MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mất 800 triệu đồng/năm để mua giấy xác nhận nguồn gốc thủy sản

11-03-2017 - 09:37 AM | Thị trường

Theo đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), một doanh nghiệp cỡ nhỏ với khoảng 1.200 tờ xác nhận nguồn gốc thủy sản mỗi năm sẽ mất khoảng 800 triệu đồng. Khoản chi phí này đang gây áp lực lớn cho các doanh nghiệp trong ngành.

Trong 3 năm thực hiện Nghị quyết 19, không phủ nhận rằng môi trường kinh doanh của Việt Nam đang dần được cải thiện, nhưng kết quả đạt được hàng năm vẫn chỉ là “một phép cộng đơn giản, tính trên đầu ngón tay”. Thực chất vẫn còn gây nhiều áp lực và khó khăn cho doanh nghiệp.

Là một trong những doanh nghiệp nêu lên khó khăn đó tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 19/2017 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia ngày 10.3, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhận định Nghị quyết 19 là niềm tin với doanh nghiệp, là cơ sở để mạnh dạn kiến nghị các khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt là việc Nghị quyết đã yêu cầu sửa đổi các văn bản liên quan tới công bố hợp chuẩn, hợp quy, trong đó có Thông tư số 28 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Ông Nam đã thẳng thắn chia sẻ những áp lực về chi phí mà doanh nghiệp trong ngành thủy sản đang phải gánh. Đơn cử như việc hiện các doanh nghiệp phải chi tới 700.000 đồng tiền phí cho mỗi tờ giấy xác nhận nguồn gốc thủy sản, trong khi mỗi lô hàng có thể cần nhiều hơn 1 giấy xác nhận.

Theo ông Nam, một doanh nghiệp cỡ nhỏ mỗi năm cũng cần khoảng 1.200 tờ xác nhận, con số này cũng tương ứng với khoản chi phí phải gánh là khoảng 800 triệu đồng. Điều này thực sự khiến doanh nghiệp cảm thấy "ngợp".

Cũng liên quan tới chi phí, ông Nam cho biết cộng đồng doanh nghiệp tán dương mạnh trước việc Chính phủ trong phiên họp thường kỳ tháng 2 đã đề xuất sửa đổi Bộ luật Lao động. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cho rằng cần phải sửa cả Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn. Theo ông Nam, quy định doanh nghiệp phải đóng phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương là mức quá cao.

Ông Trần Việt Huy - CEO Công ty cổ phần vận tải và dịch vụ hàng hải TRA-SAS chỉ ra một trong những vấn đề ảnh hưởng lớn đến môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu là phí cơ sở hạ tầng. Vấn đề này hiện quá bất cập và làm mất lòng tin trong cộng đồng vì liên tục xảy ra tình trạng "phí chồng phí" trong hầu hết các ngành.

Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề, TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng một trong những nguyên nhân cốt lõi gây nên hàng loạt bất cập trong thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh của doanh nghiệp hiện nay là do một bộ phận công chức nói riêng và cơ quan quản lý nhà nước nhìn chung còn thụ động, trì trệ, rất ít chịu đổi mới, sáng tạo.

TS Cung cho rằng dù là một sự thay đổi nhỏ nhưng sẽ mạng lại kết quả vô cùng lớn. Chẳng hạn như việc Bộ Công Thương bãi bỏ Thông tư 37 về kiểm tra hàm lượng formaldehyte trên sản phẩm dệt may, giúp doanh nghiệp tiết kiệm hàng nghìn tỉ đồng và hàng vạn ngày công cho các doanh nghiệp dệt may.

Hay việc bãi bỏ xác nhận khai báo hóa chất giúp tiết kiệm hàng trăm tỉ đồng bởi hàng năm doanh nghiệp phải thực hiện khoảng 55.000 tờ khai báo hóa chất.

Viện trưởng CIEM cũng cho biết còn rất nhiều văn bản được nêu trong Nghị quyết 19 nhưng vẫn chưa bổ sung, sửa đổi theo yêu cầu. Chưa giảm được số lượng hàng hoá phải kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu từ 30% xuống còn 15%. Đây là "món nợ" lớn đối với doanh nghiệp.

Vì nhiều bất cập còn "tồn đọng" hiện nay trong vấn đề cải cách môi trường kinh doanh nên ông Cung cho rằng khoảng cách của Việt Nam so với mục tiêu nằm trong top 4 ASEAN như Nghị quyết 19/2017 đề ra còn khá xa.

Theo Tuyết Nhung

Một thế giới

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên