Masan Consumer thưởng cổ phiếu 15%, cho công ty mẹ vay 7.800 tỷ lãi suất 6,5%/năm
Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy Masan Consumer đang cho một bên liên quan vay 7.833 tỷ không có bảo đảm và hưởng lãi suất 6,5%, khoản vay này đáo hạn vào ngày 31/12/2022. Bên liên quan này là công ty mẹ TNHH MTV MasanConsumer Holdings.
Thưởng cổ phiếu 15%
Hội đồng quản trị CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer - MCH) thông qua việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (thưởng cổ phiếu) theo tỷ lệ 15 (cổ đông sở hữu 100 cổ phần sẽ được thưởng 15 cổ phần tại ngày chốt danh sách cổ đông).Số lượng cổ phần phát hành dự kiến là 91.946.767 cổ phần.
Thời điểm phát hành dự kiến tháng 8-9 năm 2019 sau khi được UBCK chấp thuận.
Masan Consumer vừa hoàn tất phát hành 3.049.325 cổ phiếu ESOP cho 582 cán bộ công nhân viên, nhằm tạo động lực để người lao động hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hiện vốn điều lệ của MCH tăng lên 6.309,78 tỷ đồng.
Lợi nhuận tăng 9%, tăng trưởng doanh thu nhờ đóng góp của ngành đồ uống và thịt chế biến
Quý 2/2019, Masan Consumer đạt 4.265 tỷ đồng doanh thu, tăng 9,3% cùng kỳ năm trước, lũy kế 6 tháng đạt hơn 8.090 tỷ đồng tăng 8,9%.
Trong cơ cấu doanh thu của Masan, ngành gia vị vẫn đóng góp nhiều nhất với 40%, tiếp theo là mì ăn liền (25%), đồ uống (20%) và các sản phẩm khác như café, bia và thịt chế biến. Ngành đồ uống tăng trưởng 26% trong nửa đầu năm 2019 và đang đi đúng hướng để thực hiện các mục tiêu 2019. Trong đó nước tăng lực tăng trưởng 28,6% nhờ mạng lưới phân phối được mở rộng và sản phẩm mới nước tăng lực Compact hương Cherry thành công ngoài mong đợi. Mì ăn liền tăng trưởng 7% và dự kiến sẽ tăng trưởng hai chữ số trong nửa cuối 2019. Ngành gia vị tăng trưởng doanh thu 3% chậm hơn dự kiến. Phân khúc nước mắm cao cấp đang phát triển đúng hướng, sản phẩm hạt nêm đóng góp mạnh mẽ vào chỉ số tăng trưởng nhưng cần thời gian đánh giá.
Với mảng thịt chế biến, tăng trưởng doanh thu đạt 80,8% trong quý 2/2019 và 68,2% ở nửa đầu năm. Quan hệ đối tác với Jinju bắt đầu có kết quả với những sản phẩm đột phá và đang trên đà tăng trưởng gấp đôi.
Ngành bia hoạt động dưới kỳ vọng của công ty, doanh thu thuần giảm 7%.
Ngành café có doanh thu giảm 4,8% cùng kỳ năm trước.
Tốc độ tăng trưởng doanh thu các ngành hàng
Biên lợi nhuận gộp trong kỳ năm 2019 giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước, đạt 39,3% trong quý 2 và 40,5% trong 6 tháng.
Kết quả kinh doanh của Masan Consumer
Chi phí tài chính tăng đáng kể, đạt 55 tỷ trong quý 2 (tăng 31,9%) và 113,8 tỷ trong 6 tháng (tăng 31% cùng kỳ năm trước).
Do đó, lợi nhuận trước thuế quý 2 đạt 843 tỷ, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước, lũy kế 6 tháng đạt gần 1.749 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, lợi nhuận sau thuế quý 2/2019 của Masan Consumer vẫn tăng 9,4% cùng kỳ năm trước, đạt 809 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng đạt gần 1.610 tỷ đồng, tăng 4,6%.
Lãi ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 801,5 tỷ đồng trong quý 2 và 1.595 tỷ đồng trong 6 tháng.
Masan Consumer tại thời điểm 30/6 tổng tài sản đạt 18.471 tỷ đồng, tăng hơn 1.400 tỷ so với đầu năm. Trong đó tiền và tương đương tiền đạt gần 2.270 tỷ. Các khoản nợ đa phần là vay ngắn hạn với hơn 3.500 tỷ trong khi nợ dài hạn khoảng 82,6 tỷ.
Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy Masan Consumer đang cho một bên liên quan vay 7.833 tỷ không có bảo đảm và hưởng lãi suất 6,5%, khoản vay này đáo hạn vào ngày 31/12/2022. Bên liên quan này là công ty mẹ TNHH MTV MasanConsumer Holdings.
Tập đoàn có 3 công ty con sở hữu trực tiếp là công ty TNHH MTV Thực phẩm Masan, công ty TNHH MTV Masan Beverage và Masan Consumer (thailand). Ngoài ra Masan Consumer có 14 công ty con sở hữu gián tiếp như Vinacafe Biên Hòa (VCF), nước khoáng Vĩnh Hảo, nước khoảng Quảng Ninh, Café Ne Nam,…1 công ty liên kết là Cholimex (sở hữu 32,8%).
Trí Thức Trẻ