Mạnh tay với tin giả, tin đồn "vùi dập" doanh nghiệp và nền kinh tế
Ảnh minh họa: KT
Theo các chuyên gia, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay ở nước ta liên quan đến tin giả, tin đồn trên mạng xã hội đã tương đối đầy đủ nhưng thực thi pháp luật còn nhiều yếu kém.
- 30-11-2022Nếu bị chậm trả CCCD gắn chip, công dân có thể dùng những giấy tờ này để thay thế
- 29-11-20221 tháng “hỗn loạn” của Twitter dưới thời Elon Musk
- 29-11-2022Chỉ với một tin nhắn, thuê bao có thể chặn tin quảng cáo đến từ Viettel, MobiFone, Vinaphone và Vietnamobile
Một mã cổ phiếu giảm sàn 4 phiên liên tiếp từ ngày hồi cuối tháng 10/2022 sau khi có tin đồn về quy mô tư vấn và bảo lãnh phát hành trái phiếu; dù lãnh đạo công ty lên tiếng ngay lập tức rằng doanh nghiệp vẫn đảm bảo đầy đủ chuẩn mực cả trong nước và quốc tế, nhưng giá cổ phiếu vẫn không thể phục hồi được như trước… Đó chỉ là một trong những ví dụ điển hình về tin giả, tin đồn đang gây những tác hại khôn lường trong thời gian gần đây.
Vậy làm thế nào để xử lý mạnh tay với tin giả, tin đồn có nguy cơ vùi dập, phá hoại doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung?
Một thương hiệu lớn chuyên kinh doanh điện thoại, hàng điện tử cách đây một tháng bỗng dính tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội về các khoản đầu tư ngắn hạn của doanh nghiệp. Hậu quả là cổ phiếu cũng giảm điểm liên tục, hoạt động công ty bị xáo trộn, nội bộ công ty hoang mang.
Tin đồn thất thiệt, tin giả không phải bây giờ mới có nhưng thời gian gần đây, nó trở nên “tác oai tác quái”, một phần nhờ vào sự lan tỏa của mạng xã hội. Nhiều doanh nghiệp dù đã được “minh oan” sau đó nhưng hậu quả là uy tín doanh nghiệp, hệ thống đối tác, khách hàng, thương hiệu…thì phải nhiều năm sau đó vẫn chưa thể phục hồi.
Tháng 4/2021, Cơ quan an ninh điều tra đã khởi tố bị can Đặng Như Quỳnh vì hành vi đăng tải thông tin không đúng sự thật trên mạng xã hội Facebook về một số cá nhân là đại diện các công ty đang niêm yết thông tin trên sàn chứng khoán sắp bị bắt, xử lý hình sự. Trả giá cho hành vi này bằng mức án 2 năm tù giam, đối tượng này vẫn một mực cho rằng việc mình làm chỉ vì mục đích “câu like”.
Luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Hừng Đông, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết: Trong quá trình hành nghề, ông từng gặp trường hợp doanh nghiệp bị thiệt hại ghê gớm vì có những lô hàng đã đặt trước nửa năm, hàng đang trên đường về Việt Nam thì có những tin bịa đặt tung ra là sản phẩm của công ty không bảo đảm được sức khỏe.
Gần như doanh nghiệp phá sản, ngân hàng chật vật theo vì bảo lãnh cho các khoản vay đó. Thế nhưng, khi xử lý lại vô cùng khó bởi để biết được hành vi vi phạm pháp luật xảy ra ở đâu, cần truy được dấu vết điện tử, mất rất nhiều thời gian công sức.
Thu thập bằng chứng, chứng cứ diễn ra trên phạm vi rộng ở trên không gian mạng, thậm chí ở nước ngoài. Việt Nam phải phối hợp tương trợ tư pháp, đôi khi hệ thống pháp luật của họ không giống của mình. Việc xử lý tin giả, tôi đồng ý là mức chế tài phải nghiêm khắc hơn nhưng điều quan trọng phải lưu ý đó là ở Việt Nam, thực thi pháp luật đâu đó chưa nghiêm.
