MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

‘Mảnh ghép’ ít biết của đại gia Đặng Thành Tâm

09-08-2022 - 09:28 AM | Doanh nghiệp

Khác với KBC hay người anh em ITA, Saigontel, với khối tài sản khổng lồ và cơ cấu cổ đông cô đặc, hứa hẹn sẽ là “của để dành” của doanh nhân Đặng Thành Tâm.

Ông trùm khu công nghiệp

Sinh năm 1964, ông Đặng Thành Tâm được biết đến là người tiên phong trong phát triển khu công nghiệp tại Việt Nam. Sau khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997, chớp cơ hội giá vật liệu xây dựng giảm 50%, được thêm nhà nước hỗ trợ lãi suất, ông Tâm mạnh dạn vay vốn xây nhà xưởng. Khi xây xong khu công nghiệp là lúc khủng hoảng đi qua, giá cả phục hồi, ông Tâm nhận lãi gấp đôi.

Tới năm 2007, ông Tâm "bùng nổ" khi một thành viên trong hệ sinh thái là Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Mã: KBC) lên sàn. Với việc nắm giữ 30 triệu cổ phiếu KBC và 4,2 triệu cổ phiếu Công ty Đầu tư và Khu công nghiệp Tân Tạo (ITA), ông Tâm khi đó sở hữu khối tài sản lên tới 6.300 tỷ đồng, trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là năm duy nhất ông Tâm đứng ở vị trí số 1. Từ năm 2008, giá trị tài sản của đại gia này bắt đầu đi xuống khi cổ phiếu mà ông nắm giữ có tốc độ tuột dốc mạnh hơn thị trường.

Trong cơn say phát triển nhanh, giai đoạn 2009-2010, Chủ tịch KBC đã liên tục vay vốn đầu tư đa ngành, từ ngân hàng (góp vốn vào Ngân hàng TMCP Nam Việt- Navibank, nay là ngân hàng TMCP Quốc Dân và Ngân hàng TMCP Phương Tây - Western Bank, nay là PVcomBank) đến chứng khoán, giáo dục, y tế, viễn thông, bất động sản…

Tuy nhiên, từ sau năm 2012, tình hình kinh doanh của ông Tâm bắt đầu lao dốc, nhất là sau động thái rút lui khỏi hai nhà băng Navibank và Western Bank - là những kênh dẫn vốn quan trọng cho "hệ sinh thái". Để rồi đến năm 2013, ông Tâm cùng các doanh nghiệp của mình chìm trong khối nợ khổng lồ và bản thân cuộc đời của đại gia này cũng trải qua những ngày tháng khó khăn với nhiều tin đồn bủa vây.

Nặng gánh với khoản nợ trái phiếu hàng nghìn tỷ đồng, người giàu nhất sàn chứng khoán một thời phải xin Ngân hàng Nhà nước cho lùi thời hạn thanh toán trong bối cảnh không thể vay thêm tiền ngân hàng suốt hai năm 2012 -2013.

Hoàn cảnh này buộc doanh nhân tuổi Giáp Thìn phải lần lượt rút khỏi loạt dự án tâm đắc, trong đó có giấc mộng tòa tháp 100 tầng diện tích 4,2 ha nằm sát bên cạnh Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. Một dự án lớn khác mà ông Tâm cũng buộc phải bỏ dở vào năm 2014 là Saigon SunBay tại xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, TP.HCM có tổng mức đầu tư dự kiến 1,5 tỷ USD, ngay trước khi xuất hiện thông tin Vingroup là nhà đầu tư chiến lược tại dự án này.

 ‘Mảnh ghép’ ít biết của đại gia Đặng Thành Tâm - Ảnh 1.

Phối cảnh KCN Nam Tân Lập quy mô 244,74ha tại Long An do Saigontel làm chủ đầu tư. Ảnh SGT.

