Mark Zuckerberg loay hoay trong đế chế cô độc: Vướng vào 8 vụ kiện cùng lúc, nhân sự kỳ cựu vội dứt áo ra đi vì lo sợ “vết đen” trong hồ sơ xin việc
Nhiều chuyên gia nhận định đây chính là một tuần vô cùng khó khăn đối với Meta khi phía tập đoàn này liên tục bủa vây trong những lá đơn: kiện tụng có, từ chức có.
- 10-06-2022Chưa làm tài khoản định danh điện tử thì có bị phạt hay không?
- 10-06-2022Dùng điện toán đám mây, một nhân viên Google Cloud tính toán được 100.000 tỷ chữ số đầu tiên của số Pi
- 10-06-2022Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có nhiều người sở hữu NFT nhất thế giới
Tờ Bloomberg mới đây đưa tin, Meta, gã khổng lồ đi đầu trong xu hướng truyền thông xã hội, vừa bị đâm đơn kiện với cáo buộc âm thầm xây dựng các thuật toán khiến nhiều người dùng trẻ tuổi tự làm hại bản thân, mắc chứng rối loạn ăn uống và mất ngủ nếu tiếp xúc quá lâu với các nền tảng, bao gồm Facebook và Instagram. Tám đơn kiện riêng biệt đã được gửi lên tòa án trên khắp các tiểu bang nước Mỹ, bao gồm Colorado, Delaware, Florida, Georgia, Illinois, Missouri, Tennessee và Texas, vì cho rằng Facebook và Instagram đang cố tình tạo những tính năng gây nghiện và thu lợi bất chính.
"Những ứng dụng này có thể được thiết kế để giảm thiểu tác động tiêu cực có thể xảy ra, nhưng thay vào đó, một chính sách đã được đưa ra và gián tiếp khiến các thanh thiếu niên chịu ảnh hưởng về tâm lý", luật sư Andy Birchfield thuộc công ty luật Beasley Allen nói.
BỦA VÂY BỞI KIỆN TỤNG
Vụ kiện trên diễn ra ngay sau khi một cựu nhân viên Facebook tuyên bố công ty sẽ không chịu trách nhiệm trước những hành vi người dùng trẻ, qua đó càng tăng thêm sóng gió đối với Meta, tập đoàn công nghệ với CEO là tỷ phú Mark Zuckerberg.
Instagram bị cho là đã gián tiếp khiến các thanh thiếu niên chịu ảnh hưởng về tâm lý
Phát ngôn viên của Meta từ chối bình luận về vụ kiện tụng, song khẳng định tập đoàn đã phát triển nhiều công cụ giúp cha mẹ có thể theo dõi hoạt động của con cái trên Instagram và đặt các mốc thời gian giới hạn. Bên cạnh đó, Meta cũng đang nỗ lực tạo ra các thuật toán giúp các nội dung nhạy cảm khó bị tìm ra, đồng thời đẩy mạnh việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo để đảm bảo trẻ em dưới 13 tuổi không thể đăng ký Facebook hoặc Instagram.
Trước đó, một người phụ nữ tên Naomi Charles, 22 tuổi, cũng đã đệ đơn kiện Facebook. Cô cho biết mình sử dụng Facebook từ khi còn nhỏ và chính điều này khiến tâm lý bị ảnh hưởng nghiêm trọng. "Meta đã đưa ra thông tin sai lệch về độ an toàn, tiện ích và tính chất không gây nghiện của các ứng dụng", lá đơn được gửi lên tòa án liên bang Miami nêu rõ.
Charles chỉ là một trong số rất nhiều những người dùng thanh thiếu niên mong muốn được bù đắp phần nào cho những nỗi đau về tinh thần, chi phí điều trị tâm lý và hóa đơn y tế.
Hôm 6/6, bố mẹ cô bé Alexis Spence 11 tuổi cũng đệ đơn lên tòa án quận Bắc California với cáo buộc công ty khiến Alexis nghiện Instagram, rối loạn ăn uống và thậm chí ngược đãi bản thân. Trong khi đó, theo quy định của Instagram, nền tảng chỉ chấp nhận người dùng từ 13 tuổi trở lên.
Mark Zuckerberg loay hoay trong đế chế cô độc: Vướng vào 8 vụ kiện cùng lúc, nhân sự kỳ cựu vội dứt áo ra đi vì lo sợ "vết đen" trong hồ sơ xin việc
Theo NBC News, lá đơn nhà Alexis là trường hợp đầu tiên được công bố, tương ứng với những ảnh hưởng tiêu cực của Instagram được đề cập trong Hồ sơ Facebook - trang tài liệu nội bộ bị rò rỉ từ cựu nhân viên Frances Haugen. Hồ sơ này cáo buộc Meta cố tình quảng bá các sản phẩm gây hại cho trẻ em và thanh thiếu niên nhằm mục đích kiếm lợi nhuận.
"Hồ sơ cho thấy các cô gái trẻ đã bị tiếp cận với các nội dung sai lệch về chế độ ăn uống và thường xuyên có xu hướng rối loạn lo âu. Nguyên nhân là bởi họ đang sử dụng ứng dụng ngày một nhiều", Frances Haugen chia sẻ.
"Nhìn vào các cuộc khảo sát, có thể thấy rõ Meta nhận thức được tác động của mình tới trẻ em, song họ vẫn không dừng lại. Tôi ước trường hợp của Alexis chỉ là một phút bộc phát nhưng không phải vậy", Matthew P. Bergman thuộc hãng luật Social Media Victims Law Center cho biết.
NHÂN TÀI DỨT ÁO RA ĐI
Nhiều chuyên gia nhận định đây chính là một tuần vô cùng khó khăn đối với Meta khi phía tập đoàn này liên tục bủa vây trong những lá đơn: kiện tụng có, từ chức có. Mất mát lớn nhất có lẽ là sự ra đi của COO Sandberg sau 14 năm gắn bó.
Cựu COO Meta, bà Sandberg
Dù khẳng định động lực nghỉ việc đến từ mong muốn tập trung nhiều hơn cho gia đình và các hoạt động từ thiện, song bà Sandberg vẫn khiến nhiều người đặt ra câu hỏi về nguồn cơn thực sự của quyết định này. Cũng bởi bà ra đi vào đúng thời điểm nhạy cảm nhất của Meta.
"Sheryl đóng vai trò quan trọng tại cả 2 tập đoàn lớn và thành công nhất lịch sử", Colin Sebastian, chuyên gia phân tích tại Robert W. Baird & Co nhận xét. "Theo quan điểm của chúng tôi, di sản mà bà ấy để lại cho Meta chính là những mô hình kinh doanh khổng lồ trong nền kinh tế kỹ thuật số".
Sau COO Sandberg và Giám đốc phụ trách AI Jerome Pesenti, David Mortenson là lãnh đạo cấp cao thứ 3 rời Meta chỉ trong vòng hơn 1 tuần. Theo xác nhận của tập đoàn, David Mortenson, người đứng đầu bộ phận kỹ thuật và cơ sở hạ tầng, đã từ chức với lý do "nghỉ ngơi lấy lại năng lượng". Thay thế vị trí của ông là Santosh Janardhan, một thành viên lâu năm khác thuộc ban lãnh đạo công ty.
"Hơn 10 năm qua, David và nhóm của ông ấy đã có nhiều đóng góp trong việc mở rộng quy mô cơ sở hạ tầng Meta, giúp mọi người kết nối, tìm kiếm cộng đồng và phát triển doanh nghiệp", đại diện Meta chia sẻ với tờ Business Insider.
Mark Zuckerberg từ lâu đã vướng vào rất nhiều các vụ kiện tụng
Theo Business Insider, Meta đang chật vật trong việc giữ chân nhân viên, đặc biệt là những lãnh đạo cấp cao. Thậm chí, một số người còn lo ngại quá trình làm việc tại Facebook có thể là "vết đen" trong hồ sơ xin việc của họ.
Dẫu vậy, hồi tháng 4, ông chủ Facebook lại thừa nhận rằng việc ngày càng nhiều nhân sự rời bỏ công ty chưa hẳn đã là điều xấu.
"Tôi không nghĩ việc các nhân viên rời đi cho thấy tương lai kém ổn định của Meta. Đây là điều chúng tôi luôn phải đối mặt và bắt buộc phải trải qua để tìm ra những người xứng đáng nhất", Mark Zuckerberg chia sẻ trong buổi công bố kết quả kinh doanh quý I/2022 của Meta.
Ngoài ra, cũng theo người đứng đầu Meta, việc đào thải nhân viên giúp công ty xác định được những nhân sự phù hợp, nhất là khi Meta đang trong quá trình chuyển giao sang một lĩnh vực hoàn toàn mới: vũ trụ ảo.
"Trong suốt thời gian đại dịch, nhiều người không muốn đảm nhận công việc mới. Họ không quan tâm đến những gì Meta đang làm", Mark Zuckerberg nói. "Meta muốn định hướng mình trở thành một công ty tương tác xã hội và metaverse, do vậy, nhân sự làm việc tại đây cũng cần có mục tiêu tương tự".
Hiện Meta có khoảng 78.000 nhân viên trên toàn cầu
Hiện Meta có khoảng 78.000 nhân viên trên toàn cầu, tăng 28% so với năm ngoái. Công ty đang lên kế hoạch bổ sung hàng nghìn nhân sự mới trong thời gian tới thông qua một số kênh tuyển dụng.
"Số lượng nhân viên Meta có thể giảm một chút ở khoảng thời gian nào đó, nhưng tôi nghĩ chúng tôi vẫn rất ổn", Mark Zuckerberg nói thêm.
Theo: Bloomberg, BI
Nhịp sống kinh tế