MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mất 4 thập kỷ để xây dựng, đây là cách hàng rào ngăn lũ "tai tiếng" cứu Venice – thành phố tình yêu - khỏi ngập lụt

30-12-2021 - 18:10 PM | Tài chính quốc tế

Mất 4 thập kỷ để xây dựng, đây là cách hàng rào ngăn lũ "tai tiếng" cứu Venice – thành phố tình yêu - khỏi ngập lụt

Được lên kế hoạch từ năm 1984, sự cố và việc liên tục chậm tiến độ khiến những người lạc quan nhất cũng không thể tin rằng MOSE, hệ thống hàng rào ngăn lũ khủng, có thể cứu được Venice khỏi những trận lụt vốn đang ngày càng xảy ra thường xuyên hơn.

Nằm giữa biển Adriatic và đầm phá Venice, hòn đảo nhân tạo này chính là bối cảnh cho hang ổ của nhân vật phản diện trong bộ phim Điệp viên 007. Tuy nhiên, ở ngoài đời, hòn đảo rộng 144.000 m2 này chính là cứu cánh quan trọng cho thành phố Venice, Italy. Hòn đảo vô danh chính là nơi đặt trái tim của MOSE, hệ thống hàng rào ngăn lũ ra đời nhằm bảo vệ thành phố khỏi tình trạng nước biển dâng.

Được lên kế hoạch xây dựng từ năm 1984, MOSE đã liên tục chậm tiến độ và gặp sự cố. Thậm chí, một thị trường thành phố còn phải hầu tòa vì biển thủ công quỹ từ dự án. Hàng loạt những điều đó khiến không ít người dân Venice tin rằng nó sẽ không bao giờ hoạt động.

Tuy nhiên, nỗi sợ của họ đã được chứng minh là vô căn cứ. Ngày 3/10/2020, Venice đứng trước một đợt triều cường đặc biệt cao với mực nước cao hơn 135 cm so với thông thường. Nếu như trước đây, Venice sẽ bị nhấn chìm nhưng lần này, thành phố khô ráo. Đây là lần đầu tiên MOSE được nâng lên để đối phó với tình trạng thời tiết bất lợi. Khoảnh khắc đó được người dân Venice mô tả như việc Neil Armstrong đặt chân lên mặt trăng.

Mất 4 thập kỷ để xây dựng, đây là cách hàng rào ngăn lũ tai tiếng cứu Venice – thành phố tình yêu - khỏi ngập lụt - Ảnh 1.

Trong 14 tháng sau, MOSE đã được nâng lên 33 lần, với 13 lần trong năm 2020 và 20 lần trong năm 2021. Những người nghi ngờ công trình này chắc chắn nhận thấy họ đã sai. Nó chưa một lần thất bại trong việc bảo vệ thành phố kể từ khi được đưa vào hoạt động.

Nhìn từ xa, MOSE nổi bật với bức tường mỏng manh màu vàng, nhô lên khỏi mặt biển. Tuy nhiên, khi tới gần, bạn sẽ thấy đôi mắt đánh lừa mình như thế nào. Với 78 tấm thép ngăn nước dài 20 tới 30m và rộng 20m, chúng thực sự là bức tường thành không thể quật ngã ngăn dòng nước tấn công thành phố. Khi hạ xuống, chúng nằm xưới những chiếc rương bê tông rộng 40m, dài 50m và cao 10m dưới đáy biển.

Tại trung tâm điều khiển, hệ thống thiết bị theo dõi toàn cảnh hoạt động cũng như liên tiếp cung cấp thông tin về thời tiết và mực nước thủy triều. Ngay khi phát hiện điều kiện bất thường, hệ thống này sẽ được kích hoạt. Nó sẽ được hạ xuống khi mức nước ở bên trong và bên ngoài cánh cổng ngang bằng nhau.

Trong những ngày thời tiết tốt, quản lý hệ thống này là nhóm chưa tới 10 người. Tuy nhiên, khi thủy triều dâng cao, toàn bộ đội ngũ 100 người của MOSE đều có mặt trong phòng điều khiển, trong các đường hầm ngầm và tất cả những vị trí quan trọng khác. Thậm chí, còn có chỗ để công nhân ngủ giữa những ca làm việc.

