Mảng năng lượng tái tạo thành ‘gà đẻ trứng’ cho Tập đoàn Sao Mai
Dự án điện mặt trời An Hảo, nguồn: Sao Mai
Doanh thu mảng năng lượng tái tạo mới đóng góp khoảng 4% - 5% tổng doanh thu Tập đoàn Sao Mai nhưng trên 20% lợi nhuận gộp do có biên lợi nhuận gộp tốt, trên 70%.
Tập đoàn Sao Mai (HoSE: ASM) được thành lập 1998, xuất phát điểm là đơn vị xây dựng tại tỉnh An Giang. Khởi thủy là doanh nghiệp về xây dưng nhưng hiện Tập đoàn Sao Mai ghi dấu ấn đa ngành tại nhiều tỉnh, thành phố, từ bất động sản, dịch vụ, du lịch, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản và năng lượng tái tạo.
Từ năm 2016, Tập đoàn của doanh nhân Lê Thanh Thuấn bước chân vào lĩnh vực năng lượng tái tạo với việc thành lập Công ty TNHH Sao Mai Solar chuyên lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời vào năm 2017, vốn 20 tỷ đồng. Doanh thu công ty con này năm 2021 đạt 105 tỷ đồng nhưng sang năm 2022 giảm xuống 55 tỷ đồng do cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời hết thời hạn, các nhà đầu tư chờ đợi cơ chế mới nên việc lắp đặt và thi công các dự án bị chậm lại.
Vào năm 2019, Sao Mai hoàn thiện đầu tư chi phối nhà máy điện mặt trời Europlast Long An. Dự án có tổng đầu tư 1.157 tỷ đồng, công suất 50 MW, hưởng mức giá bán điện ưu đãi 9,35 cent/kWh. Cũng năm này, tập đoàn bắt đầu ghi nhận doanh thu và lợi nhuận từ mảng năng lượng tái tạo.
Dự án tạo tiếng vang cho Tập đoàn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo là nhà máy Điện mặt trời An Hảo có tổng vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng, công suất 210 MWp, diện tích 275 ha. Dự án được triển khai từ 2017 và được hoàn công trước 31/12/2020 đủ điều kiện hưởng giá mua điện ưu đãi của EVN.
Theo đó, tính đến nay tập đoàn có 2 Nhà máy điện mặt trời An Hảo 210 Mwp và dự án điện mặt trời Long An 50 Mwp đang khai thác. Thống kê của Nhà Đầu Tư, doanh thu bán điện của Sao Mai tăng dần từ 227 tỷ đồng năm 2019 lên 609 tỷ đồng 2022, tỷ trọng đóng góp trên doanh thu còn thấp khoảng 4% - 5%. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp rất tốt, trên 70%. Nhờ vậy, đóng góp của mảng năng lượng tái tạo trong tổng lợi nhuận gộp đạt trên 20%, có năm lên đến 31%.
Trong nửa đầu năm nay, mảng năng lượng tái tạo vẫn tăng trưởng 32% so với cùng kỳ năm trước và đạt doanh thu 406 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp 307 tỷ đồng, tăng 48% và đóng góp 40% vào tổng lợi nhuận gộp.
Tuy nhiên, ngoại trừ mảng năng lượng thì hầu hết các mảng kinh doanh khác của tập đoàn đều đi xuống, đặc biệt là cá xuất khẩu và bất động sản. Tập đoàn báo cáo doanh thu nửa đầu năm giảm 13%, xuống 6.321 tỷ đồng, lợi nhuận gộp giảm 33,5% xuống 767 tỷ đồng. Chi phí tài chính gần gấp đôi lên 403 tỷ đồng, nguyên nhân là do nợ vay tăng thêm để thanh toán cho nhà thầu thi công nhà máy điện năng lượng mặt trời An Hảo giai đoạn 3 và 4. Theo đó, lãi ròng Sao Mai còn 149 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ năm trước.
Tại cuối quý II, Tập đoàn Sao Mai có quy mô tổng tài sản 19.244 tỷ đồng, tăng thêm gần 200 tỷ so với đầu năm. Doanh thu duy trì lượng tiền và tiền gửi hơn 2.000 tỷ đồng. Các khoản mục chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản gồm khoản phải thu ngắn hạn 4.193 tỷ đồng, hàng tồn kho 3.486 tỷ đồng và tài sản cố định 6.686 tỷ đồng.
Tập đoàn có khoản nợ vay ngắn hạn 5.873 tỷ đồng, giảm gần 280 tỷ so đầu năm, song nợ vay dài hạn tăng 590 tỷ đồng lên 4.220 tỷ đồng. Tổng nợ vay hơn 10.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu là 1,3 lần.
Năm nay, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu 15.250 tỷ đồng và lãi sau thuế 545 tỷ đồng, tăng 11% và giảm 44% so với thực hiện 2022. Trong cơ cấu doanh thu, mảng đóng góp lớn nhất là thương mại, thủy sản tại công ty mẹ cùng các công ty con IDI, DAT và Sao Mai Super Feed với hơn 13.000 tỷ đồng, phần doanh thu còn lại đến từ bất động sản, năng lượng và dịch vụ.
Ban lãnh đạo nhận định năm nay nền kinh tế đối mặt nhiều thách thức khi lạm phát gia tăng, mất ổn định an ninh lương thực và năng lượng, trở ngại trong tích lũy vốn, lao động, biến đổi khí hậu… Việt Nam cũng bị ảnh hưởng từ khó khăn chung của thế giới. Bởi vậy, ban lãnh đạo đưa ra định hướng kinh doanh thận trọng.
Về chiến lược phát triển, Sao Mai nhìn nhận ngành triển vọng và nhiều tiềm năng là năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Lĩnh vực này đang là xu hướng của thời đại. Sử dụng nguồn năng lượng sạch giúp bảo vệ môi trường, trong khi đó, năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt và tàn phá môi trường. Năng lượng mặt trời và năng lượng gió là hai nguồn năng lượng tái tạo đang được phát triển mạnh trên thế giới, được dự báo sẽ thay thế cho năng lượng hóa thạch và than đá. Việt Nam là nước đang phát triển, các doanh nghiệp lớn nước ngoài đã và đang đầu tư vào Việt Nam, chính vì thế nhu cầu điện sẽ tăng cao, đặc biệt là năng lượng sạch. Do vậy, tập đoàn sẽ tiếp tục mạnh dạn đầu tư vào dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn.
Bên cạnh đó, bất động sản vẫn được xem là ngành trọng yếu trong chiến lược phát triển. Năm nay, doanh nghiệp dự kiến doanh thu khoảng 120 tỷ đồng dựa trên các dự án đang khai thác. Một số dự án sẽ được ưu tiên thực hiện năm nay như khu đô thị mới Sao Mai Lam Sơn – Sao Vàng, Thọ Xuân, Thanh Hóa; khu resort Sao Mai Thanh Hóa; khu đô thị mới Sao Mai xã Minh Sơn và thị trấn Triệu Sơn tỉnh Thanh Hóa.
Nhà Đầu Tư