Masan huy động thêm 1.500 tỷ đồng trái phiếu, có 14.000 tỷ sẽ đáo hạn trong 1 năm tới
Masan huy động thành công 2 lô trái phiếu trị giá 1.500 tỷ đồng trước khi lô trái phiếu có giá trị tương đương đáo hạn vào ngày 25/9/2022 vừa qua.
- 26-09-2022Gỗ Trường Thành (TTF) bị xử phạt vì công bố thông tin sai lệch số liệu báo cáo tài chính
- 25-09-2022Louis Capital muốn hủy kế hoạch phát hành cổ phiếu, giảm một nửa kế hoạch doanh thu, bầu bổ sung lãnh đạo mới
- 24-09-2022Lãi suất tăng, thời kỳ tiền rẻ chấm dứt, những doanh nghiệp nào tăng mạnh rủi ro?
Ngày 22/9/2022, CTCP Tập đoàn Masan (Mã CK: MSN) vừa công bố thông tin về việc huy động thành công 2 lô trái phiếu trị giá 1.500 tỷ đồng.
Theo thông tin được công bố, hai lô trái phiếu vừa được Masan phát hành có mã MSNH2227003 và MSNH2227004 với giá trị lần lượt là 700 tỷ và 800 tỷ đồng.
Hai lô trái phiếu này đều có kỳ hạn 60 tháng, được phát hành và hoàn tất vào cùng một ngày (ngày 21/9/2022) với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, đáo hạn vào ngày 21/9/2027.
Theo thông tin được trước đó, Masan đã công bố nghị quyết thay đổi phương án phát hành riêng lẻ 2 lô trái phiếu doanh nghiệp tổng trị giá 1.500 tỷ đồng cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Lãi suất 2 kỳ tính lãi đầu tiên cố định 9,5%/năm. Lãi suất đối với các kỳ tính lãi còn lại là lãi suất thả nổi bằng tổng của 3,975%/năm và lãi suất tham chiếu (trung bình cộng của lãi suất tiền gửi áp dụng đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm các nhân bằng VND kỳ hạn 12 tháng do Vietinbank, Vietcombank, Agribank và BIDV công bố vào ngày xác định lãi suất có liên quan.
Mục tiêu ban đầu của Masan là dùng số tiền thu được để thanh toán khoản gốc đáo hạn của trái phiếu MSNPO2022_01 được phát hành ngày 26/9/2019. Sau điều chỉnh, số tiền này sẽ được dùng để thanh toán gốc của trái phiếu BondMSN012023 phát hành vào ngày 9/3/2020 và đáo hạn ngày 9/3/2023. Thời gian dự kiến sử dụng vốn là quý I/2023.
Đáng chú ý, đợt huy động này của Masan diễn ra chỉ vài hôm ngay trước thềm lô trái phiếu phát hành trước đó đáo hạn. Cụ thể, lô trái phiếu trị giá 1.500 tỷ đồng, được Masan phát hành ngày 26/9/2019 với kỳ hạn 3 năm đã đáo hạn vào ngày 25/9/2022 vừa qua.
Hồi năm 2020, tập đoàn này cũng đã phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu trong nước qua 4 đợt. Tất cả đều có kỳ hạn 3 năm, đáo hạn vào năm 2023.
Vào tháng 1/2021, Masan Group tiếp tục thực hiện chào bán ra công chúng thêm 4.000 tỷ đồng trái phiếu nữa.
Tính đến thời điểm hiện tại, dư nợ trái phiếu của riêng công ty mẹ Masan Group là 19.500 tỷ đồng. Trong số này có 14.000 tỷ đồng đáo hạn vào tháng 3-8/2023, tức trong vòng 1 năm tới và 4.000 tỷ đáo hạn vào tháng 1/2024.
Các công ty con của Masan cũng có dư nợ trái phiếu với tổng giá trị lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo đang lưu hành 6.300 tỷ đồng, WinCommerce lưu hành 4.500 tỷ đồng, Masan Hightech Materials đạt giá trị 3.000 tỷ đồng, Masan Consumer Holdings là 2.100 tỷ đồng...
Về kết quả kinh doanh, 6 tháng đầu năm 2022, Masan đạt doanh thu thuần hợp nhất 36.023 tỷ đồng, giảm 12,5% so với mức 41.196 tỷ đồng ở cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 3.110 tỷ đồng, tăng trưởng 122,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi ròng đạt 2.577 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022.
Kế hoạch năm 2022 của Masan là đạt tổng doanh thu 90.000 - 10.0000 tỷ đồng, tăng 1,5% - 12,8% so với thực hiện 2021. Lợi nhuận sau thuế dự kiến là 6.900 - 8.500 tỷ đồng, giảm từ 15,8% - 31,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tập đoàn cũng lên phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi ra thị trường quốc tế và phương án phát hành cổ phiếu để chuyển đổi trái phiếu và tăng vốn điều lệ. Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2022 và/hoặc 2023. Mệnh giá trái phiếu dự kiến 100.000 USD và là bội số của 1.000 USD hoặc mệnh giá khác được phù hợp với thông lệ thị trường. Số lượng trái phiếu dự kiến phát hành tối đa 500 triệu USD.
Nhịp sống thị trường