Mai Linh quyết định đặt chân vào thị trường "xe ôm", cổ phiếu "họ Mai Linh" vẫn lẹt đẹt dưới 5.000 đồng
Ông Hồ Huy từng tuyên bố sáp nhập 3 công ty ở 3 miền và tiến tới niêm yết trên sàn ngoại. Có lẽ ông chủ của doanh nghiệp nghĩ đến việc huy động vốn từ sàn chứng khoán trong bối cảnh các đơn vị đều oằn mình vì lãi vay.
- 03-10-2017Điều gì sẽ xảy ra khi Vinfast liên kết với Mai Linh và Vinasun?
- 03-10-2017Tiềm lực tài chính yếu ớt, xe ôm công nghệ của Mai Linh khó có thể đối đầu với Uber, Grab
- 01-10-2017Công bố mức cước 3.800 đồng/km, Mai Linh quyết đấu với GrabBike, uberMOTO
- 01-10-2017Khách hàng chờ đợi gì khi Mai Linh nhảy vào thị trường “xe ôm công nghệ”?
- 30-09-2017“Xe ôm công nghệ” của Mai Linh tung ra mức cước tương đương Uber, Grab
CTCP Mai Linh miền Bắc (mã chứng khoán: MLN) vừa “tung bom” vào thị trường vận tải khi công bố sẽ cung cấp dịch vụ xe ôm công nghệ mang tên M.Bike để cạnh tranh với UberMoto và GrabBike. Ngày 6/10 tới đây công ty sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện lấy ý kiến bằng văn bản thông qua việc bổ sung ngành nghề kinh doanh “Vận tải hành khách bằng xe lam, xe lôi, xe máy”. Thời gian thực hiện dự kiến trong tháng 10/2017.
Động thái mới mẻ của hãng taxi màu xanh này được đánh giá cao bởi thay vì đi kiện, họ đã có sự chuyển động thức thời hơn. Tuy nhiên, đặt lên bàn cân với 2 hãng trên và tiềm lực tài chính của Mai Linh, những người quan tâm không khỏi lo cho Mai Linh vì không rõ họ sẽ đầu tư cho loại hình dịch vụ mới này bằng cách nào và cạnh tranh như thế nào?
Các doanh nghiệp thành viên đang oằn mình vì lỗ
Tập đoàn Mai Linh (MNG) vốn đã oằn mình vì nợ vay trong nhiều năm nay, khiến cho doanh nghiệp đang lỗ lũy kế gần 800 tỷ đồng. Theo ý kiến của đơn vị kiểm toán thì nếu ghi nhận đúng quy định của chuẩn mực kế toán Việt Nam, lỗ lũy kế của Mai Linh Group đã ở mức 1.400 tỷ đồng, vượt so với vốn điều lệ 1.017 tỷ đồng.
CTCP Mai Linh Miền Bắc cũng vậy. Những năm gần đây hoạt động kinh doanh chính của công ty đều thua lỗ và số lỗ tăng dần qua từng năm. Cụ thể, năm 2014 số lỗ là 5 tỷ đồng, năm 2015 tăng lên 13 tỷ đồng và 2016 vừa qua tăng tiếp lên 45 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2017, Mai Linh Miền Bắc tiếp tục lỗ thuần 37 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh chính.
Nguyên nhân chính khiến Mai Linh Miền Bắc thua lỗ là do gánh nặng chi phí lãi vay. Năm 2016, công ty phải trả 57 tỷ đồng tiền lãi vay ngân hàng. Tuy hoạt động kinh doanh chính thua lỗ, nhưng những năm qua Mai Linh Miền Bắc vẫn "sống" nhờ lợi nhuận khác và lợi nhuận khác này đến từ thanh lý xe taxi cũ.
Sáng sủa nhất trong những công ty của Mai Linh trên sàn là CTCP Mai Linh miền Trung (MNC) vì công ty chưa bao giờ bị lỗ dù lợi nhuận có sụt giảm mạnh từ năm 2014. Thực tế thì hoạt động kinh doanh chính của Mai Linh miền Trung đã bị lỗ trong 2 năm 2015, 2016 do chi phí tài chính cũng như chi phí quản lý doanh nghiệp quá lớn. Doanh nghiệp có lãi vẫn là nhờ thu nhập từ thanh lý xe taxi cũ.
Trước động thái của Mai Linh miền Bắc thì Mai Linh miền Trung cũng vừa quyết định nhận chuyển nhượng 47.600 cổ phần Việt Đăng Khoa Đà Nẵng từ 3 cá nhân với giá nhận chuyển nhượng 300.000 đồng/cổ phần để nâng tỷ lệ sở hữu từ 10% lên 80%. Việt Đăng Khoa Đà Nẵng là doanh nghiệp chuyên vận tải hành khách đường bộ trong nội thành (trừ xe bus).
Huy động vốn trên thị trường chứng khoán?
2 đơn vị thành viên của Mai Linh đã lên sàn chứng khoán là Mai Linh miền Bắc và Mai Linh miền Trung. CTCP Mai Linh miền Bắc mới chào sàn UpCom vào ngày 25/08/2017 với giá 11.500 đồng/cp. Ngay lập tức, cổ phiếu này rớt giá và hiện giờ chỉ còn 4.100 đồng. Mai Linh miền Bắc do CTCP Tập đoàn Mai Linh sở hữu 47,86% và ông Hồ Huy sở hữu 11,17%.
Lâu đời hơn trên sàn chứng khoán là MNC của CTCP Tập đoàn Mai Linh miền Trung, niêm yết trên HNX, hiện cũng đang có giá 4.600 đồng/cp. Mai Linh miền Trung do CTCP Tập đoàn Mai Linh nắm 47,79% và ông Hồ Huy nắm 12,66%.
Ông Hồ Huy – Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Mai Linh, đồng thời là Chủ tịch HĐQT của 2 công ty thành viên nói trên.
Hồi đầu năm nay, ông Huy từng tuyên bố: “Thời gian tới chúng ta cũng sẽ thực hiện sáp nhập công ty ở ba miền Bắc – Trung - Nam, thống nhất Một Mai Linh về quản lý, chất lượng, kiểm soát và tiến tới mời đơn vị tư vấn đánh giá để niêm yết lên sàn chứng khoán nước ngoài”.
Đây là một mục tiêu rất lớn. Những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh như Vietjet Air, Vinamilk, Mía đường Thành Thành Công, Petrolimex… đã từng hướng tới nhưng vẫn còn chưa thực hiện được, cho nên việc Mai Linh đặt ra kế hoạch này đã thể hiện một khát vọng “lột xác” quyết liệt.
Kế hoạch có vẻ còn xa vời vì doanh nghiệp này còn chưa đủ chuẩn để niêm yết tại sàn giao dịch chính thức của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, tuyên bố trên cũng chứng tỏ lãnh đạo của Mai Linh có suy nghĩ tới việc huy động vốn từ thị trường chứng khoán, và nhiều nhà đầu tư còn đặt ra vấn đề: Liệu giá cổ phiếu MLN hay MNC có chịu ảnh hưởng tích cực từ những thay đổi của ban lãnh đạo?
Thực tế trên sàn giao dịch cho thấy, cổ phiếu của nhà Mai Linh vẫn chưa được nhiều người đánh giá cao.
Trí Thức Trẻ