Theo CNN, sau nhiều thập kỷ tranh cãi, MOSE chính thức được bắt đầu xây dựng vào năm 2009 và tấm chắn cuối cùng được lắp đặt tháng 6/2019. Người ta đã phải nạo vét khối lượng bùn đất khổng lồ dưới đáy nước để nhường chỗ cho các hộp bê tông, nơi đặt các cánh cửa ngăn lũ. Chúng được đúc sẵn trên đất liền trước khi được kéo tới và đánh chìm xuống vị trí cần thiết.

Mất 4 thập kỷ để xây dựng, đây là cách hàng rào ngăn lũ tai tiếng cứu Venice – thành phố tình yêu - khỏi ngập lụt - Ảnh 2.

Những tấm chắn này sẽ được xử lý 3 tháng một lần bằng chất chống ăn mòn – loại không độc hại để bảo tồn hệ sinh thái đầm phá. Các tấm chắn này có chiều rộng không đổi là 20m nhưng chiều cao từ 20-30m tùy thuộc vào độ sâu của nước. Chúng có thể ngăn chặn những con sóng cao hơn 3m so với thủy triều bình thường, cao hơn rất nhiều so với đợt thủy triều kỷ lục 194cm tàn phá thành phố năm 1966.

Dù khổng lồ nhưng chúng hoạt động dựa theo nguyên lý thủy lực đơn giản tới đáng kinh ngạc. Nằm im lìm dưới đáy biển, người ta sẽ bơm nước vào để chúng chìm xuống. Để nâng chúng lên, người ta bơm không khí vào để đẩy nước ra ngoài. Khi nổi lên mặt nước, chúng tạo thành một rào cản bất khả xâm phạm.

Khi thủy triều rút xuống, chúng lại được bơm nước trở lại dể chìm xuống. Quá trình nhấn chìm hiện chỉ kéo dài trong khoảng 45 phút so với 91 phút của năm ngoái.

Tuy quá trình này nghe có vẻ đơn giản nhưng chúng đã được mài rũa với độ chính xác cao. Khoảng cách giữa mỗi tấm chắn là 7,62 cm để chúng giảm thiểu áp lực của thủy triều. Cũng vì lí do tương tự, người ta sẽ chỉ nâng 4-5 tấm chắn cùng lúc thay vì nâng tất cả cùng một thời điểm. Mỗi tấm chắn cũng có thể hoạt động độc lập với nhau với mục đích ngăn hoặc làm chậm dòng chảy hay chỉ đơn giản là cho phép một số con tàu lớn đi qua.

Mất 4 thập kỷ để xây dựng, đây là cách hàng rào ngăn lũ tai tiếng cứu Venice – thành phố tình yêu - khỏi ngập lụt - Ảnh 3.

Ngoài ra, những cảm biến cho phép người ta biết trước về những đợt thủy triều trong 48 giờ. Cảnh báo muộn nhất cũng sẽ được đưa ra trước 3 giờ khi con nước ập tới. Tất cả mọi người đều sẽ nhận được cảnh báo nhằm sắp xếp công việc nhằm không bị cản trở khi các tấm chắn dâng lên.

Trong khi đó, nếu một con tàu không thể kịp vào nơi an toàn khi gặp thời tiết xấu, người ta có thể lựa chọn để mở một số tấm chắn cho tàu vào trước khi đóng kín tất cả.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng phải dự báo tới sức gió và các điều kiện khác, vốn có thể khiến những đợt thủy triều dâng cao hơn so với bình thường. Sự kiện ngày 8/12/2021 là một ví dụ. Tuy nhiên, đó là lỗi của những người điều hành và họ đang nỗ lực tự động hóa nhiều hơn nữa để ngăn chặn những điều ấy sẽ lặp lại.

Khi MOSE hoạt động hoàn toàn vào năm 2023, rào cản này sẽ nâng lên khi mực nước cao hơn 110 cm so với thông thường. Điều đó không giúp ích cho khu vực thấp nhất của thành phố nhưng đủ bảo vệ 86% Venice, bao gồm hầu hết các khu dân cư. Các thử nghiệm vẫn tiếp tục diễn ra để nó có thể hoạt động hoàn hảo hơn.

Linh Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên