Masan MEATLife tái cấu trúc để tạo đà tăng trưởng từng mảng kinh doanh cốt lõi
Ngày 10/09/2021, Công ty Masan MEATLife (thành viên của Tập đoàn Masan, sở hữu thương hiệu thịt sạch MEATDeli) đã gửi tờ trình xin ý kiến HĐQT về việc tổ chức lại bộ phận kinh doanh mảng thức ăn chăn nuôi của công ty này. Đây chính là một phần trong kế hoạch tái cấu trúc của "ông lớn" ngành thịt này trong giai đoạn mới.
Tái cấu trúc để vận hành hiệu quả hơn
Masan MEATLife (MML) vốn được biết đến là công ty vận hành nền tảng 3F từ trang trại đến bàn ăn và đầu ra là sản phẩm đã khá quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam - thịt sạch MEATDeli. Công ty này cùng lúc điều hành hoạt động cả 3 mảng kinh doanh Feed-Farm-Food.
Mảng Feed hiện hoạt động với 13 nhà máy thức ăn chăn nuôi, trong đó 6 nhà máy thuộc Proconco, 5 nhà máy nhận chuyển giao từ ANCO và 2 nhà máy thuộc ANCO với tổng công suất lên đến 3,78 triệu tấn thức ăn. Các nhà máy sản xuất từ thức ăn gia súc (heo, bò), gia cầm (gà, vịt, chim cút) đến thủy sản (cá, tôm). Các sản phẩm được bán qua hệ thống hơn 2.000 đại lý trên cả nước.
Ở mảng Farm và Food, MML sở hữu 2 trang trại chăn nuôi heo hiện đại tại Nghệ An, 2 nhà máy chế biến thịt sạch tại Hà Nam và Long An. Tại Việt Nam, MML là công ty tiên phong trong việc giới thiệu ra thị trường sản phẩm thịt có thương hiệu mang tên MEATDeli. Sau một thời gian vận hành hiệu quả mô hình này, đến nay, để phù hợp với giai đoạn phát triển bứt phá, mảng thức ăn chăn nuôi sẽ được tái cơ cấu. Theo đó, tại PROCONCO hệ thống phân phối sẽ chuyển về các nhà máy, bao gồm nhân viên kinh doanh và các nhân sự hỗ trợ khác. Các đại lý, nhà phân phối sẽ ký kết hợp đồng trực tiếp với các nhà máy.
Theo lãnh đạo Công ty, sự thay đổi này không nằm ngoài chiến lược chung của Tập đoàn Masan đã từng công bố tại Đại hội Đồng cổ đông tháng 4 vừa qua. Khẳng định việc Masan sẵn hợp tác với đối tác chiến lược giàu tiềm lực và kinh nghiệm để phát huy tối đa thế mạnh, hiện thực hóa chiến lược Point of Life phục vụ nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng.
Các mảng kinh doanh sẽ có tính chủ động, độc lập hơn và vẫn là các thành tố trong "Chuỗi cung ứng tích hợp" Feed – Farm – Food của MML. Việc tái cơ cấu nội bộ này không làm thay đổi các điều kiện thương mại đã ký kết với các đại lý, nhà phân phối và không ảnh hưởng đến quyền lợi của nhân viên, quyền lợi của các đối tác, cổ đông.
Chuỗi kinh doanh 3F vẫn tiếp tục được chọn là chiến lược của MML. "Xây dựng nền tảng 3F đẳng cấp thế giới để phụng sự người tiêu dùng Việt Nam" là chiến lược mà MML tiếp tục theo đuổi để tạo giá trị gia tăng cho cổ đông, khách hàng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Tiềm năng của các mảng kinh doanh Feed-Farm-Food
Theo Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp đã tăng trưởng mạnh, khoảng 15%/năm trong 10 năm và dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng với mức 7 – 8% /năm trong vòng 5 năm tới. Hiện nay thức ăn chăn nuôi công nghiệp chiếm khoảng 50 – 60% thị trường thức ăn chăn nuôi và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong tương lai.
Năm 2020, tỷ trọng đóng góp về doanh thu của hai mảng kinh doanh chính của MML là thức ăn chăn nuôi ở mức 85%. Mặc dù 2 mảng kinh doanh trang trại và thịt có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhưng thức ăn chăn nuôi vẫn là trụ cột doanh thu. Luỹ kế 6 tháng, Masan MEATLife đạt 10.232 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 42% so cùng kỳ, tăng trưởng chủ yếu nhờ ngành thức ăn chăn nuôi tăng trưởng 1.377 tỷ đồng.
Ở mảng Farm, tập trung vào hoạt động trang trại nuôi heo, MNS Farm đã phát triển và tiếp tục vận hành trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao tại Nghệ An với công suất nuôi từ 230.000 đến 250.000 con heo thịt/năm. Trang trại này giúp MML chủ động được nguồn heo thịt có nguồn gốc rõ ràng, an toàn với giá cả hợp lý cho người tiêu dùng.
Mảng ghép cuối cùng của 3F là Food tập trung vào hoạt động chế biến thịt. Theo ước tính của Masan MEATLife, tổng lượng tiêu thụ thịt heo của Việt Nam lên tới 10,2 tỷ USD mỗi năm, trong đó tỷ lệ thịt tươi chiếm 98%. Tuy nhiên thị trường còn phân mảnh, rời rạc, không nhiều các loại thịt có thương hiệu.
Đánh giá được dư địa và tiềm năng của thị trường, vào tháng 12/2018, tháng 10/2020, Masan MEATLife đã đưa vào vận hành lần lượt 2 tổ hợp chế biến thịt tại Hà Nam và Long An có vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng. Công suất chế biến khoảng 1,4 triệu con heo/năm, tương đương 140.000 tấn/năm bằng việc sử dụng công nghệ thịt mát Châu Âu. Được biết, đến cuối tháng 6/2021, thương hiệu MEATDeli đã có mặt tại hơn 2.700 điểm bán, hiện diện tại hơn 2.300 cửa hàng thuộc hệ thống VinCommerce.
Food là mảnh ghép quan trọng cuối cùng để MML nhanh chóng chuyển đổi từ công ty sản xuất sản phẩm nông nghiệp trở thành công ty hàng tiêu dùng FMCG. Tỷ trọng doanh thu đóng góp từ mảng kinh doanh thịt và trại tăng từ 3% trong năm 2019 lên 15% trong năm 2020 với mức tăng trưởng doanh thu 465%. Tương tự, trong 6 tháng đầu năm 2021, tỷ trọng mảng thịt và trang trại trong cơ cấu doanh thu tiếp tục tăng lên mức 18%. Trong khi đó, mảng kinh doanh thịt mang lại biên lợi nhuận gộp trên 24%.
MML hướng đến mục tiêu đưa mảng kinh doanh thịt có lãi ròng vào cuối năm nay khi tổ hợp chế biến thịt đạt từ 25% - 30% công suất sử dụng vào quý 4/2021, so với công suất sử dụng hiện tại là gần 11%. MML kỳ vọng đến năm 2022 có thể đạt doanh thu 2 tỷ USD tại thị trường Việt Nam với đóng góp 50% từ các sản phẩm thịt có thương hiệu và đạt được 15% thị phần giá trị của thị trường thịt. Đồng thời đến năm 2022, công ty kỳ vọng hệ thống phân phối của mình sẽ có hơn 300 cửa hàng MEATDeli, hơn 4.400 đại lý và 500 cửa hàng trong cửa hàng trên toàn quốc.