Mắc kẹt giữa 2 siêu cường, "người Ukraine cảm thấy như đang bị bỏ rơi"
Đó là nhận định của ông Vadym Prystaiko, Đại sứ Ukraine tại Vương quốc Anh, trong bối cảnh quốc gia này đang là tâm điểm của cả thế giới khi kẹt giữa Nga và phương Tây.
- 14-02-2022Chứng khoán tương lai Mỹ phục hồi nhanh chóng sau những hoảng loạn vì "bóng ma" chiến tranh ở Ukraine
- 14-02-2022Cuộc khủng hoảng Ukraine gần đây bắt đầu như thế nào?
- 14-02-2022Căng thẳng Ukraine bước vào tuần "quyết định", thế giới căng mình hóng tin
- 13-02-2022[eMagazine] Toàn cảnh căng thẳng leo thang từng ngày ở biên giới Ukraine
- 13-02-2022Kịch bản chiến tranh hạt nhân từ căng thẳng Nga – Ukraine
"Vấn đề là người Ukraine bị đẩy vào sự hoảng sợ", ông Prystaiko nhấn mạnh. "Các hãng hàng không đã phải hủy chuyến, tiền bị các nhà đầu tư rút hết. Người Ukraine cảm thấy mình đang bị bỏ rơi".
Căng thẳng ở biên giới Ukraine đột ngột nóng hơn bao giờ hết vào cuối tuần trước, sau khi Nhà Trắng cảnh báo Nga có thể tiến hành một cuộc xâm lược nhằm vào Ukraine bất cứ lúc nào. Hãng hàng không KLM của Hà Lan đã đình chỉ các chuyến bay tới Ukraine và các công ty khác cũng đang xem xét làm điều tương tự.
Cho rằng mức độ đe dọa ở Ukraine là cao, Mỹ đã quyết định rút một số nhân viên của mình khỏi Kiev. Các cơ quan ngoại giao châu Âu vẫn đang hoạt động ở Kiev nhưng nhiều các nước khác yêu cầu công dân tránh vào Ukraine và yêu cầu những người đang có mặt tại đó rời quốc gia này khi các phương tiện thương mại vẫn còn sẵn sàng.
Theo Đại sứ Prystaiko, ông cảm thấy "khá tệ" về quyết định của Anh khi đưa ra cảnh báo người dân rời Ukraine.
"Không phải ai cũng có thể rời đi. Gia đình tôi đâu có thể rời đi, mẹ tôi, anh trai tôi và rất nhiều bạn bè tôi sống ở đó. Chúng tôi cảm thấy bị bỏ rơi. Có thể đây là một từ hơi quá nhưng đó là cách người Ukraine tin rằng chúng tôi đang bị đối xử như thế. Chúng tôi muốn nhắc nhở mọi người rằng chúng tôi không muốn cuộc chiến này", ông Prystaiko nói.
Bất chấp tham vọng gia nhập NATO hay Liên minh châu Âu (EU), Ukraine hiện không phải thành viên của bất cứ tổ chức nào trong số này. Chính bởi vậy, Ukraine khó có cơ hội nhận được hỗ trợ quân sự trong trường hợp Nga bị tấn công. Thực tế, Mỹ và nhiều nước phương Tây khác đã khẳng định rằng họ sẽ không gửi quân đến Ukraine để trực tiếp chiến đấu chống lại Nga.
"Chúng tôi chẳng phải gia đình của bất cứ ai, những người có thể đến giúp đỡ và hỗ trợ chúng tôi. Chúng tôi không thể mong đợi ai đó sẽ đến và cứu mình", ông Prystaiko nói.
Dẫu vậy, chính bản thân ông Prystaiko cũng nói rằng Ukraine vẫn tiếp tục tham vọng trở thành thành viên của NATO, dù đây là điều mà nước Nga kiên quyết phản đối. Hiện tại, Ukraine đang muốn dựa vào những thỏa thuận song phương để mong những sự giúp đỡ.
Căng thẳng gần đây ở biên giới Ukraine nổi lên tháng 11 năm ngoái, sau khi Mỹ và phương Tây phát hiện một lượng lớn binh sĩ và khí tài quân sự của Nga ở biên giới với Ukraine. Phương Tây cáo buộc Moscow đang lên kế hoạch để tấn công vào lãnh thổ Ukraine nhưng Nga liên tiếp bác bỏ những điều này.
Tuy tuyên bố không can thiệp quân sự nhưng Mỹ và đồng minh đe dọa sẽ trừng phạt kinh tế nghiêm khắc với Nga trong trường hợp Moscow động binh. Trong khi đó, Moscow luôn coi cáo buộc của phương Tây là một kế hoạch tuyên truyền nhằm chống lại Nga. Thậm chí, Nga còn khẳng định chính những kẻ kích động chiến tranh là những người muốn chiến tranh nhất.
Về phần mình, phía Ukraine cho biết họ không nhận thấy nguy cơ xung đột với Nga hiện tại lớn hơn bất cứ thời điểm nào kể từ năm 2014 tới nay. Trong khi đó, sự hoảng loạn được xem là kẻ thù lớn nhất của Kiev. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi người dân bình tĩnh và đang thúc đẩy các giải pháp ngoại giao cho căng thẳng với quốc gia láng giềng.