngân hàng lớn như ACB, SHB, Techcombank, VPBank, lãi suất nhiều kỳ hạn đã vượt mức 7%/năm.

Trái với sự cạnh tranh gay gắt của khối tư nhân, nhóm Big 4 (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) vốn chiếm gần một nửa thị phần - vẫn khá hững hờ với cuộc đua huy động. Hiện những nhà băng này vẫn đang niêm yết lãi suất tại quầy cao nhất là 5,6%/năm. Đối với kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng, lãi suất của nhóm Big 4 chỉ ở mức 3,1-3,4%/năm và dưới 1 tháng là 0,2% - không thay đổi nhiều so với giai đoạn dịch bệnh.

Mặc kệ các ngân hàng tư nhân tăng kịch trần lãi suất, nhóm Big4 vẫn neo ở mức thấp kỷ lục - Ảnh 1.

Lãi suất huy động của nhóm tư nhân vốn đã cao hơn khá nhiều so với nhóm Big4 trước đợt tăng mới đây

Trước đó, các ngân hàng gốc quốc doanh cũng là nhóm tăng lãi suất ít nhất trong nửa đầu năm. Dữ liệu của VnDirect cho biết, trong 6 tháng đầu năm, lãi suất tiền gửi bình quân tại kỳ hạn 3 tháng và 12 tháng của các ngân hàng tư nhân đã tăng đáng kể lần lượt là 0,38 và 0,44 điểm %, trong khi các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chỉ tăng nhẹ lần lượt 0,03 và 0,07 điểm %.

Nhờ đâu Big4 chưa phải gia nhập cuộc đua tăng lãi suất?

Tại đại hội thường niên 2022, trả lời câu hỏi cổ đông về nguyên nhân tiền gửi vẫn tăng trưởng tốt dù có mức lãi suất huy động thấp nhất hệ thống, lãnh đạo một ngân hàng trong nhóm Big4 cho biết điều này đến từ những lợi thế đặc biệt mà nhà băng này sở hữu.

Vị lãnh đạo này không chia sẻ chi tiết, song giới chuyên môn cho rằng các ngân hàng thương mại Nhà nước vẫn có được nhiều ưu thế so với nhóm tư nhân trong cuộc đua huy động tiền gửi nhờ danh tiếng, đặc thù hoạt động, cũng như mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch rộng khắp cả nước. Bên cạnh đó, trong giai đoạn thanh khoản hệ thống không còn dồi dào, nhóm Big4 vẫn đang được hỗ trợ rất lớn từ các dòng tiền lớn.

Báo cáo tài chính quý II cho thấy, lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tại các ngân hàng gốc quốc doanh (Vietcombank, VietinBank và BIDV) đã tăng đột biến trong nửa đầu năm.

Ghi nhận tại BIDV, tiền gửi của KBNN tại 30/6/2022 đột biến tới gần 72.000 tỷ đồng, từ mức xấp xỉ 11.800 tỷ vào cuối năm 2021. Trong đó, số dư tiền gửi có kỳ hạn của KBNN tại BIDV vào cuối tháng 6 lên tới 70.000 tỷ, tăng 60.000 tỷ so với hồi đầu năm.

Tương tự, lượng tiền gửi có kỳ hạn của KBNN tại Vietcombank tăng vọt từ 7.000 tỷ đồng lên tới 59.787 tỷ đồng; tiền gửi không kỳ hạn cũng tăng thêm gần 600 tỷ đồng. Với VietinBank, số dư tiền của cơ quan này cũng tăng vọt từ gần 31.800 tỷ lên 58.200 tỷ vào cuối quý II.

Tính chung tại ba ngân hàng lớn nói trên (chưa có dữ liệu tại Agribank), tổng nguồn tiền gửi của KBNN tại thời điểm 30/6/2022 lên tới 189.254 tỷ đồng, tăng gần 138.000 tỷ so với cuối năm 2021; riêng trong quý II, lượng tiền gửi của KBNN tại nhóm này tăng thêm gần 68.700 tỷ đồng.

Nguồn tiền gửi dồi dào từ KBNN đã giúp nhóm Big4 không chịu nhiều áp lực huy động tiền gửi từ khách hàng và hạn chế đà tăng của chi phí vốn. Nhờ ổn định lãi suất huy động tốt hơn, nhóm Big4 đang có lợi thế về chi phí vốn so với nhóm ngân hàng tư nhân

Theo SSI Research, lượng tiền gửi có kỳ hạn của KBNN tại BIDV đã tăng 33.000 tỷ đồng (tương đương tăng 90%) trong quý II/2022, còn tiền gửi của khách hàng chỉ tăng 10.000 tỷ đồng (tương đương tăng 0,7%). Sự thay đổi tạm thời trong cơ cấu nguồn vốn này đã giúp chi phí huy động vốn bình quân của BIDV giảm 0,04 điểm % so với quý trước (và giảm 0,15 điểm so với quý IV/2021) xuống còn 3,32%.

Còn với Vietcombank, tiền gửi của KBNN đã tăng 25.000 tỷ đồng trong quý II, đạt 59.000 tỷ đồng vào cuối tháng 6. Con số này tương đương với khoảng 4,9% tổng tiền gửi khách hàng. Do vậy, ngân hàng không phải chịu nhiều áp lực huy động tiền gửi khách hàng trong giai đoạn này. Theo đó, tổng tiền gửi tại Vietcombank chỉ tăng 12.000 tỷ đồng (tăng 1% so với quý trước), đạt 1,2 triệu tỷ đồng vào cuối quý II/2022.

''Điều này giúp Vietcombank kiềm chế được đà tăng của chi phí huy động bình quân (chỉ tăng 0,11% so với quý trước), mặc dù mặt bằng lãi suất huy động tăng và CASA giảm (-0,9 điểm % xuống 41,4%)'', SSI Research cho hay.

Quang Hưng

Nhịp sống Thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên