MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Made in USA" vs "Made in China": Tại sao Mỹ đánh Huawei? Câu trả lời bắt đầu từ chiếc tivi nhà bạn (P.2)

24-05-2019 - 12:49 PM | Tài chính quốc tế

Đại chiến công nghệ sẽ là chiến tranh lạnh lần thứ 2 mà chẳng có kẻ thắng.

Trong 1/4 thế kỷ qua, đường lối tiếp cận của Mỹ với Trung Quốc đa phần theo hướng ôn hòa. Mặc dù có những vụ xung đột nhưng ảnh hưởng của Mỹ khiến nền kinh tế Trung Quốc ngày càng đi lên. Phía Mỹ cũng mong muốn với những tác động hợp lý, Trung Quốc sẽ trở thành một nước có "trách nhiệm" trên thế giới.

Tuy nhiên giờ đây đường lối ôn hòa mà Mỹ muốn áp dụng đã không còn. Thay vào đó, Nhà Trắng coi Trung Quốc là một đối thủ của Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Trung Quốc ăn cắp sở hữu trí tuệ, kiếm soát tỷ giá, xuất siêu sang Mỹ, lấy mất việc làm và có âm mưu tác động đến văn hóa, chính trị của nền kinh tế số 1 thế giới.

Sự chuyển biến của 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới

Cách đây vài tháng, Phó tổng thống Mike Pence còn cảnh báo Trung Quốc rằng họ đang đối đầu với toàn bộ chính phủ Mỹ, những từ ngữ đao to búa lớn gây cảm tưởng như một cuộc chiến tranh lạnh lần thứ 2 sắp bắt đầu. Trong khi đó những động thái nâng thuế lên 25% hay nhắm vào Huawei của Tổng thống Trump lại thổi bùng lên nguy cơ về 1 cuộc chiến tranh lạnh lần thứ 3. Có chăng, thay vì chạy đua quân sự, 2 nền kinh tế này sẽ đọ sức về công nghệ.

Trên thực tế, Tổng thống Trump hay Phó tổng thống Pence không hề đơn độc trong cuộc chiến này. Rất nhiều nghị sĩ của cả 2 Đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ đều mong muốn đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc. Thậm chí từ cuối những năm 1940, giới quân sự và diều hâu của chính trường Mỹ đã đề xuất ý tưởng xoay trục chiến lược với một đối thủ tiềm tàng tại châu Á.

Ở phía bên kia Thái Bình Dương, Trung Quốc lại đang có một cuộc cách mạng về tư tưởng. Những nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc cho rằng Mỹ đang cố gắng kìm hãm sự phát triển của đất nước họ. Đây là lý do cho chính sách "Giấu mình chờ thời" được áp dụng suốt những năm tháng kể từ khi mở cửa nền kinh tế.

Made in USA vs Made in China: Tại sao Mỹ đánh Huawei? Câu trả lời bắt đầu từ chiếc tivi nhà bạn (P.2) - Ảnh 1.

Tuy nhiên kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, tình hình đã dần thay đổi. Trong khi nền kinh tế Mỹ lao đao thì Trung Quốc lại vươn lên như một yếu tố chủ chốt tác động đến kinh tế toàn cầu. Cũng từ đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu nhắc tới "Giấc mơ Trung Hoa" với mong muốn Trung Quốc trở thành một cường quốc thực sự.

Niềm tin này của Chủ tịch Tập Cận Bình không phải chỉ của riêng ông mà còn lan tràn đến rất nhiều người Trung Quốc. Chính niềm tin đó khiến những lời cáo buộc của Tổng thống Trump trở nên lố bịch trong mắt chính quyền Bắc Kinh.

Giờ đây, Trung Quốc không cần "Giấu mình chờ thời" nữa mà đã đủ sức mạnh để thực hiện ước mơ của mình. Theo chuyên gia Graham Allison của trường đại học Harvard, một cường quốc lâu năm như Mỹ chắc chắn sẽ có xung đột với một nước đang vươn tầm mạnh mẽ như Trung Quốc.

Người Mỹ có lý do để lo lắng khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh gấp 2 lần Mỹ. Đặc biệt hơn, cường quốc châu Á đổ rất nhiều tiền cho những ngành công nghệ kỹ thuật như trí thông minh nhân tạo, sinh học, lượng tử…

Với đà phát triển như hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng vị thế để Mỹ cáo buộc Trung Quốc về ăn cắp sở hữu trí tuệ hay đánh thuế nhập khẩu sẽ không còn trong tương lai khi cường quốc châu Á đã đủ lớn mạnh. Đây là một trong những nguyên nhân thúc đẩy Nhà Trắng ngày càng cứng rắn với chính quyền Bắc Kinh.

Trên thực tế, lịch sử đã chứng mình cách tốt nhất để nhân loại hưởng lợi là 2 nền kinh tế này chung sống hòa bình với nhau, nhưng làm cách nào thì chưa ai có lời giải.

Con rồng Trung Quốc trỗi dậy

Năm 2009, chiếc tivi Sony Bravia được quảng cáo là "Made in China" nhưng trên thực tế phần lớn bộ phận của chúng được làm bởi những công ty không đến từ Trung Quốc.

Năm 2017, một trong những dòng tivi bán chạy nhất là TCL S-Series được sản xuất phần lớn bởi những bộ phận từ các nhà máy thuộc công ty Trung Quốc.

Trung Quốc ngày nay đang sản xuất ngày càng nhiều thiết bị công nghệ cao với năng suất và sản lượng lớn chưa từng có, biến nơi đây thành nền kinh tế số 2 thế giới chỉ trong vài thập niên kể từ sau cải cách mở cửa. Từ vị thế bị các chuyên gia kinh tế nước ngoài coi thường, giờ đây Trung Quốc đã trở thành cường quốc kinh tế mà không một quốc gia nào có thể phớt lờ.

Không dừng lại ở đó, chính quyền Bắc Kinh còn muốn tiến xa hơn nữa bằng cách nâng cao các nhà máy của họ trong chuỗi giá trị sản xuất, tạo nên một công xưởng sản phẩm kỹ thuật cao để áp đặt luật chơi cho toàn cầu.

Made in USA vs Made in China: Tại sao Mỹ đánh Huawei? Câu trả lời bắt đầu từ chiếc tivi nhà bạn (P.2) - Ảnh 2.
Made in USA vs Made in China: Tại sao Mỹ đánh Huawei? Câu trả lời bắt đầu từ chiếc tivi nhà bạn (P.2) - Ảnh 3.

Những thành phần được sản xuất bởi công ty Trung Quốc (đỏ) và không phải (trắng)

Rõ ràng, tăng trưởng kinh tế chỉ là một vấn đề trong chiến lược của Trung Quốc. An ninh quốc gia và lòng tự tôn dân tộc cũng là những nguyên nhân khiến chính quyền Bắc Kinh muốn vươn lên trong chuỗi sản xuất toàn cầu.

Trung Quốc hiện nay muốn thống trị trong cả những lĩnh vực công nghệ tiên phong mà các tập đoàn lớn như Apple hay Qualcomm đang hoạt động. Dù chưa đứng đầu thế giới về công nghệ cao nhưng với lượng tiền khổng lồ đổ vào trí tuệ nhân tạo, điện tử đám mây, robot… chính quyền Bắc Kinh đang khiến nhiều nước phải dè chừng. Đó là chưa kể việc quốc gia này vung tiền mua hàng loạt những công ty công nghệ lớn nhằm tận dụng kỹ thuật tiên tiến của họ.

Điều thú vị là bằng việc vung tiền như vậy, Trung Quốc đang tạo nên một mô hình phát triển chuỗi sản xuất mới chưa từng có.

Lý thuyết kinh tế học hiện đại đã vạch ra con đường phát triển sản xuất truyền thống của các nước mới nổi là đi từ giá trị thấp lên cao. Ban đầu, các nước đang phát triển sản xuất những mặt hàng kỹ thuật thấp như giày dép, gia công dệt may rồi đến sản xuất thép.

Tiếp đó họ dịch chuyển lên những sản phẩm kỹ thuật cao hơn như xe hơi, máy tính, điện thoại. Thế rồi những nước đã phát triển mới có đủ nguồn lực cho các sản phẩm bán dẫn, tự động, công nghệ cao…

Khi các quốc gia này leo dần lên trong chuỗi sản xuất, họ từ bỏ dần những mảng công nghệ thấp cho các nước khác. Đây là điều mà Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã từng làm.

Trớ trêu thay, nền kinh tế Trung Quốc lại đang cố sản xuất tất cả chuỗi sản phẩm từ kỹ thuật thấp đến cao. Năm 2000, thị trường này là công xưởng thế giới cho những mặt hàng cơ bản kỹ thuật thấp như đồ chơi nhựa hay ô dù thì đến năm 2016, Trung Quốc sản xuất cả những mặt hàng đắt tiền hơn như smartphone hay máy tính nhưng vẫn là công xưởng của hàng hóa kỹ thuật thấp, nếu không muốn nói là sản xuất nhiều hơn.

Made in USA vs Made in China: Tại sao Mỹ đánh Huawei? Câu trả lời bắt đầu từ chiếc tivi nhà bạn (P.2) - Ảnh 4.

Tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng của thế giới (tỷ USD) và đóng góp của Trung Quốc (%) năm 2000

Made in USA vs Made in China: Tại sao Mỹ đánh Huawei? Câu trả lời bắt đầu từ chiếc tivi nhà bạn (P.2) - Ảnh 5.

Tổng giá trị xuất khẩu các mặt hàng của thế giới (tỷ USD) và đóng góp của Trung Quốc (%) năm 2016

Con đường chông gai

Trung Quốc đang muốn leo lên đỉnh quyền lực của chuỗi sản xuất, nhưng con đường phía trước khá chông gai. Quốc gia này chưa sản xuất hàng loạt được những loại chip công nghệ cao như của Mỹ, các loại xe của họ cũng chỉ nổi tiếng ở trong nước còn các nhà máy kỹ thuật hiện đại thì dựa dẫm quá nhiều vào chuyên gia cũng như kỹ sư nước ngoài.

Các dòng iPhone và Huawei Mate 10 đều được lắp ráp tại Trung Quốc nhưng phần lớn bộ phận của chúng lại được sản xuất từ nước ngoài.

Trong một chiếc điện thoại Huawei mà người Trung Quốc vẫn tự hào, thành phần đắt nhất và có công nghệ cao nhất là bảng mạch chủ khi chiếm tơi 52% chi phí. Dù chúng có một bộ xử lý của Trung Quốc nhưng phần lớn các chip đến từ công ty Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Mặc dù nhiều công ty trên được cho là chỉ thiết kế và nắm bản quyền công nghệ chip nhưng thuê ngoài (outsource) hoặc đặt nhà máy tại châu Á nhưng kể cả vậy, các công ty Trung Quốc vẫn chưa đủ sức để tự sản xuất phần quan trọng nhất của một chiếc điện thoại.

Theo các chuyên gia, trừ khi Trung Quốc có thể bắt kịp công nghệ của Mỹ, bằng không họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu muốn vươn lên đỉnh của chuỗi sản xuất.

Minh chứng rõ ràng nhất là một trong những tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc, hãng ZTE đã gần như phá sản sau khi bị phía Mỹ cấm nhập khẩu các thiết bị từ họ. Cuối cùng đích thân Chủ tịch Tập Cận Bình phải nói chuyện với Tổng thống Trump mới giải quyết được tình hình.

Made in USA vs Made in China: Tại sao Mỹ đánh Huawei? Câu trả lời bắt đầu từ chiếc tivi nhà bạn (P.2) - Ảnh 6.

Bo mạch của smartphone Huawei phần lớn là các chip từ công ty nước ngoài

Made in USA vs Made in China: Tại sao Mỹ đánh Huawei? Câu trả lời bắt đầu từ chiếc tivi nhà bạn (P.2) - Ảnh 7.

Công ty Trung Quốc đóng góp rất nhỏ trong việc hình thành nên một chiếc iPhone hay Huawei

Lẽ đương nhiên, chính quyền Bắc Kinh hiểu được họ yếu ở mảng nào và đã đầu tư lượng lớn tiền cho sản phẩm công nghệ cao như ô tô điện, sản phẩm bán dẫn, công nghệ smartphone… Điều này thậm chí được ghi rõ trong kế hoạch "Made in China 2025", vốn là tâm điểm chỉ trích của Tổng thống Trump trong cuộc chiến thương mại hiện nay khi cho rằng Trung Quốc đánh cắp bản quyền sở hữu trí tuệ.

Tồi tệ hơn, cuộc chiến thương mại hiện nay càng làm Trung Quốc ở vào thế yếu trong quá trình vươn lên chuỗi sản xuất của mình. Tuy nhiên, liệu quốc gia này có thức tỉnh để vượt qua khó khăn như từng làm trong cuộc cải cách kinh tế trước đây hay sẽ chìm vào khủng hoảng vẫn còn là câu hỏi khó.

Mỹ cần chiến lược chứ không phải chiến thuật

Theo tờ Economist, Tổng thống Trump đã đúng 3 điều trong các chính sách hiện nay. Thứ nhất, nước Mỹ cần cứng rắn, cả về kinh tế, chính trị hay ngoại giao. Với vị thế là một cường quốc như hiện nay, không quá muộn để Mỹ áp đặt luật chơi cho thế giới.

Tiếp theo, việc Mỹ muốn xóa bỏ thâm hụt thương mại với Trung Quốc là đúng đắn khi chính quyền Bắc Kinh áp dụng những chính sách không công bằng để đem lại lợi ích cho những doanh nghiệp nội địa. Những lời cáo buộc của Tổng thống Trump trên thực tế đã tồn tại từ rất lâu nhưng chỉ đến khi Trung Quốc bành trướng, Nhà Trắng mới thực sự quan tâm.

Một quyết định nữa được nhiều chuyên gia đồng quan điểm là việc Mỹ cứng rắn với cả các đồng minh của mình. Các hiệp định thương mại với Canada, Mexico không chỉ giúp Mỹ hưởng lợi hơn so với trước đây mà còn chứng tỏ nền kinh tế số 1 thế giới thực sự quyết tâm thay đổi.

Dẫu vậy, nhiều chuyên gia cho rằng Mỹ cần một chiến lược hoàn chỉnh hơn là những chiến thuật lẻ tẻ mang tính bốc đồng. Theo Economist, bất cứ quốc gia phương Tây nào lao vào cuộc đua chèn ép đầy vô lý với Trung Quốc cuối cùng sẽ chẳng đi đến đâu.

Mỹ là một cường quốc với vị thế lớn, xuất phát điểm cao hơn Trung Quốc. Nền kinh tế này hưởng lợi từ rất nhiều định chế, thỏa thuận từ lâu có lợi cho họ. Bởi vậy thay vì ép buộc Trung Quốc đến đường cùng, Mỹ có thể thực hiện chiến lược "cây gậy và củ cà rốt", nới lỏng một phần cho Trung Quốc để họ phát triển. Thay vì đơn phương kích thích chiến tranh thương mại, Mỹ hoàn toàn có thể hợp tác với Châu Âu, Nhật Bản để gây áp lực buộc Trung Quốc thay đổi.

Suy cho cùng, lợi ích của cả Mỹ và Trung Quốc đều gắn bó khá chặt chẽ do mối liên kết về thương mại. Trung Quốc thiệt hại cũng sẽ gây ảnh hưởng đến các công ty, người lao động và tiêu dùng tại Mỹ.

Made in USA vs Made in China: Tại sao Mỹ đánh Huawei? Câu trả lời bắt đầu từ chiếc tivi nhà bạn (P.2) - Ảnh 8.


Theo AB

Nhịp Sống Kinh Tế

Trở lên trên