"Make in Vietnam" nhìn từ các doanh nghiệp Việt tiết kiệm cho xã hội hàng nghìn tỷ đồng
Phát biểu tại Diễn đàn quốc gia phát triển DN công nghệ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc nhở cộng động doanh nghiệp Việt Nam "cơ hội đến và không bao giờ trở lại, cái chúng ta cần làm và làm ngay là hành động, hành động và hành động kịp thời hơn nữa".
Cuộc cách mạng 4.0 sẽ làm thay đổi cục diện nền kinh tế toàn cầu. Vì yếu tố lịch sử, Việt Nam đã đứng bên lề hai cuộc cách mạng công nghiệp và internet trước. Vì vậy đây là thời điểm lịch sử để Việt Nam bắt kịp cuộc cách mạng 4.0, chuyển sang sáng tạo, làm ra các sản phẩm và công nghệ Việt thay vì chỉ biết gia công như trước đây, phát triển dựa vào khai thác tài nguyên và nhân công giá rẻ.
Thủ tướng nhấn mạnh, "người Việt Nam có đủ tố chất tốt để sáng tạo công nghệ và sản phẩm công nghệ. Chúng ta cần xây dựng và tuyên bố một cách dứt khoát, rõ ràng một chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam: Sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất (Make in Việt Nam)".
Chúng ta có thể chờ đợi một Vinfast sản xuất ra ô tô Việt, điện thoại Việt, FPT, Viettel mang sản phẩm Việt ra thị trường quốc tế, nhưng ít ai để ý rằng có rất nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, tạo ra các phần mềm Việt, ứng dụng cho hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ, giúp tiết kiệm cho xã hội hàng nghìn tỷ đồng. Các doanh nghiệp này cần được nhân rộng, và tạo động lực để phát triển.
Công ty Misa: Áp dụng hoá đơn điện tử tiết kiệm 10.150 tỷ mỗi năm cho xã hội
CTCP Misa được thành lập năm 1994, được biết đến như một nhà sản xuất và triển khai số 1 Việt Nam trong lĩnh vực phần mềm tài chính kế toán. Hiện nay số khách hàng của Misa chiếm 75% thị trường khối nhà nước và chiếm 47% thị trường các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông Lữ Thành Long, chủ tịch công ty đã chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng thành công phần mềm thuần Việt có ứng dụng cao tại việt Nam. Misa đã nghiên cứu triển khai phần mềm kế toán cho 75% đơn vị hành chính sự nghiệp tại Việt Nam, 47% doanh nghiệp SMEs, hơn 1,5 triệu khách hàng cá nhân.
Chủ tịch Misa chia sẻ về việc ứng dụng thành công các công nghệ mới mang lại hiệu quả cao cho xã hội, như giải pháp hoá đơn điện tử melvoice.vn, giúp tiết kiệm 97% chi phí. Một hoá đơn giấy chi phí trung bình 15.000 đồng, mỗi năm tiêu tốn 10.500 tỷ, khi chuyển sang hoá đơn điện tử chỉ có giá 500 đồng, cả xã hội tiêu tốn 350 tỷ/năm, tiết kiệm hơn 10.150 tỷ/năm. Ngoài ra Misa đã ứng dụng thành công công nghệ blockchain trong hoá đơn điện tử để đảm bảo tính tin cậy và minh bạch.
Việc ứng dụng công nghệ cũng giải quyết bài toán về nhân lực kế toán và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Ông Lữ Thành Long cho biết Misa có thể giúp 5 triệu hộ cá thể và doanh nghiệp siêu nhỏ làm báo cáo tài chính thông qua phần mềm Misa startbooks. "Thông thường 1 kế toán chỉ có thể làm báo cáo cho tối đa 15 doanh nghiệp nhưng công nghệ có thể giúp 1 nhân sự làm cho hơn 100 doanh nghiệp", ông Long chia sẻ tại diễn đàn.
Misa cho biết họ có thể cung ứng nguồn lực cho 5 triệu hộ cá thể nếu chuyển sang mô hình doanh nghiệp. Bên cạnh đó có rất nhiều doanh nghiệp chưa có bộ máy kế toán do vấn đề chi phí, bình thường thuê 1 kế toán mất 8 triệu đồng thì sử dụng nền tảng này chỉ mất 2 triệu đồng, tiết kiệm 20.000 tỷ mỗi năm cho xã hội.
Theo ông Long, "để xây dựng ứng dụng thuần Việt và triển khai thành công tại Việt Nam là không dễ, chúng tôi đã làm điều này thành công và tự tin doanh nghiệp phần mềm Việt Nam có thể giải quyết được bài toán Việt mà ứng dụng công nghệ mới nhất thế giới vào bài toán Việt Nam".
Một số ứng dụng của Misa triển khai thành công và có mặt tại 10 nước trên thế giới.
Công ty Haravan: Nâng tầm doanh nghiệp Việt bằng công nghệ
Ông Phạm Hải Văn, giám đốc miền bắc công ty Haravan cho biết công ty đã phục vụ được 50.000 doanh nghiệp và có một số sản phẩm ra khu vực Đông Nam Á. Hiện nay hành vi người tiêu dùng đã thay đổi trước sự phát triển mạnh mẽ của internet. 70% dân số sử dụng internet với thời gian online lên đến 28 giờ/tuần, thương mại điện tử tăng trưởng 30% với sự tham gia mạnh mẽ của thế hệ Y (sinh năm 2.000 trở ra) và Z (2010). Do đó nếu doanh nghiệp muốn phát triển kinh doanh bắt buộc phải áp dụng công nghệ.
Một trong các khách hàng lớn áp dụng phần mềm của Haravan là Vinamilk. Ông Văn cho biết trước khi sử dụng công nghệ của Haravan, Vinamilk là công ty sữa hàng đầu Việt Nam và đã kinh doanh rất tốt, vậy việc áp dụng công nghệ có mang lại hiệu quả cao hơn cho Vinamilk hay không. Sau 2 năm triển khai doanh thu online chiếm 10% doanh thu của Vinamilk, giúp Vinamilk tiết kiệm một phần chi phí rất lớn.
Với khách hàng Bitis, sau một thời gian dài vắng bóng Bitis quay trở lại thị trường với tham vọng phục vụ tối đa khách hàng thế hệ Y và Z, hiện nay Bitis tiết kiệm được 50% chi phí trên hoạt động online.
Đại diện Haravan chỉ ra một công ty sản xuất giày là Juno, nhờ áp dụng công nghệ mà tăng trưởng 300%/năm trong 4 năm liên tiếp. Có những thời điểm, hệ thống online phục vụ được lượng khách hàng của hơn 100 cửa hàng hiện hữu. Hay như The Coffee House, với 40% khách hàng đặt hàng qua online, nghĩa là khách hàng chỉ cần ngồi tại nhà hay công sở, công ty cam kết sau 30 phút nếu không giao đến nơi thì khách hàng sẽ được miễn phí cốc cafe đó. Như vậy bài toán này chỉ được giải quyết bằng công nghệ.
Vừa qua, Haravan liên kết với VPBank để đưa ra giải pháp tài chính cho các công ty SME.
Be Group giải quyết vấn đề giao thông vận tải trên nền tảng số
Ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Be Group chia sẻ sau 5 tháng ra mắt sản phẩm Be ứng dụng gọi xe thuần Việt, Be Group đã hoàn thành 10 triệu chuyến xe và có 30.000 tài xế tham gia chuỗi dịch vụ. Ông Hải cho rằng môi trường khởi nghiệp công nghệ mặc dù phát triển mạnh và bền vững nhưng có nhiều tồn đọng trong khung pháp lý. Khung pháp lý đang đi theo sau sự phát triển của các công ty start up, các điều kiện cho các start up tương đối khắt khe, các đối tác nước ngoài không nghiêm túc thực hiện các điều kiện đó và cung cấp dịch vụ tương đồng trên chính đất nước chúng ta. Theo ông Hải, các DN công nghệ Việt nên tập trung đầu tư bài bản nghiêm túc, tránh phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài.
Tổng giám đốc Be Group nhấn mạnh, "tài sản quan trọng nhất trong thời đại 4.0 chính là dữ liệu của người dùng, hành vi của người dùng. Chúng ta hàng ngày đang làm giàu cho các tập đoàn công nghệ nước ngoài". Dữ liệu là tài nguyên quốc gia, các doanh nghiệp Việt cần phải làm chủ nguồn tài nguyên này và nhà nước cần phải kiểm soát tài nguyên này, an ninh không gian mạng chính là an ninh quốc gia. Tổng giám đốc Be Group kêu gọi các doanh nghiệp chung tay xây dựng làm chủ hệ sinh thái công nghệ Việt, đầu tư chất xám, khẳng định tại thị trường trong nước và vươn xa ra quốc tế.
Be Group đề xuất Chính phủ tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa DN trong nước và nước ngoài, tránh "bảo hộ ngược" vì doanh nghiệp Việt thực hiện nghiêm túc còn một số doanh nghiệp nước ngoài thì không, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt phát triển mạnh mẽ, hỗ trợ DN Việt cạnh tranh với nước ngoài không để mất thị trường nội địa, không chỉ đi làm thuê cho nước ngoài.