Theo các chuyên gia, thực ra, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay ở nước ta liên quan đến tin giả, tin đồn trên mạng xã hội đã tương đối đầy đủ nhưng thực thi pháp luật còn nhiều yếu kém.
Luật đã phân định rõ, ngoài xử lý vi phạm hành chính, nếu gây hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại đến uy tín, danh dự, nhân phẩm hay thiệt hại vật chất cho tổ chức, cá nhân thì hoàn toàn có thể bị khởi tố hình sự. Tuy nhiên, để doanh nghiệp chứng minh thiệt hại là rất khó, đôi khi là cần hóa đơn, chứng từ, rồi rất nhiều quy trình tố tụng khiến doanh nghiệp "nhận được vạ thì má sưng".
Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh nêu quan điểm: "Pháp luật của chúng ta liên quan đến vấn đề này hiện còn thiếu tính răn đe. Nếu như hình thức răn đe để sức nặng thì họ phải thận trọng, khi đọc được tin giật gân họ phải suy nghĩ có nên post nó hay không, nếu giả thì sao. Điều ấy cho thấy, ngoài việc có giải pháp cho những người dân bình thường, chúng ta cũng phải có giải pháp cho người cố tình, phải xử phạt xứng đáng thì mới ngăn chặn được".
Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn khẳng định: Cơ chế đầu tiên là cần khuyến khích doanh nghiệp kiện đòi bồi thường trong trường hợp bị thiệt hại vì tin giả, tin đồn thất thiệt để lấy căn cứ xử lý. Thực trạng hiện nay là những vụ kiện dân sự quá mất thời gian, mất hàng năm trời để theo đuổi. Trong bối cảnh 4.0, cải cách tư pháp phải làm sao có được những phiên xử rút gọn, nhanh, đúng với tinh thần giao dịch điện tử hiện nay.
"Một giao dịch trên mạng xã hội mất có vài giây trong khi đó chúng ta xét xử tranh chấp đến hàng năm, điều này không tương thích. Chúng ta phải có cơ chế giải quyết tranh chấp nhanh chóng, rõ ràng. Điểm thứ 2, đúng là trên mạng xã hội cũng phải phân ra, có những người bình thường và những người có ảnh hưởng. Ở các nước cũng như vậy, họ sẽ phải tập trung quản lý về những người này, không chỉ là sử phạt, mà có những quy định bắt buộc nghĩa vụ họ phải thực hiện" - ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ.
Theo Bộ Thông tin và truyền thông, trong 5 năm gần đây, cơ quan này phối hợp với Bộ Công an đã tăng cường rất nhiều các biện pháp kỹ thuật để xác định được nhân thân của những kẻ phát tán tin giả trên mạng. Đặc biệt trong dịch COVID-19, rất nhiều đối tượng tung tin giả lên mạng đã bị xử lý, nhưng để tìm ra giải pháp triệt để cho vấn đề này cũng không đơn giản nếu nhận thức về vấn đề này chưa được nâng cao.
Làm sao để người dân hiểu được không gian mạng giờ không còn là không gian “ảo” bởi hậu quả của tin đồn vô căn cứ gây ra là “thật”. Trong khi cơ chế xử lý tin giả ở Tòa án còn nhiều hạn chế, nguồn nhân lực làm công tác xử lý thông tin phòng chống xấu độc còn mỏng thì rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, xử lý mạnh tay, không để doanh nghiệp “đơn thương độc mã” chống chọi với tin giả, tin đồn thất thiệt trên môi trường mạng.
Mỗi cá nhân cũng cần tự trang bị kiến thức cho mình và tỉnh táo chọn lọc để không “mắc bẫy” tin giả, ảnh hưởng tới doanh nghiệp và hoạt động kinh tế nói chung.
VOV