"Của để dành" Saigontel

"Sau một thời gian rất dài và rất xa, Kinh Bắc đã trở lại", ông Đặng Thành Tâm đã tuyên bố như vậy tại đại hội cổ đông công ty này vào tháng 4/2021. Chủ tịch Kinh Bắc cũng khẳng định ai bỏ KBC sẽ phải ân hận, cổ đông sẽ chứng khiến nhiều điều bất hủ thời gian tới.

Sự lạc quan của doanh nhân này được hình thành trong bối cảnh lĩnh vực bất động sản công nghiệp ở Việt Nam phát triển với tốc độ chóng mặt trong vài năm gần đây. Quỹ đất ở các tỉnh thành có vị trí thuận lợi như Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương… đều đã cạn kiệt. Thêm vào đó, cuộc chiến thương mại Mỹ Trung tạo ra làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang các nước có tiềm năng như Việt Nam và tạo cơ hội phát triển cho lĩnh vực này.

Trong khi đó, KBC của ông Đặng Thành Tâm lại vốn là một doanh nghiệp có chỗ đứng trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp từ rất sớm. Đến nay, KBC đang quản lý khoảng 5.188ha cho phát triển khu công nghiệp (KCN), cao hơn các ông lớn cùng ngành như Idico (3.378ha) hay Becamex IDC (4.693ha).

Lưu ý rằng, bên cạnh KBC, mảnh ghép quan trọng trong lĩnh vực này của ông Đặng Thành Tâm còn phải kể đến CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel – Mã CK: SGT).

Thành lập năm 2002, Saigontel khởi đầu là một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông, chuyên cung cấp dịch vụ internet ở các khu công nghiệp, kinh doanh game online; qua quá trình hoạt động, mở rộng thêm hoạt động kinh doanh điện thoại di động, sản phẩm, thiết bị viễn thông.

Nhận thấy cơ hội từ sự chuyển dịch nhà máy và dòng vốn FDI sang các nước có tiềm năng trong đó có Việt Nam, từ năm 2020, cùng với sự hỗ trợ của hệ sinh thái KBC, Saigontel đã quyết định xoay trụ, đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp.

Trong thời gian ngắn, công ty đã tái cấu trúc thành công từ một công ty viễn thông, trở thành doanh nghiệp bất động sản nhận được nhiều sự chú ý trên thị trường. Năm 2021, bất chấp dịch bệnh diễn biến phức tạp, quỹ đất của Saigontel đã được phát triển lên đến 3.000 ha.

Doanh nghiệp này đã hợp tác phát triển thành công hơn 30 KCN trên toàn quốc, điển hình như: Quần thể khu công nghiệp đô thị dịch vụ Tràng Duệ - Hải Phòng; Quần thể KCN đô thị dịch vụ Quế Võ - Bắc Ninh; KCN Đại Đồng Hoàn Sơn - Bắc Ninh; KCN Quang Châu - Bắc Giang; KCN Tân Phú Trung - TP.HCM; KCN Tân Đức – Long An…Tại Thái Nguyên, Saigontel sở hữu 130ha công nghiệp tại thị xã Phổ Yên và 40ha tại TP.Sông Công. Ngoài ra, Saigontel còn hợp tác với Công ty Đầu tư Sài Gòn - Huế (doanh nghiệp liên kết của Đô thị Kinh Bắc) phát triển dự án khu công nghiệp và khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây quy mô 118 ha thuộc khu kinh tế Chân Mây.

Đặc biệt, tháng 2/2022, công ty này đã bắt tay với VinaCapital và công ty Aurous (Singapore) trong dự án tổ hợp công nghiệp - đô thị 2,5 tỷ USD với tổng diện tích 700ha tại Bắc Giang. Đây là dự án lớn thứ hai do các công ty trong hệ sinh thái của ông Đặng Thành Tâm thực hiện ở địa phương này, chỉ sau KCN Quang Châu với tổng diện tích 426ha.

Riêng trong năm 2022, Saigontel cho biết sẽ thu xếp nguồn vốn từ 2.000-2.500 tỷ đồng để triển khai loạt dự án như: Cụm công nghiệp Tân Phú 1 và 2 với tổng diện tích 131 ha tại Thái Nguyên, CCN Lương Sơn (34,53 ha), KCN Nam Tân Lập quy mô 244,74ha tại Long An, KCN Tân Lập (654 ha).

