Maersk: Thượng Hải phong tỏa có thể đẩy cước vận tải tăng hơn nữa
Hãng vận tải biển Đan Mạch Maersk cho biết việc Thượng Hải phong tỏa sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến dịch vụ vận chuyển và đẩy cước phí lên cao hơn nữa.
- 29-03-2022(Clip) Dân Thượng Hải điên cuồng tích trữ thực phẩm: Đám đông hỗn loạn, ẩu đả trong siêu thị, có người thức cả đêm canh mua đồ phòng đói
- 24-03-2022Thượng Hải hóa "thành phố ma" vì vài ca mắc Covid-19 mỗi ngày và càng bất ngờ hơn khi đây là chuyện của năm 2022
Thượng Hải, có cảng và sân bay thuộc nhóm đông đúc nhất thế giới, bắt đầu phong tỏa nửa thành phố từ ngày 28/3 và dự định làm tương tự với nửa còn lại trong 4 ngày, bắt đầu từ 1/4, để tiến hành xét nghiệm hai giai đoạn.
Chính quyền thành phố vẫn duy trì hoạt động tại các sân bay và cảng nước sâu nhưng áp hạn chế đi lại nghiêm ngặt, cấm các phương tiện không được cho phép di chuyển trên đường phố và yêu cầu hàng triệu người dân không rời khỏi nhà.
“Dịch vụ vận tải đường bộ vào và ra khỏi Thượng Hải có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến 30% do lệnh phong tỏa hoàn toàn khu vực Phố Đông và Phố Tây cho đến ngày 5/4”, Maersk, hãng vận tải biển container lớn thứ hai thế giới, cho biết trong khuyến cáo gửi khách hàng hôm 28/3. Các nhà kho của công ty tại Thượng Hải sẽ đóng cửa đến ngày 1/4.
“Hệ quả, thời gian vận chuyển sẽ kéo dài hơn và khả năng cước phí vận tải sẽ tăng vì các chi phí đi đường vòng, phí đường cao tốc”.
Maersk cảnh báo Thượng Hải phong tỏa có thể đẩy cước vận tải tăng hơn nữa. Ảnh: Reuters.
SEKO Logistics, công ty vận tải và kho bãi trụ sở Mỹ, cho biết các nhà máy ở tỉnh lân cận Chiết Giang đang tính đến phương án chuyển hàng hóa đến cảng Ninh Ba hơn là Thượng Hải.
“Chúng tôi đang dự đoán: cước phí hàng không tăng mạnh. Chúng tôi đã nhận được một số đề nghị cao ngất ngưởng cho các đơn hàng đến châu Âu tính đến hôm nay”, SEKO Logistics thông báo trên website.
Trung Quốc đang ứng phó đợt bùng phát Covid-19 lớn nhất kể từ khi đại dịch xuất hiện hồi cuối năm 2019, đầu năm 2020. Tháng 3, Trung Quốc phong tỏa nhiều cửa ngõ sản xuất xuất khẩu như Trường Xuân, Thâm Quyến – khiến hàng tàu xếp chờ ngoài các cảng lớn Trung Quốc thêm dài.
Các biện pháp hạn chế tại Trường Xuân vẫn còn hiệu lực nhưng ở Thâm Quyến tình hình đã được nới lỏng, các doanh nghiệp và nhà máy được phép hoạt động trở lại từ ngày 21/3.
Tuy nhiên, một khảo sát lại cho thấy “cuộc chiến” của Thâm Quyến với Covid-19 làm ảnh hưởng tới 93% số doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương, gây ra gián đoạn sản xuất vì lệnh phong tỏa, gián đoạn chuỗi cung ứng, khiến việc thực hiện các đơn hàng bị chậm trễ.
Người đồng hành