Một phiên giao dịch, một cổ phiếu và sự dịch chuyển của khoản tiền 250.000 tỷ đồng chỉ trong vài ngày tới
Chỉ trong tuần tới, 1 quỹ ETF lớn của Mỹ sẽ mua thêm 10 tỷ USD cổ phiếu Nvidia trước thời hạn tái cân bằng danh mục bởi những gì xảy ra trong phiên giao dịch cuối tuần.
- 15-06-2024Tỷ phú Mỹ: Ngừng mua cafe, không ăn McDonald's, chắt chiu từng đồng mới có thể thành người giàu!
- 15-06-2024Đội tuyển Đức vừa có chiến thắng giòn giã trong ngày khai mạc Euro 2024: Liệu kinh tế Đức có đại thắng sau giải đấu?
- 15-06-2024Chỉ báo suy thoái chưa từng sai trong hơn 60 năm vẫn đang nhấp nháy đỏ: Nền kinh tế số một thế giới vẫn cần cảnh giác?
“Cuộc cạnh tranh” giữa các cổ phiếu vốn hoá lớn nhất trên TTCK ngày càng trở nên gay cấn vào ngày thứ Sáu vừa qua, khi đà tăng mạnh vào cuối tuần của Nvidia đã tạo ra sự thay đổi lớn trong 1 quỹ trị giá 70 tỷ USD. Nvidia có thể chiếm vị trí trong top 2 cổ phiếu được nắm giữ bởi Quỹ Technology Select Sector SPDR (XLK) dựa trên mức vốn hoá thị trường tính theo giá đóng cửa của ngày thứ Sáu.
Apple và Microsoft là 2 cổ phiếu đứng đầu của quỹ, mỗi cổ phiếu có tỷ trọng khoảng 22%. Trong khi đó, tỷ trọng của Nvidia là chưa đến 6% dù vốn hoá chỉ kém 2 cổ phiếu trên một chút. Theo các quy tắc của S&P Dow Jones Indices, sự chênh lệch tương tự có thể xảy ra 1 lần nữa trong đợt tái cân bằng ở quý này và “cuộc đua” vào top 2 gay cấn đến tận ngày cuối cùng.
Theo FactSet, vốn hoá của Microsoft, Apple và Nvidia có sự chênh lệch khoảng 100 tỷ USD tính đến khi đóng cửa phiên ngày 13/6. Chỉ số mà XLK theo dõi sử dụng vốn hoá thị trường được điều chỉnh thả nổi để ra quyết định, vì vậy các nhà giao dịch cần phải chờ quyết định cuối cùng của S&P Dow Jones Indices để chắc chắn về tỷ trọng trong danh mục của XLK.
Dự báo của UBS ngày 12/6 cho thấy rằng, nếu tỷ trọng của Apple tụt xuống vị trí thứ 3 và Nvidia leo lên vị trí thứ 2, thì tỷ trọng của nhà sản xuất chip trong quỹ XLK sẽ tăng lên 21% trong khi Apple giảm xuống 4,5%.
Việc tỷ trọng của Nvidia tăng thêm 15 điểm phần trăm có nghĩa là quỹ này sẽ cần mua số cổ phiếu trị giá hơn 10 tỷ USD của nhà sản xuất chip trước hoặc vào gần thời điểm tái cân bằng là 21/6. Theo FactSet, tổng giá trị giao dịch của Nvidia trong ngày thứ Sáu tuần trước đó (7/6) là khoảng 50 tỷ USD. Một đợt tái cơ cấu danh mục lớn đến vậy thường hiếm khi xảy ra với các quỹ chỉ số.
Matthew Bartolini, giám đốc SPDR Americas Research, đã nói về việc tái cân bằng liên quan đến phân loại nhóm ngành trong quỹ. Ông lấy ví dụ như khi Amazon được chuyển sang mục hàng tiêu dùng không thiết yếu.
Bartolini nói: “Nếu buộc phải thực hiện một giao dịch khá quan trọng, thì chúng tôi đều có sự chuẩn bị trước”. Sự chênh lệch hiện tại giữa Nvidia và Apple có nguyên nhân từ việc trong quỹ có một số ít cổ phiếu công nghệ vốn hoá siêu lớn và bị tác động bởi quy tắc đa dạng hoá danh mục.
XLK theo dõi một chỉ số của S&P Dow Jones Indices và sử dụng trọng số theo vốn hoá thị trường. Trong đó bao gồm giới hạn 23% đối với các cổ phiếu lớn nhất và tổng tỷ trọng dưới 50% đối với toàn bộ các cổ phiếu có tỷ trọng hơn 4,8%. Do đó, nếu 2 trong số những gã khổng lồ công nghệ chiếm hơn 20% quỹ, thì cổ phiếu đứng 3 lại chiếm tỷ trọng thấp hơn nhiều dù vốn hoá không có nhiều chênh lệch. State Street và các tổ chức phát hành quỹ khác sẽ có 1 tuần để chuẩn bị cho đợt tái cân bằng.
Mohit Bajaj, giám đốc bộ phận Giải pháp Giao dịch ETF tại WallachBeth Capital, cho biết, các quỹ ETF hợp tác với các ngân hàng để mua và bán số lượng lớn cổ phiếu trong các đợt tái cân bằng. Đôi khi, những động thái này được gọi là “heart beat trade”, khi nhà đầu tư bỏ tiền vào ETF sau đó rút nhanh chóng và được trả bằng cổ phiếu mà ETF đó nắm giữ thay vì tiền mặt.
Theo Bajaj, các trader chuyên nghiệp đôi khi có thể đặt lệnh trước (pre-position) hoặc “chạy trước” (front run), tức là tận dụng thông tin nội bộ để thực hiện giao dịch, dù cách làm này không còn phổ biến như trước.
Bajaj nói: “Tuỳ vào số cổ phiếu mà quỹ được yêu cầu nắm giữ, việc tăng tỷ trọng của Nvidia sẽ tạo ra một đợt tăng giá mạnh trong thời gian ngắn”.
SPDR không phải là nhóm quỹ duy nhất theo dõi S&P Dow Jones Indices, trực tiếp hoặc gián tiếp, và cũng không phải quỹ duy nhất cần tái cân bằng trong tháng này. Điều đó có nghĩa là những thay đổi trong các nhóm quỹ khác có thể giúp giảm bớt tác động từ sự thay đổi lớn đến từ XLK.
Một số nhà đầu tư và chiến lược gia đã bày tỏ sự lo ngại về áp lực của nhóm “Magnificent 7’ (7 công ty công nghệ blue chip) trong suốt đợt hồi phục này của thị trường, bắt đầu vào cuối năm 2022. Năm 2024, nhóm này thậm chí còn “khủng” hơn. Theo ghi chú ngày 11/6 của chiến lược gia Todd Sohn, Nvidia, Apple và Microsoft chiếm 6% tỷ trọng của S&P 500. Trong đó, Nvidia đóng góp 35% đà tăng từ đầu năm đến nay của chỉ số này.
State Street Global Advisors dự báo về triển vọng giữa năm của các ETF, cho biết nhà đầu tư nên cân nhắc các chiến lược đầu tư có tỷ trọng cân bằng như SPDR NYSE Technology ETF (XNTK) để giảm bớt rủi ro từ một số ít cổ phiếu.
Bartolini cho hay: “Vị thế cân bằng hơn giữa các cổ phiếu công nghệ và dịch vụ truyền thông, cũng như các cổ phiếu tiêu dùng không thiết yếu có sự tiên phong khi tiếp cận AI có thể giúp cân bằng những rủi ro nêu trên, đồng thời vẫn giúp nhà đầu tư đổ tiền vào lĩnh vực này.”
Tham khảo CNBC
Nhịp sống thị trường