MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Masan Resources tìm kiếm đối chiến lược tác sở hữu 20-49% cổ phần sau thương vụ mua lại nền tảng vonfram của H.C. Starck

Ban lãnh đạo Masan Group (MSN) đặt mục tiêu đối tác chiến lược trong tương lai sẽ sở hữu từ 20-49% của Masan Resources (MSR) bằng cách mua lại cổ phiếu sơ cấp hoặc cả cổ phiếu sơ cấp lẫn thứ cấp.

Trong động thái mới đây, Vonfram Masan - công ty con do CTCP Tài nguyên Masan (Masan Resources, MSR) sở hữu 100% vốn - đã ký hợp đồng mua lại nền tảng kinh doanh vonfram của H.C. Starck GmbH (HSC). Mặc dù giao dịch này đang phụ thuộc vào phê duyệt của các cơ quan quản lý (bao gồm phê duyệt của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Việt Nam), đây vẫn là điểm sáng cho mảng khoáng sản của Tập đoàn Masan (Masan Group, MSN).

Thông qua giao dịch, MSR kỳ vọng tạo ra dòng tiền ổn định qua các chu kỳ thị trường, đồng thời mở rộng quy mô thị trường đầu ra lên 3,5 lần, từ 1,3 tỷ USD lên 4,6 tỷ USD.

Ghi nhận sau buổi gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho biết việc mua lại nền tảng tungsten (vonfram) của H.C. Starck là bước tiếp theo trong mục tiêu tìm kiếm đối tác chiến lược ở phân khúc hạ nguồn (downstream).

Bên cạnh việc tăng chiều sâu chuỗi giá trị tungsten, qua đó mở rộng quy mô thị trường cũng như giúp biên lợi nhuận ổn định hơn, khoản đầu tư này còn có thể giúp MSR tìm kiếm đối tác chiến lược (các công ty trong phân khúc downstream của tungsten) dễ dàng hơn.

Từ đó, thông qua tìm kiếm đối tác chiến lược, Masan kỳ vọng sẽ bơm vốn vào MSR thông qua cổ phiếu sơ cấp của MSR, mục tiêu giảm đòn bẩy tài chính tại MSR cũng như giảm sở hữu của Tập đoàn tại MSR. Ban lãnh đạo đặt mục tiêu đối tác chiến lược trong tương lai sẽ sở hữu từ 20-49% của MSR bằng cách mua lại cổ phiếu sơ cấp hoặc cả cổ phiếu sơ cấp lẫn thứ cấp.

Liên quan đến vốn cho giao dịch, giá mua lại có EV/EBITDA tương ứng ở mức một chữ số đối với mảng tungsten của HCS, đại diện MSR dự kiến số tiền thực chi cho khoản đầu tư này sẽ không đáng kể.

Hiện, vì lý do bảo mật, ban lãnh đạo không chia sẻ tác động tài chính của việc hợp nhất mảng tungsten của HCS lên Công ty.

Ngoài ra, MSR cũng dự kiến sẽ thanh lý toàn bộ hàng tồn kho đồng trong quý 4/2019 và quý 1/2020; Công ty đang trong quá trình thành lập liên doanh chế biến sâu các sản phẩm đồng phục vụ thị trường trong nước.

Ban lãnh đạo cũng nhận thấy việc bán hàng tungsten có một số tín hiệu cải thiện và dự kiến tồn kho tungsten sẽ giảm trong tương lai.

Tính chung cả Tập đoàn, Masan dự kiến cho năm 2019, LNST sau lợi ích cổ đông thiểu số cốt lõi sẽ đạt 4.000 – 4.400 tỷ đồng, thấp hơn so với mục tiêu ban đầu (5.000 – 5.500 tỷ đồng); lý do chính của việc điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận này là việc giá tungsten đã giảm mạnh ngoài dự kiến kể từ đầu năm.

Masan Resources tìm kiếm đối chiến lược tác sở hữu 20-49% cổ phần sau thương vụ mua lại nền tảng vonfram của H.C. Starck - Ảnh 1.

Túc Mạch

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên