MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mải mê "vượt mặt" Hoa Sen, Hoà Phát quên mất đại gia thép Kyoei đang lớn rất nhanh, tiến hẳn tới vị trí số 1 của ngành

10-05-2018 - 17:47 PM | Doanh nghiệp

Với việc mua lại CTCP Thép Việt Ý, Kyoei đã chiếm thêm được khoảng 4% thị phần sản lượng tiêu thụ phôi và thép toàn quốc, qua đó đưa thị phần cộng gộp của Kyoei trên toàn quốc đứng thứ 2, chỉ sau Tập đoàn Hòa Phát. Vượt mặt Hoà Phát có lẽ là tương lai không còn xa khi mối quan hệ Việt Ý-TISCO-Thái Hưng-Kyoei đã rất bền chặt.

Thị trường thép xây dựng đang chứng kiến quá trình cạnh tranh khốc liệt và có những biến chuyển mạnh mẽ về tương quan lực lượng giữa các đối thủ cạnh tranh. Việc Thép Kyoei thâu tóm Thép Việt Ý ở miền Bắc đã giúp thép Kyoei gia tăng vị thế và thị phần ở miền Bắc và củng cố vững hơn vị thế của công ty trên toàn quốc và có thị phần cộng gộp đứng thứ hai trong ngành thép xây dựng, chỉ đứng sau Tập đoàn Hòa Phát.

Thâu tóm Thép Việt Ý, Thép Kyoei gia tăng vị thế và thị phần ở thị trường thép miền Bắc

Tập đoàn Thép Kyoei là một tập đoàn đa quốc gia hàng đầu về sản xuất thép của Nhật Bản được thành lập năm 1947 với lịch sử  hoạt động lâu đời, công nghệ tiên tiến và tiềm lực tài chính rất mạnh, hiện là một trong 10 công ty thép lớn nhất Nhật Bản. Công ty này đã thâm nhập thị trường thép xây dựng ở Việt Nam qua việc tham gia thị trường thép phía Nam với việc thành lập liên doanh là Công ty TNHH Thép Vina Kyoei vào tháng 01 năm 1994 giữa các đối tác Nhật Bản: Tập đoàn thép Kyoei, Tập đoàn Mitsui, Tập đoàn thép Marubeni- Itochu và Tổng công ty Thép Việt Nam-CTCP, đặt đại bản doanh tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Đi vào sản xuất từ năm 1996 và hiện Vina Kyoei là thương hiệu thép số 1 ở thị trường phía Nam với khoảng 19% thị phần thị trường thép phía Nam.

Sau khi đã chiếm giữ vị thế số 1 ở thị trường miền Nam, năm 2012, Thép Kyoei tiến ra Bắc thông qua việc thành lập Công ty TNHH Thép Kyoei Việt Nam (KSVC)  năm 2012. Ngày 15 tháng 2 năm 2012, Công ty TNHH Cán thép Tam Điệp và Công ty TNHH Thép Kyoei (Nhật Bản) đã ký hợp đồng thành lập liên doanh và điều lệ liên doanh. Theo đó, Công ty TNHH Cán thép Kyoei Việt Nam ra đời, trong đó Công ty TNHH Cán thép Tam Điệp góp 30% vốn, Tập đoàn Thép Kyoei góp 70% vốn, với mục tiêu xây dựng một nhà máy luyện cán thép chất lượng cao với tổng vốn đầu tư là 218 triệu USD (tương đương 4.578 tỷ đồng). Đại bản doanh các nhà máy thép ở miền Bắc của Kyoei đặt ở tỉnh Ninh Bình.

10/05/2018, Tập đoàn Thép Kyoei đã gia tăng vị thế và thị phần ở thị trường miền bắc thông qua việc mua cổ phần chi phối CTCP Thép Việt Ý từ việc mua lại cổ phần trong công ty này từ CTCP Thương mại Thái Hưng. Với việc mua lại CTCP Thép Việt Ý, Kyoei đã chiếm thêm được khoảng 4% thị phần sản lượng tiêu thụ phôi và thép toàn quốc, qua đó đưa thị phần cộng gộp của Kyoei trên toàn quốc đứng thứ 2, chỉ sau Tập đoàn Hòa Phát (23,9% thị phần năm 2017) và vượt qua thị phần của Posco SS và Pomina.

Tham vọng chiếm lĩnh thêm thị phần thép xây dựng ở miền Bắc của Kyoei là khá rõ ràng. Việc này là hoàn toàn hợp lý khi trên thực tế khi với lợi thế chi phí thấp, Kyoei và Hòa Phát sẽ ngày càng chiếm lĩnh thêm thị phần từ tay đối thủ là Thép Thái Nguyên (TISCO) do công ty này không thể nâng công suất do đình trệ và chưa đưa vào hoạt động dự án mở rộng công suất Nhà máy Gang thép giai đoạn 2. Thép Kyoei đã góp vốn để tăng vốn chủ sở hữu của Thép Việt Ý và, qua đó, dự kiến triển khai các dự án đầu tư lớn vào cán thép và phôi thép ở thị trường miền Bắc từ năm 2018. Theo Báo cáo thường niên 2017 của CTCP Thép Việt Ý, Công ty này dự kiến triển khai Đầu tư Dự án luyện phôi tại Hưng Yên công suất 500.000 tấn/năm, mức đầu tư dự kiến 465 tỷ đồng; Dự án cải tạo nâng công suất dự án cán thép tại Hưng Yên lên 400.000 tấn/năm, mức đầu tư dự kiến 189 tỷ đồng; Dự án chuyển đổi công nghệ sản xuất phôi thép tại Hải Phòng, mức đầu tư dự kiến 169 tỷ đồng.

Thái Hưng vẫn chủ yếu làm thương mại chứ không tiến vào sản xuất, liên minh với Kyoei ở thị trường thép miền Bắc

Với việc Công ty Thương mại Thái Hưng mua lại cổ phần chi phối Công ty Thép Việt Ý từ Tổng Công ty Sông Đà, tái cấu trúc lại Thép Việt Ý và bán lại cổ phần chi phối cho Kyoei Steel với giá cao, Thái Hưng đã thu được khoản lợi nhuận tài chính lớn. Công ty Thái Hưng hiện chỉ nắm khoảng 20% cổ phần tại Thép Việt Ý (tương tự chiến lược nắm 20% cổ phần tại TISCO). Điều này cho thấy, chiến lược dài hạn của Thái Hưng vẫn chủ yếu làm thương mại thép thay vì tiến vào sản xuất thép. Điều này hoàn toàn phù hợp vì với vốn điều lệ ở mức hiện tại khoảng 1.000 tỷ đồng, Thái Hưng rất khó để tiến vào sản xuất thép xây dựng đòi hỏi vốn đầu tư lớn liên tục ở mức cao hơn rất nhiều so với làm thương mại. Việc nắm giữ cổ phần ở mức độ công ty liên kết với các nhà sản xuất thép là nhằm mục tiêu chiến lược đó là tiếp cận được các điều khoản ưu đãi trong quá trình mua hàng từ nhà sản xuất thép.

Thép Kyoei trở thành đối thủ cạnh tranh mạnh nhất với Thép Hòa Phát trên thị trường thép xây dựng

Ở thời điểm hiện tại và trong tương lai, Thép Kyoei chính là một đối thủ lớn nhất của Tập đoàn Hòa Phát trên thị trường thép xây dựng ở miền Bắc và miền Nam vì 2 tập đoàn này đều hội tụ đủ các yếu tố của năng lực cạnh tranh mạnh trong ngành thép xây dựng:

Thứ nhất, có cùng tiềm lực tài chính mạnh: Vinakyoei, KVSC và Thép Việt Ý có sự hậu thuẫn mạnh của cổ đông chi phối là Tập đoàn Kyoei là một tập đoàn hàng đầu về sản xuất thép của Nhật bản với tiềm lực tài chính mạnh, công nghệ tiên tiến và lịch sử lâu đời. Tiềm lực tài chính mạnh là cơ sở cực kỳ quan trọng để các công ty thép có thể đảm bảo cho các kế hoạch đầu tư nâng công suất trong tương lai đúng tiến độ đề ra.

Thứ hai, có cùng độ phủ thị trường trên toàn quốc và có thị phần lớn. Thị phần lớn là cơ sở quan trọng để tận dụng được lợi thế kinh tế nhờ quy mô trong ngành thép (quy mô càng lớn thì giá thành càng rẻ) và giúp các công ty trở thành các công ty có chi phí thấp nhất trong ngành. Kyoei thông qua việc liên minh với các nhà phân phối thép lớn như Công ty Thương mại SMC ở miền Nam và Công ty Thái Hưng (nhà phân phối thép lớn nhất ở miền Bắc) sẽ đảm bảo độ phủ kênh phân phối lớn cho đầu ra của thép Kyoei và Thép Việt Ý khi đầu tư mở rộng công suất của nhà máy ở cả hai miền.

Thứ ba, đều sử dụng công nghệ tiên tiến, tạo ra hiệu suất cao và giá thành thấp hơn các nhà máy thép sử dụng công nghệ của Trung Quốc.

Cuộc đại chiến tiếp theo của Hòa Phát trong ngành thép xây dựng, cuộc đối đầu của Hòa Phát và Thép Kyoei

Nhìn lại những bước đi chiến lược của Tập đoàn Hòa Phát trong quá khứ khi đối mặt với những đối thủ mạnh, ta thấy họ rất thành công. Tập đoàn Hòa Phát đã có những bước chạy đua đầu tư để vượt qua Công ty Gang thép Thái Nguyên (Tisco) trong cuộc chạy đua đầu tư mở rộng công suất và chiếm lĩnh thị phần số 1 trên thị trường thép xây dựng ở miền Bắc. Bước đi này ngoài sự xuất sắc trong thực thi của Hòa Phát còn có đóng góp một phần ở "thiên thời", đó là sự đình trệ dự án nâng công suất của Thép Thái Nguyên (Tisco) hay sự yếu kém trong thực thi chiến lược của Thép Thái Nguyên.

Bước đi thứ hai của Hòa Phát được thực hiện sau khi củng cố vững chắc thị phần số 1 về thép xây dựng ở miền Bắc là tiến chiếm thị trường thép xây dựng ở miền Nam thông qua việc thực hiện Đại dự án thép Dung Quất, Quảng Ngãi với tổng vốn đầu tư dự kiến 52.000 tỷ đồng và công suất 4 triệu tấn/năm. Bước đi này được thực hiện song song với việc Hòa Phát thực hiện các chiến thuật để ngăn cản Tập đoàn Hoa Sen thâm nhập thị trường thép xây dựng. Hai bước đi này đều khá thành công.

Tuy nhiên, đối thủ tiếp theo của Hòa Phát trong quá trình xác lập vị thế số 1 của mình ở cả thị trường thép miền Bắc và miền Nam là không hề đơn giản, vì họ chạm mặt một đối thủ mạnh nhất từ trước đến nay, có lịch sử hoạt động lâu đời, công nghệ tiên tiến, tiềm lực tài chính mạnh, đó là Thép Kyoei.

Với việc tiến chiếm vào thị trường thép xây dựng miền Nam, Hòa Phát đang đe dọa trực tiếp đến vị thế số 1 về thị phần của Thép Vina Kyoei tại thị trường này. Đứng trước sự đe dọa này, Thép Kyoei đã thực hiện chiến lược tấn công chéo, qua đó, tăng cường áp lực cạnh tranh, tấn công vào "đại bản doanh" của Tập đoàn Hòa Phát là thị trường thép xây dựng miền Bắc, với một kế hoạch đầu tư mở rộng mạnh mẽ ở miền Bắc. "Kẻ tám lạng, người nửa cân", có lẽ, bây giờ mới là lúc Hòa Phát gặp được một đối thủ xứng tầm thực sự.

Ths. Tuấn Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên