Mạng xã hội rúng động vì 1 thông tin: Quốc gia lớn trong BRICS sắp ngừng bán dầu bằng đồng USD, thay thế bằng Nhân dân tệ?
Việc Ả Rập Xê Út đang loại bỏ USD trong xuất khẩu dầu đang được lan truyền "chóng mặt" trên các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, tin đồn này thực hư như thế nào?
Những ngày gần đây, mạng xã hội đang lan truyền thông tin về việc thoả thuận petrodollar kéo dài 50 năm giữa Mỹ và Ả Rập Xê Út đã kết thúc vào ngày 9/6. Từ năm 1976, 2 quốc gia đã ký kết thoả thuận này, phía Mỹ yêu cầu Ả Rập Xê Út định giá xuất khẩu dầu bằng đồng USD và đầu tư doanh thu thặng dư từ dầu với trái phiếu chính phủ Mỹ.
Nhiều người bình luận trên nền tảng X cho rằng sự sụp đổ của kỷ nguyên petrodollar chắc chắn sẽ “giáng một đòn mạnh” vào vị thế đồng tiền dữ trữ toàn cầu của USD. Chắc chắn, những biến động về tài chính sẽ xảy ra trong thời gian tới. Ngay lập tức, số lượt tìm kiếm trên Google đối với cụm từ “petrodollar” đã tăng lên mức kỷ lục kể từ năm 2004, theo dữ liệu của Google Trends.
Tuy nhiên, MarketWatch cho biết, khi những lời suy đoán về sự kết thúc của kỷ nguyên đồng USD thống trị toàn cầu sắp xảy ra được lan truyền, thì một số chuyên gia về chính sách đối ngoại và Phố Wall đã chỉ ra một “lỗ hổng” đầy bất ngờ. Đó là, bản thân thoả thuận này chưa bao giờ tồn tại, hoặc ít nhất không phải là theo cách nó được mô tả trong các bài đăng trên mạng xã hội.
Paul Donovan, nhà kinh tế trưởng tại UBS Global Wealth Management, cho biết câu chuyện đang được lan truyền rộng rãi là tin giả. Tháng 6/1974, 2 bên đã ký kết một thoả thuận nhưng không liên quan gì đến tiền tệ, vì sau đó Ả Rập Xê Út tiếp tục bán dầu bằng đồng bảng Anh.
Thoả thuận mà Donovan đề cập đến là thoả thuận của thỏa thuận của Ủy ban hỗn hợp Mỹ - Ả Rập Xê Út về hợp tác kinh tế, được ký kết vào ngày 8/6/1974. Đây là tuyên bố chung được ban hành và ký kết bởi Henry Kissinger, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ ở thời điểm đó, và Hoàng tử Fahd, Phó Thủ tướng thứ hai (sau này là Vua và Thủ tướng) của Ả Rập Xê Út.
Như kế hoạch ban đầu, thoả thuận nêu trên dự định kéo dài 5 năm nhưng đã được gia hạn nhiều lần. Thoả thuận được ký kết với lý do khá đơn giản: Sau lệnh cấm vận dầu mỏ của OPEC năm 1973, cả Mỹ và Ả Rập Xê Út đều mong muốn đưa ra một thoả thuận chính thức hơn, nhằm đảm bảo nhận được nhiều hơn những gì họ muốn từ phía bên kia.
Giá dầu tăng vọt sau lệnh cấm vận của OPEC đã giúp Ả Rập Xê Út có thặng dư USD và các nhà lãnh đạo của vương quốc này muốn khai thác nguồn tài sản đó để tiếp tục công nghiệp hoá nền kinh tế, ngoài lĩnh vực dầu mỏ. Trong khi đó, Mỹ cũng muốn tăng cường mối quan hệ ngoại giao vẫn còn “non trẻ” với Ả Rập Xê Út khi đó, đồng thời khuyến khích nước này tái sử dụng đồng USD vào nền kinh tế Mỹ.
Washington cũng muốn đảm bảo rằng lệnh cấm vận năm 1973 sẽ không lặp lại, vì có thể gây ra “cơn sóng” lạm phát tạo bất ổn cho nền kinh tế và thị trường chứng khoán.
Theo Donovan và một số chuyên gia khác, thoả thuận chính thức yêu cầu Ả Rập Xê Út định giá dầu thô bằng USD chưa bao giờ tồn tại. Nói đúng hơn, Ả Rập Xê Út vẫn bán dầu bằng các loại tiền tệ khác, đáng chú ý nhất là bảng Anh ngay cả sau khi thoả thuận hợp tác kinh tế chung năm 1974 được ký kết. Đến cuối năm đó, Ả Rập Xê Út mới ngừng chấp nhận thanh toán bằng bảng Anh.
Gần đây, một số dấu hiệu cho thấy Ả Rập Xê Út đã cởi mở hơn trong việc chấp nhận các loại tiền tệ khác ngoài đồng USD để thanh toán cho các giao dịch bán dầu. Tờ Wall Street Journal cho biết nước này trong nhiều năm đã đàm phán với Bắc Kinh về việc chấp nhận thanh toán bằng đồng NDT.
Song, ngay cả khi một thoả thuận như vậy được ký kết, mối quan hệ kinh tế và quân sự của Mỹ và Ả Rập Xê út vẫn là động lực thúc đẩy quốc gia này “tìm kiếm” USD, theo Jeffrey Kleintop, giám đốc chiến lược đầu tư toàn cầu tại Charles Schwab.
Yếu tố quan trọng hơn nữa là, vai trò đồng tiền dự trữ của đồng USD thực tế chỉ có tầm quan trọng thứ yếu. Donovan cho hay, điều quan trọng nhất đối với đồng USD là các quốc gia xuất khẩu dầu như Ả Rập Xê Út có quyết định dự trữ hay không.
Theo WSJ, điều này dường như sẽ không thay đổi, khi Mỹ và Ả Rập Xê Út được cho là sắp ký kết một hiệp ước mang tính bước ngoặt.
Dữ liệu mới nhất từ IMF cũng cho thấy, dù tỷ trọng dự trữ toàn cầu bằng đồng USD tiếp tục giảm nhưng vẫn chưa có đối thủ nào giành được “ngôi vương” của đồng bạc xanh. Thay vào đó, các NHTW tiếp tục đa dạng hoá tài sản của họ sang một loạt các đòng tiền dự trữ “phi truyền thống” như AUD, CAD và NDT.
Tham khảo MarketWatch
Nhịp sống thị trường