MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mạng lưới ngân hàng: Nhiều chưa chắc đã tốt

26-06-2017 - 21:35 PM | Tài chính - ngân hàng

Nếu như LienVietPostBank có độ phủ rộng nhất nhờ các điểm giao dịch bưu điện đến tận xã phường thì Agribank lại có hệ thống chi nhánh và phòng giao dịch nhiều đến mức các đối thủ có chạy dài cũng còn lâu mới kịp.

Mặc dù từ cuối năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã hạn chế việc mở rộng mạng lưới ồ ạt của các ngân hàng để giảm tải tình trạng “ra ngõ gặp ngân hàng”. Tuy nhiên, những yêu cầu được cho là khắt khe ở thời điểm đó (như nợ xấu không được quá 3%, phải có vốn 100 tỷ cho mỗi chi nhánh mở mới…) đã không thể ngăn cản các ngân hàng mở rộng hệ thống mạnh mẽ. Bằng chứng cho thấy từ đó tới nay, qua 4 năm hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục rộng mở, cánh tay của các ngân hàng cứ vươn rộng, vươn xa đi khắp các tỉnh thành.

Có nhiều cách thức để ngân hàng mở rộng chi nhánh. Có thể có ngân hàng dùng vốn tự có, lợi nhuận để lại hoặc gia tăng vốn điều lệ để có nguồn mở thêm chi nhánh. Nhưng cũng có nhiều ngân hàng lựa chọn phương thức sáp nhập với ngân hàng khác để đẩy nhanh quá trình mở rộng mạng lưới, và theo đánh giá của các chuyên gia thì cách này tốn có thể tốn kém, khó khăn hơn nhiều nhưng cũng chỉ thời gian ban đầu, còn những lợi ích về sau là nhiều vô kể. Có thể kể đến nhiều trường hợp đã M&A và có hệ thống “đẹp như mơ” chỉ trong tích tắc như Sacombank (sau khi nhập Phương Nam); Maritime Bank (sau khi nhập MDB); BIDV (sau khi nhập MHB); LienVietPostBank (VNPost góp vốn bằng giá trị Công ty dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện VPSC)…

Kỳ 1: Mạng lưới rộng nhưng hiệu quả chưa cao

Trong số các ngân hàng có hệ thống lớn nhất không thể không nhắc tới LienVietPostBank. Ra đời năm 2008, là ngân hàng non trẻ nhất hệ thống, nhưng mạng lưới của ngân hàng này hiện đã dẫn đầu với hơn 130 chi nhánh, phòng giao dịch khắp 63 tỉnh thành và hơn 1.000 Phòng giao dịch Bưu điện và quyền khai thác trên 10.000 điểm giao dịch thông qua các bưu cục và điểm văn hóa xã có mặt tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Còn nhớ năm 2011, sau khi VNPost góp vốn bằng giá trị Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện (VPSC) tương đương với 360 tỷ đồng - con số chính thức về giá trị doanh nghiệp sau khoảng hai năm định giá và góp vốn nhiều lần bằng tiền mặt vào LienVietPostBank, ngân hàng này kỳ vọng sẽ trở thành ngân hàng có hệ thống mạng lưới rộng nhất, có mặt tại những xã vùng sâu, vùng xa nhất của Việt Nam với hơn 10.000 điểm giao dịch trên cả nước.

Các báo cáo gần đây của LienVietPostBank không “show” phần thuyết minh nên không rõ mỗi điểm giao dịch hoạt động ra sao, nhưng báo cáo đầy đủ nhất là năm 2015 cho thấy mặc dù có lợi thế từ mạng lưới phòng giao dịch Bưu điện phủ khắp cả nước tuy nhiên tính đến ngày 31/12/2015, dư nợ cho vay trên kênh phòng giao dịch bưu điện chỉ đạt ...vỏn vẹn 2.154 tỷ đồng với gần 50.000 khách hàng cá nhân và 50.300 khoản vay.

Giá trị của 10.000 điểm giao dịch đó được ông Nguyễn Đức Hưởng, khi ấy là phó chủ tịch và hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietPostBank giải thích rằng, nếu không có sự sáp nhập và kết hợp đó, với tốc độ phát triển mạng lưới như hiện nay thì cần phải mất cả trăm năm mới thiết lập được. Ngân hàng sẽ tận dụng lợi thế của hệ thống các bưu cục đó thành các điểm giao dịch ngân hàng, huy động lượng tiền gửi trong dân cư, cũng như mở rộng các dịch vụ mới… Đó cũng là lý do chính để LienVietBank (tên cũ của ngân hàng) mua lại VPSC với giá cao hơn hẳn khi so với các “mức chấm” của thị giá cổ phiếu các ngân hàng đang niêm yết lúc bấy giờ.

Tuy nhiên, đến nay ngân hàng vẫn chưa khai thác VPSC hiệu quả được như kỳ vọng. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, tổng tiền gửi của khách hàng vào LienVietPostBank quý đầu năm nay đạt gần 111.500 tỷ đồng và dư nợ cho vay gần 88.000 tỷ đồng. Nếu chia ra hơn 1.000 điểm giao dịch bưu điện, hơn 130 chi nhánh cùng 10.000 điểm giao dịch có các nghiệp vụ phổ biến của ngân hàng thì con số huy động và cho vay ở mỗi điểm là quá nhỏ bé.

Một trường hợp khác là Ngân hàng Agribank. Không ai có thể phủ nhận được ngân hàng gần 30 năm tuổi này đang dẫn đầu hệ thống về nhân sự (36.000 người) và mạng lưới. Nếu như LienVietPostBank có độ phủ rộng nhất nhờ các điểm giao dịch bưu điện đến tận xã phường thì Agribank lại có hệ thống chi nhánh và phòng giao dịch nhiều đến mức còn lâu mới có đối thủ. Số liệu do ngân hàng cung cấp mới nhất cho thấy, hết năm 2016 ngân hàng có 938 chi nhánh loại I, II, III và 1.298 phòng giao dịch cùng 1 trụ sở chính và 1 chi nhánh tại nước ngoài.

Nếu so với LienVietPostBank – hai ngân hàng cùng hướng mạnh về phân khúc thị trường nông thôn - thì kết quả huy động và cho vay của Agribank có phần tốt hơn hẳn do ngân hàng có lợi thế về thương hiệu là ngân hàng của Nhà nước (yếu tố chi phối khá nhiều đến tâm lý của người gửi tiền) và các chi nhánh, phòng giao dịch đều có đầy đủ chức năng của ngân hàng. Tuy nhiên so với các ngân hàng thương mại Nhà nước đã cổ phần là BIDV, VietinBank và Vietcombank thì hiệu quả huy động và cho vay của các chi nhánh ấy còn kém xa.

Xét về lợi nhuận, cả LienVietPostBank và Agribank đều có lợi nhuận chỉ ở mức trung bình trong hệ thống. Năm 2016 vừa qua, Liên Việt đạt hơn 1.000 tỷ đồng, còn các năm trước chỉ trên dưới 500 tỷ, và của Agribank là hơn 4.000 tỷ trong khi các năm trước con số đều thấp hơn đáng kể. Chỉ lướt qua cũng thấy các ngân hàng cùng quy mô vốn nhưng kém hơn về mạng lưới vẫn có hiệu quả kinh doanh tốt hơn.

So sánh là vậy, song nói một cách công bằng, mọi sự so sánh đều là khập khiễng bởi mỗi ngân hàng lại có những đặc thù riêng. Agribank có hệ thống nhân sự rộng lớn và hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch khổng lồ song họ phải thực hiện nhiều vai trò, trong đó có việc cho vay nông nghiệp là chủ yếu (chiếm 70% dư nợ nông nghiệp toàn hệ thống) mà lợi nhuận từ mảng này lại thấp hơn các mảng mà những ngân hàng khác khai thác. Còn LienVietPostBank dù muốn cũng chưa thể khai thác nhiều từ các điểm giao dịch bưu điện khi mà các điểm này còn chưa được thực hiện các nghiệp vụ đầy đủ của một chi nhánh ngân hàng.

(Còn nữa…)

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên