Made in Vietnam: Thôi đừng sản xuất, hãy đi buôn?
Việc PEGA (HKbike) tuyên bố nội địa 35% sản phẩm xe điện sắp ra mắt làm khuấy đảo cư dân mạng mấy hôm nay. Vụ việc của PEGA cũng không khác mấy Bkav cho ra mắt Bphone, việc nội địa hóa và tự làm một số cấu phần sản phẩm khiến người ta hoài nghi.
Nội địa hóa, bạn có quan tâm không?
Câu chuyện nội địa hóa kéo dài từ nhiều năm nay, không chỉ ở những chiếc xe mà còn ở nhiều ngành nghề khác, nhưng có lẽ xe máy là một ví dụ rõ nhất. Ví dụ Honda Lead, trước khi Honda cho dòng này ra thị trường Việt Nam, một số cửa hàng xe máy đã nhập Honda SCR – mẫu xe tương tự ở thị trường Trung Quốc – về bán và bán quá tốt.
Sau đó, Honda quyết định sản xuất dòng này ở Việt Nam, tới nay tỷ lệ nội địa hóa của Lead khoảng 90%. Dù không có thống kê riêng về doanh số của Lead nhưng xác suất ra đường gặp chắc chắn rất cao, bởi nó phù hợp các mẹ, các chị.
Cách đây khoảng chục năm, khi Honda Air Blade mới ra mắt giá khoảng 29 triệu đồng, đây có lẽ là dòng xe ga đầu tiên kiểu thể thao mà Honda giới thiệu tại Việt Nam. Honda Airblade của Thái Lan khi đó có giá gần gấp đôi, khoảng 50 triệu đồng. Tới nay, Honda có thể cho ra mỗi ngày có khoảng 1.000 chiếc Air Blade 125 mỗi ngày, khoảng 500.000 xe/năm. Và tỷ lệ nội địa hóa cho chiếc xe này lên đến 95% - thời điểm 2014.
Nếu không có sự nội địa hóa thì liệu giá xe có giảm? Còn chất lượng? Khi khởi điểm các tín đồ hàng Thái vẫn chê Honda Việt nhưng tới nay, khó để có thể tìm được chiếc Air Blade Thái Lan chạy trên đường.
Thế nhưng lạ một điều khi ngồi trên một chiếc xe máy, liệu có ai quan tâm việc nó được nội địa hóa bao nhiêu phần trăm? Do tiềm thức hàng Nhật Bản Honda, Yamaha là tốt đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người dù sản phẩm đó sản xuất ở đâu, kể cả ở Trung Quốc. Thương hiệu lớn, đáng tin cậy, và chất lượng tốt được kiểm chứng qua thời gian đã khiến thương hiệu Honda có chỗ đứng tốt trên thị trường Việt, mặc dù tỷ lệ nội địa hóa ban đầu cũng chỉ đạt 25%.
Câu trả lời chính xác là chất lượng
Trở lại câu chuyện của PEGA (HKbike), có lẽ với nhiều người đây là "anh hùng mới nổ" ở thị trường xe điện. Chỉ một công bố nhỏ, 35% nội địa hóa đã bị những anh hùng bàn phím đánh đạp tơi bời. Và rằng, PEGA chỉ nhập đồ “tàu” về bán? Chưa nói đến đúng sai, nhưng chắc chắn, PEGA chưa tạo dựng được niềm tin với người tiêu dùng trong nước, do sản phẩm xe điện 2 bánh là loại phương tiện mới và thương hiệu của họ còn quá mới mẻ.
Ở một góc độ nào đó, trước khi sản xuất, cũng như Honda hay Yamaha thậm chí cả Trường Hải,… các hãng đều phải kiểm thử độ thẩm thấu của thị trường với một sản phẩm nào đó, sau đó mới bắt tay sản xuất và nâng dần tỷ lệ nội địa hóa. Bởi lẽ, bất cứ quyết định nóng vội nào cũng có thể làm họ mất đi triệu USD đầu tư.
Với PEGA, công ty này đã thiết kế rồi đặt linh kiện ở những công ty nước ngoài, trong đó có Trung Quốc và một số thị trường khác để lắp ráp. Tuy nhiên, như vậy khả năng phụ thuộc và bị các đối tác nước ngoài “dẫn mũi” khá cao. Cũng như nhiều công ty khác, PEGA (HKbike) nội địa hóa là để chủ động sản xuất và đáp ứng ngay nhu cầu mẫu mã, chất lượng kỹ thuật của người tiêu dùng trong nước.
Tuy nhiên, thành công của PEGA (HKbike) chính là kiểm soát chất lượng theo quy chuẩn cao mà công ty đặt ra và các yêu cầu của Cục đăng kiểm, Bộ GTVT. Và quan trọng nhất, những chiếc xe điện 2 bánh của PEGA (HKbike) đã được người tiêu dùng đón nhận. Đón nhận có nghĩa họ đang gây dựng được niềm tin nơi người tiêu dùng, để bán được hàng, để duy trì sản xuất, trả lương cho người lao động, và phát triển công ty.
Chuyện Việt Nam không thể sản xuất nổi ốc vít, không có nghĩa là họ không đủ năng lực mà chính là sản phẩm sản xuất có bán được số lượng lớn, để có mức giá phù hợp thị trường mà thôi.
Cũng như Bphone dù Bkav có nỗ lực đến mấy, tôi tin rằng khó mà xóa được hoài nghi trong mắt nhiều người. Chỉ có cách, thời gian sẽ kiểm chứng sản phẩm của hãng này, và tạo niềm tin vững chắc trong người tiêu dùng. Lúc đó, có lẽ khi ngồi trên chiếc xe của PEGA (HKbike) không ai thắc mắc rằng, liệu nó có bao nhiêu phần trăm nội địa hóa?