Mảng màu sáng tối trong bức tranh kinh doanh ngành thép
Thị trường tiềm năng cao được thúc đẩy bởi các khoản đầu tư lớn và các chính sách thuế thuận lợi. Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành thép Việt Nam lại đang gặp nhiều khó khăn với các khoản lỗ lớn.
Những dự báo triển vọng
Khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển và mức sống của người dân tăng cao, nhu cầu thép trong các ngành như xây dựng, ô tô và đồ gia dụng cũng đang tăng lên. Sự phát triển nhanh chóng của nhu cầu thép đã thu hút nhiều doanh nghiệp thép xây dựng công suất thép mới tại Việt Nam.
Ngành thép Việt Nam đang có tiềm năng lớn với các doanh nghiệp đầu tư bài bản.
Theo phân tích báo cáo của Reseach and Markets, ngành thép Việt Nam hiện bao gồm hơn 100 công ty, trong đó các công ty lớn hơn bao gồm Thép Hòa Phát, Thép Hoa Sen, Tổng Công ty Thép Việt Nam, Công ty TNHH Thép SMC, hay thép Formosa Hà Tĩnh. Năm 2021, sản lượng thép thô sản xuất của Việt Nam đạt 26,15 triệu tấn, đạt tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) là 32,7% từ năm 2013 đến năm 2021.
Trên cơ sở phân tích của chuyên gia, nhận thấy tiềm năng to lớn của thị trường thép Việt Nam và cả Đông Nam Á, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào ngành thép Việt Nam trong thời gian qua. Trường hợp đầu tư lớn nhất là Công ty Cổ phần Thép Formosa Hà Tĩnh, do Tập đoàn Nhựa Formosa, Tập đoàn Thép Trung Quốc và Tập đoàn JFE Holdings của Nhật Bản liên doanh với vốn đầu tư giai đoạn 1 hơn 10 tỷ USD.
Do năng lực sản xuất của ngành thép trong những năm gần đây tăng nhanh nên nguồn cung một số loại thép của Việt Nam đã vượt cầu, bao gồm sắt hoặc thép xây dựng, thép cuộn cán nguội,... Giảm lượng lớn hàng nhập khẩu như thép cuộn cán nóng và thép tấm điện từ, Chính phủ Việt Nam đang tích cực thu hút các nhà đầu tư nước ngoài để thiết lập vị thế trong nước.
Hiện tại, mặc dù Chính phủ Việt Nam chưa có chính sách toàn quốc đối với đầu tư nước ngoài vào ngành thép. Tuy nhiên, các công ty thép đã được thành lập tại nhiều khu công nghiệp ở Việt Nam, được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế và các khía cạnh khác.
Ngoài ra, khi các ngành công nghiệp sản xuất và xây dựng của Việt Nam phát triển nhanh chóng, nhu cầu về thép sẽ tiếp tục tăng lên. Người ta ước tính rằng, trong giai đoạn 2022-2031, đường xá, sân bay và các cơ sở hạ tầng khác, xây dựng nhà ở, ô tô, đồ gia dụng và các ngành công nghiệp khác của Việt Nam đều sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng cao.
Các nhà phân tích cho rằng thị trường thép Việt Nam sẽ trở thành một trong những thị trường phát triển nhanh nhất trên thế giới từ năm 2022 đến năm 2031. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm của sản lượng thép thô dự kiến sẽ vượt 15%. Đến năm 2024, Việt Nam sẽ trở thành nước xuất khẩu ròng thép.
Những gam màu ảm đạm
Thị trường tiềm năng cao được thúc đẩy bởi các khoản đầu tư lớn và các chính sách thuế thuận lợi. Tuy nhiên, theo các báo cáo kinh doanh của các doanh nghiệp lớn trong ngành thép gần đây cho thấy, bức tranh kinh doanh quý 3 năm 2022 của các doanh nghiệp này lại đang gặp nhiều khó khăn và thách thức với các khoản lỗ lớn.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp này cũng đang gặp khó vì nhiều nguyên nhân.
Mới đây, Công ty cổ phần Thép Vicasa – VNSTEEL vừa công bố báo cáo tài chính quý 3-2022, với kết quả làm ăn sa sút. Cụ thể, trong quý 3, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu hơn 477 tỷ đồng, sụt giảm gần 18% so với cùng kỳ năm trước. Kinh doanh dưới giá vốn, kèm theo hàng loạt chi phí đều tăng, là những nguyên nhân khiến công ty bị lỗ ròng sau thuế xấp xỉ 22 tỷ đồng. Đây cũng là quý lỗ nặng nhất kể từ năm 2009 đến nay.
Tính chung lũy kế 9 tháпg đầu năm, Thép Vicasa đạt mức doanh thu xấp xỉ 1.840 tỷ đồng doanh thu thuần (giảm 4%), nhưng đã ghi nhận lỗ ròng 13 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn còn lãi 42 tỷ đồng.
“Cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine, cùng những chính sách của Trung Quốc và tình hình lạm phát toàn cầu đã có những tác động đến ngành thép, xây dựng trong nước. Bên cạnh đó, ngân hàng siết room tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản làm giảm nhu cầu sử dụng thép”, ông Huỳnh Công Du – tổng giám đốc Thép Vicasa – lý giải về nguyên nhân doanh nghiệp thua lỗ.
Công ty cổ phần Thép Vicasa – VNSTEEL vừa công bố báo cáo tài chính quý 3-2022, với kết quả kinh doanh sa sút.
Bên cạnh đó, CTCP Gang thép Thái Nguyên - Tisco cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý 3 với kết quả ảm đạm. Theo đó, doanh số bán hàng của Tisco đạt 2.600 tỷ đồng, tuy nhiên giá vốn bán hàng chiếm gần 100% doanh số. Sau khi trừ các khoản chi phí điều hành, lợi nhuận trong quý III của Tisco âm 25 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái dương 9 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay, lợi nhuận của công ty chỉ đạt 7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 112 tỷ đồng.
Cùng ngành, kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Thép Thủ Đức cũng có những gam màu tối. Theo đó, trong quý vừa qua mặc dù doanh thu thuần tăng nhẹ lên 406 tỷ đồng, song do giá vốn đội lên cao, cộng với một loạt chi phí tăng mạnh, nên doanh nghiệp cũng bị lỗ ròng hơn 21 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 640 triệu đồng. Tính chung 9 tháng đầu năm, Thép Thủ Đức chỉ đạt mức 1.500 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm hơn 8% so với cùng kỳ năm trước. Từ mức lãi 58 tỷ đồng ở 9 tháng đầu năm trước, sang năm nay doanh nghiệp bị lỗ gần 16 tỷ đồng.
Gần đây, Công ty cổ phần Thép Pomina cũng vừa phải thông báo dừng hoạt độпg sản xuất lò cao, đồng thời phải chấm dứt hợp đồng lao độпg với một số cán bộ công nhân viên. Ban lãnh đạo Thép Pomina cho biết doanh nghiệp đã bị thiệt hại nặng do các tác độпg tiêu cực từ cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine đã đẩy giá dầu cùng các loại hàng hóa leo thang, trong khi giá trị các sản phẩm từ thép, phôi thép lại giảm mạnh.
Có thể nói, bức tranh kinh doanh quý 3 của các doanh nghiệp ngành thép đang có những sự ảm đạm nhất định. Những bất ổn từ các cuộc khủng hoảng địa chính trị trên thế giới và chính sách phong tỏa covid của Trung Quốc được coi là những nguyên nhân chính cho tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép. Tuy nhiên, có thể khó khăn vẫn còn ở phía trước khi nhu cầu sử dụng thép trong nước thực tế vẫn ở mức thấp.
Diễn đàn doanh nghiệp