Mang 3 con vào đại học, sang Mỹ với 500 USD và 1 thùng mỳ, nhà khoa học nữ liều lĩnh này đã mang sơn Việt đi khắp 5 châu
PGS.TS Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn Sơn Kova, là minh chứng cho câu chuyện nhà khoa học nữ “liều” và thành công khi đưa sản phẩm Việt Nam ra thế giới.
Bà Hòe vừa trở về sau một chuyến công tác nước ngoài và tham gia một hội thảo tại TPHCM trung tuần tháng 7 vừa qua. Ở tuổi 70, bà vẫn thường có những chuyến công tác như thế. Xuất thân từ dân kỹ thuật không biết nhiều về kinh doanh, nhưng bà Hòe lại trở thành doanh nhân “bất đắc dĩ” khi tạo ra một thương hiệu sơn nổi tiếng. Tập đoàn sơn Kova của nhà khoa học này đã có mặt tại 7 quốc gia như Mỹ, Singapore, Malaysia… với 12 nhà máy lớn. Sự bất đắc dĩ ấy lại có cơ sở và có chút “liều”, theo chia sẻ của nhà khoa học tại sự kiện.
Mang theo 3 con vào đại học ở tuổi 21
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hòe sinh ra trong gia đình nghèo ở Nghệ An. Bà trở thành sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội khi đã có 3 con nhỏ. “Đó là cái liều đầu tiên của cuộc đời tôi”, bà Hòe nhớ lại.
Người phụ nữ một nách 3 con cùng với đam mê nghiên cứu khoa học đã vượt qua những khó khăn để tiếp tục thắp lửa khát vọng khoa học của mình. “Ngày đó, có bát phở ăn là khó lắm”, nhà khoa học kể lại.
Nhờ chăm chỉ và vượt khó, bà Hòe được giữ lại trường Bách Khoa Hà Nội. Năm 1986, bà chuyển vào Đại học Bách Khoa TP HCM để tiếp tục giảng dạy và nghiên cứu. Với đề tài nghiên cứu về sơn chống thấm từ vỏ trấu, thứ vốn ít giá trị sử dụng tại Việt Nam, nhà khoa học đã giành được giải thưởng Kovalevskaya, giải thưởng danh giá dành cho các nhà khoa học nữ. Sau này bà lấy chữ Kova để đặt tên cho đứa con tinh thần của mình.
Bán xe máy lấy tiền sang Mỹ
Tháng 9/1993, bà Hòe sang Mỹ nhận giải thưởng. Từ đây, bà quyết định kinh doanh những sản phẩm mình làm ra. Sơn chống thấm do bà nghiên cứu được đặt tên là Kova.
Rồi đến khoảng năm 2000, nhà nữ khoa học sang Mỹ để tìm đối tác. Khó khăn về tài chính, bà đã bán đi chiếc xe máy để gom tiền đi Mỹ. Tuy nhiên, vẻn vẹn số tiền chỉ là 500 USD và thùng mì gói trong hành trang sang Mỹ. Đây là cái liều thứ hai trong đời của bà.
“Tôi đã có lúc phải ngủ tại sân bay tại Mỹ. Ăn mì gói qua ngày. Chỉ hôm nào có tiệc thì mới được một bữa no”, nhà khoa học kể lại.
“Nhờ các cuộc gặp gỡ, tôi quen biết tập đoàn sơn Smileland và hai bên đã giao lưu hợp tác nghiên cứu sơn chống thấm. Thành công cứ dần dần được gây dựng”, tiến sĩ nhớ lại.
Khoảng những năm 2000, bà Hòe nhận thấy thị trường tiềm năng tại Singapore nên đã đến đây tìm khách hàng. Và quyết định đưa sản phẩm vào Singapore.
“Thị trường Singapore cực kỳ khó, nhưng tôi quyết làm bởi thấy được sự hấp dẫn. Tại Singapore, Chính phủ quy định, mọi công trình xây dựng cứ 5 năm phải sơn lại một lần, ai không sơn sẽ bị phạt.
Do đó, quy mô thị trường dù nhỏ nhưng giá trị lại cao. Hơn nữa, nếu đã thành công tại thị trường này, con dấu chứng nhận nhãn hiệu của Singapore đủ để giúp Kova có thể đi khắp mọi nơi”, vị tiến sĩ từng trả lời báo chí như vậy về thị trường Singapore.
Tuy nhiên, thời gian đầu rất gian nan. Sơn của bà nhận được phản hồi không mấy tích cực, với con mắt có vẻ như không đánh giá cao sản phẩm của bà. Theo bà, họ nghĩ rằng Việt Nam chỉ trồng cà phê, tiêu, điều thôi.
Nhưng rồi bà đã tìm cách đưa các sản phẩm vào trung tâm kiểm nghiệm uy tín của Singapore với chi phí rất cao. Với những trải nghiệm tại Mỹ và chứng nhận tại Singapore, bà đã thuyết phục được một số khách hàng tại đảo quốc sư tử.
Thế nhưng, phải đợi đến khi tham gia vào dự án sơn lại Trung tâm Thương mại Vivo City vào năm 2009 thì sơn Kova mới bắt đầu tạo được dấu ấn tại Singapore. Trung tâm này vốn nằm gần cảng, ngay trục đường cao tốc và bãi đậu xe nên mảng tường bên ngoài bám bụi rất nhiều.
Thấy hầu hết các hãng sơn nổi tiếng từ Đức, Mỹ, Nhật tại Singapore đều không đáp ứng được yêu cầu, vị nữ tiến sĩ đã biết đây là cơ hội của mình và cố hết sức để nắm bắt. Nhà thầu Nhật đã rất ưng ý với các sản phẩm của Kova. Từ dự án Vivo City, nhà thầu Nhật này sau đó tiêu thụ rất nhiều sản phẩm của sơn Kova.
Liều là vượt qua những gian nan
Đến nay, sơn Kova của tiến sĩ Hòe đã vươn tầm thế giới. Có mặt tại 7 quốc gia với 12 nhà máy lớn. Tại thị trường Malaysia, Kova cũng có nhà máy với hàng trăm công nhân.
Để có được thành công đó, nữ tiến sĩ khẳng định, nhà khoa học giỏi nghiên cứu nhưng phải liều. Liều ở đây là vượt qua những gian nan thử thách.
Ngày xưa bà không có vốn và phải vay cả những nhân viên trong trường đại học Bách Khoa. Nữ tiến sĩ cho rằng, có Kova ngày nay, một phần rất lớn là nhờ sự liều lĩnh, gian nan một thời.
Trí thức trẻ