Đây đều là các dự án được cấp chứng nhận đầu tư năm 2021 và theo kế hoạch sẽ đưa vào khai thác từ quý 4 năm nay, trong đó, Saigontel dự tính sẽ thu về 550 tỷ đồng từ 2 dự án Tân Phú 1 và 2. Đồng thời sẽ ghi nhận 1.025 tỷ đồng doanh thu từ việc cho thuê 40ha tại dự án KCN Đại Đồng Hoàn Sơn-GĐ2. Còn CCN Lương Sơn và KCN Nam Tân Lập hiện đang được công ty này đẩy mạnh đến bù giải phóng mặt bằng để khai thác trong năm 2023.

Cùng với việc triển khai các KCN trên, năm nay, SGT sẽ tiếp tục hoàn thiện pháp lý cho KCN Phú Bình, 100 ha nhà xưởng tại khu kinh tế Quảng Yên và mở rộng nghiên cứu phát triển dự án tại Hưng Yên, Hải Dương, Đồng Nai.

 ‘Mảnh ghép’ ít biết của đại gia Đặng Thành Tâm - Ảnh 2.

Sau khi chuyển hướng sang lĩnh vực BĐS khu công nghiệp, lợi nhuận của Saigontel được cải thiện rõ rệt. Như năm 2021, doanh thu thuần của công ty đã tăng 47% lên mức 690 tỷ đồng, lãi ròng theo đó cũng tăng 5,5 lần đạt 70 tỷ đồng. Sang 6 tháng đầu năm 2022, nhờ hoạt động cho thuê đất, nhà xưởng, văn phòng tại chi nhánh Bắc Ninh và dự án TM7 tại Bắc Ninh, Saigontel đạt doanh thu thuần 576 tỷ đồng, tăng gấp 3,6 lần và lợi nhuận trước thuế ở mức 157 tỷ đồng, tăng gấp 6 lần so với cùng kỳ.

Năm 2022, Saigontel đặt mục tiêu tham vọng với tổng doanh thu 2.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 300 tỷ đồng, tăng 254% so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, sau nửa đầu năm, SGT đã hoàn thành 52% mục tiêu lợi nhuận đề ra.

Tại ngày 30/6/2022, tổng tài sản của công ty này đạt 4.702 tỷ đồng, tăng 6,4% so với thời điểm đầu năm, chiếm chủ yếu là các khoản phải đầu tư tài chính dài hạn 1.852 tỷ đồng. Các công ty mà Saigontel tiến hành đầu tư gồm CTCP Đầu tư Phát triển Hạ tầng KCN Cao Sài Gòn, CTCP Đầu tư Phát triển Nhà máy Sài Gòn Bình Thuận, CTCP Tập đoàn đầu tư Vũng Tàu,...

Vốn điều lệ của Saigontel hiện ở mức 740 tỷ đồng, trong đó ông Đặng Thành Tâm nắm giữ 23,69% còn KBC sở hữu 21,48%, bà Nguyễn Thị Kim Xuân 10,07%, Đặng Thị Hoàng Phượng 9,88%, CTCP Đầu Tư Sài Gòn 7,2%.

Ở một chi tiết đáng lưu ý, dựa vào Biên bản ĐHĐCĐ 2022 có thể thấy mức độ sở hữu khá cô đặc của Saigontel (59 cổ đông tham dự, đại diện 83,6% cổ phần), so với chính người anh em KBC (113 cổ đông đại diện 63,3% cổ phần) hay ITA (319 cổ đông đại diện 65,2% cổ phần).

Sở hữu khối tài sản khổng lồ trong khi vốn điều lệ và vốn hoá còn khiêm tốn, cùng cơ cấu cổ đông cô đặc hứa hẹn sẽ biến Saigontel sớm trở thành một "game" lớn của ông chủ Tập đoàn Kinh Bắc.

Theo Khánh An

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên