Mạnh tay "xóa sổ" nhiệt điện chây ì
Bài học từ việc cho phép "khai sinh" rồi phải "thu hồi" dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1 (tỉnh Kiên Giang) là việc thiếu cân nhắc trong xem xét năng lực tài chính, công nghệ của chủ đầu tư.
Ngày 6-10, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1 đã được đưa ra khỏi quy hoạch tại Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (hiệu chỉnh) và Quyết định 428 ngày 18-3-2016. Bộ đang thực hiện các công việc liên quan đến ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về vấn đề thu hồi chủ trương đầu tư Trung tâm Điện lực Kiên Lương và Cảng nước sâu Nam Du.
Đầu tư theo phong trào?
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Thủ tướng đã chính thức giao Bộ Công Thương phối hợp với tỉnh Kiên Giang và các bộ, ngành liên quan để xử lý vấn đề dừng dự án nhiệt điện nói trên theo đề xuất của chủ đầu tư. Hiện vẫn trong quá trình xin ý kiến các cơ quan liên quan trước khi có báo cáo tổng hợp cụ thể.
Theo tìm hiểu, dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1 với quy mô 1.200 MW - thuộc Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương, bao gồm một số nhà máy điện với tổng công suất khoảng 5.000 MW, vốn đã được Chính phủ tạo điều kiện cho phép chuyển hình thức đầu tư từ BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh) sang BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) vào năm 2013. Cùng đó, nhiều động thái khác cũng cho thấy nhà nước đã hết sức "ưu ái" dự án này, thể hiện qua các cam kết bảo lãnh Chính phủ.
Sau nhiều năm triển khai, dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1 vẫn là bãi đất hoang Ảnh: GIANG SƠN
Tuy vậy, kết cục là siêu dự án quy mô gần 2 tỉ USD vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong thu xếp vốn cho dự án dẫn đến tiến độ triển khai chậm. Hơn nữa, với chủ trương phát triển các nhà máy nhiệt điện tuabin khí hỗn hợp sử dụng khí Lô B tại tỉnh Kiên Giang nên các dự án Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương 1 và Kiên Lương 2 đã không có trong danh mục các dự án nguồn điện đưa vào vận hành trong giai đoạn đến năm 2030 (thuộc Quy hoạch điện VII điều chỉnh) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nguyên nhân cho chủ trương "rút" dự án này là bởi chủ đầu tư - Tập đoàn Tân Tạo không có năng lực cũng như nguồn vốn. Ngoài ra, giới chuyên gia cũng nhận định trong thời điểm này, khu vực ĐBSCL không cần thêm bất cứ nhà máy nhiệt điện than nào nữa, vì đã "bội thực". Trong đó, chỉ riêng khu vực lân cận đã xuất hiện hàng loạt dự án nhiệt điện như: Duyên Hải 2, Duyên Hải 3, Sông Hậu 1, Sông Hậu 2, Sông Hậu 3; Long Phú 2… Chưa kể đến, theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, địa hình tại đây có nhiều yếu tố phức tạp, không phù hợp cho việc đặt các dự án nhiệt điện than. Cụ thể, địa chất không ổn, tàu vận chuyển than khó vào và không dễ dàng để kết nối đường dây 220 KV ở đây.
"Thời điểm cách đây 10 năm, trên thị trường đang sôi động đầu tư cho các dự án nhiệt điện than tại ĐBSCL. Tập đoàn Tân Tạo đã đăng ký và được sự đồng ý của Bộ Công Thương cho đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương 1. Tuy nhiên, bây giờ thì không còn phù hợp nữa" - ông Ngãi nhận định.
Không nên chần chừ
Theo ông Ngãi, việc "xóa sổ" dự án này cần được gấp rút triển khai bởi giá thành tính toán đầu tư dự án vào thời điểm đăng ký đầu tư là 1,7 tỉ USD với công suất 1.200 MW nhưng theo giá thị trường hiện nay thì phải đội lên 2,5-2,6 tỉ USD vì công nghệ đã được đổi mới. "Như vậy, càng để càng không làm được, cũng không thể đi vay nước ngoài nếu không có bảo lãnh của Chính phủ. Việc xóa sổ là hoàn toàn hợp lý" - ông Ngãi nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh nhìn nhận "lỗ hổng" trong dự án đầu tư tỉ đô này nằm ở khâu giám định năng lực tài chính và năng lực công nghệ của chủ đầu tư. "Điện là lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn cao, vốn lớn. Do đó, phải xem lại cơ quan nào đã quyết định cho phép và trên cơ sở thẩm định như thế nào? Việc trễ tiến độ gây thiệt thòi cho nền kinh tế như thế nào?" - TS Lê Đăng Doanh nêu.
Ông Doanh cho rằng từ bài học của dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1, cần xem xét lại toàn bộ các dự án trong khu vực, nhất là những dự án chủ đầu tư không đủ năng lực để điều chỉnh lại nếu cần thiết. Đầu tư vào nhiệt điện là vô cùng "nhạy cảm" nên quá trình xây dựng cần nghiêm túc tham khảo đánh giá của các tổ chức độc lập về tác động của xây dựng nhà máy nhiệt điện than với môi trường, khoảng cách hợp lý giữa các nhà máy để tránh tập trung quá nhiều ở một chỗ. "Vừa qua, đã đưa 14 nhà máy nhiệt điện vào ĐBSCL để tận dụng nguồn nước, như thế là phi lý, sẽ tác động đến nguồn nước sạch của khu vực này. Địa phương nhiều lần phát biểu ý kiến phản đối và cũng cần tôn trọng những ý kiến đó" - ông Doanh lưu ý.
Không thể phát triển du lịch
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa đồng ý theo đề nghị của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang về việc thu hồi "siêu dự án" Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương tại xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang.
Theo Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang, dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1 không được đề cập trong quyết định 428 của Thủ tướng Chính phủ "phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030" . Dự án này sử dụng nhiên liệu than gây ô nhiễm. Nếu dự án triển khai sẽ không thể phát triển du lịch cả vùng Kiên Lương - Hà Tiên - Phú Quốc và quần đảo Nam Du vì khu vực này được làm cảng trung chuyển than.
Khu vực dự án trở thành nơi nguy hiểm Ảnh: Giang Sơn
"Siêu dự án" này được giao cho Tập đoàn Tân Tạo (ITACO) làm chủ đầu tư. Theo dự kiến, Nhiệt điện Kiên Lương 1 khởi công cuối năm 2009, năm 2013 đi vào hoạt động. Thế nhưng, dự án "khổng lồ" này vẫn đang là bãi đất hoang. Ngày 8-10-2012, UBND tỉnh Kiên Giang có buổi làm việc để giải quyết vướng mắc của ITACO và thống nhất kết luận đề nghị ITACO phải báo cáo với UBND tỉnh Kiên Giang trước ngày 31-12-2012 về các giải pháp triển khai thực hiện dự án.
Sau đó, ngày 27-2-2013, UBND tỉnh tiếp tục làm việc với ITACO để nghe báo cáo tiến độ thực hiện dự án và gia hạn cho ITACO có quyết định cuối cùng về việc tiếp tục triển khai dự án hoặc chuyển đổi hình thức đầu tư nhưng đến nay, ITACO vẫn chưa thực hiện. Gần đây nhất là ngày 7-8-2013, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng (hiện là Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang) đã ký công văn gửi Bộ Công Thương đề nghị xem xét xử lý dứt điểm đối với dự án Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương. Như vậy, suốt nhiều năm qua, dự án Nhiệt điện Kiên Lương đang tạm dừng thi công, chủ đầu tư để đất trống khiến người dân địa phương bức xúc do thấy đất bị thu hồi mà dự án không được triển khai.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Vũ Hồng cho biết tỉnh đã đề nghị thu hồi dự án trên từ lâu rồi. Vì thế, UBND tỉnh Kiên Giang không có ý kiến gì thêm. Thẩm quyền quyết định hiện thuộc Bộ Công Thương và Chính phủ.
GIANG SƠN
Người lao động