Mất an toàn khi cho xe bus thường vào làn BRT
Thiết kế cửa lên xuống xe BRT và xe bus ngược nhau nên việc di chuyển làn đón trả khách của xe bus thường sẽ gây ùn tắc giao thông và mất an toàn cho hành khách.
- 12-05-2017Xe bus nhanh BRT đã thực sự hiệu quả?
- 28-04-2017Hà Nội thí điểm phương án cho buýt thường chạy vào đường BRT
- 11-03-2017Tận dụng tuyến BRT và đường sắt trên cao, Aeon Mall chuẩn bị mở trung tâm tại Hà Đông
Thành phố Hà Nội đã có đề xuất cho xe bus thường sử dụng làn đường ưu tiên của xe bus nhanh BRT để di chuyển, vận tải hành khách và dự kiến sẽ bắt đầu thực hiện từ đầu tháng 6/2017. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về đề xuất này và hiệu quả thực chất của nó.
Từ khi tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa đi vào hoạt động, vào giờ cao điểm thường diễn ra tình trạng làn đường dành cho xe BRT bỏ không trong khi các loại phương tiện khác như xe bus, ô tô hay xe máy cá nhân phải chen chúc trong phần đường chật hẹp.
Có lẽ đây là lý do Hà Nội có ý tưởng đưa xe bus vào hoạt động tại làn BRT. Tuy nhiên, thiết kế cửa lên xuống giữa xe BRT và xe bus ngược nhau, vì vậy, nếu hoạt động trên làn BRT, xe bus lại phải cắt ngang mặt đường tạt vào lề phải để đón trả khách.
Khoảng cách giữa các nhà chờ xe bus chỉ từ 500 đến 1.000m nên việc chiếc xe cồng kềnh liên tục di chuyển sang trái và sang phải thực sự là nguy cơ gây mất an toàn, gia tăng ùn tắc.
HIện nay, chỉ riêng việc xe bus đang đi chung làn với xe ô tô ở giữa đường, việc ra vào nhà chờ đón khách đã rất khó khăn, nhất là vào giờ cao điểm.
Phát triển BRT nói riêng và giao thông công cộng nói chung là một hướng đi tất yếu đối với các thành phố lớn để giảm phương tiện cá nhân góp phần hạn chế ùn tắc. Tuy nhiên, để tăng hiệu quả của BRT, các đơn vị liên quan cần phải có một tầm nhìn dài hạn và tổng thể để xứng với đầu tư và ưu tiên của toàn xã hội. Bởi những giải pháp như cho xe bus thường đi vào làn BRT cũng chưa phải là giải pháp lâu dài, hợp lý, có thể làm giao thông thêm lộn xộn và tăng nguy cơ mất an toàn.
VTV1