MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mặt bằng lãi suất tiết kiệm giảm sâu

29-08-2023 - 17:09 PM | Tài chính - ngân hàng

Lãi suất huy động tại các ngân hàng liên tiếp giảm sâu ở nhiều kỳ hạn. Đến nay chỉ còn đếm trên đầu ngón tay ngân hàng niêm yết lãi suất trên 7%/năm.

Theo ghi nhận của phóng viên ngày 29/8 cho thấy, Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVCombank) đang niêm yết mức lãi suất cao nhất hệ thống, lên tới 11%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 12 và 13 tháng. Tuy nhiên điều kiện đi kèm là chỉ áp dụng tại quầy cho số dư tiền gửi mở mới từ 2.000 tỷ đồng trở lên. Nếu gửi tiền cùng kỳ hạn dưới 2.000 tỷ đồng, PVCombank áp dụng lãi suất 6,3%/năm.

Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) đang niêm yết lãi suất tiền gửi tiết kiệm bằng VND cao nhất ở mức 8,3%/năm khi khách hàng gửi tiền kỳ hạn 13 tháng, số dư từ 1 tỷ đồng trở lên. Đây cũng là ngân hàng đang niêm yết lãi suất nhiều kỳ hạn cao nhất hệ thống như lãi suất tiền gửi 6 tháng là 7,55%/năm, 12 tháng là 7,9%/năm...

Ngoài ra, còn 2 ngân hàng áp dụng lãi suất cao nhất từ 7%/năm, bao gồm Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) và Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) với lãi suất lần lượt là 7,1 và 7%/năm dành cho các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên.

Mặt bằng lãi suất tiết kiệm giảm sâu - Ảnh 1.

Mặt bằng lãi suất giảm sâu, hiếm ngân hàng huy động trên 7%/năm. Ảnh minh họa.

Mới đây, làn sóng giảm lãi suất tiếp tục lan rộng khi nhiều ngân hàng giảm từ 0,2-0,7 điểm % đối với tất cả các kỳ hạn.

Cụ thể, lãi suất huy động tại Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) vừa giảm 0,3 điểm % đối với tiền gửi từ 6 tháng trở lên, đưa mức lãi cao nhất từ 6,95%/năm xuống còn 6,65%/năm.

Tương tự, Ngân hàng Thương mại TNHH Một thành viên Đại Dương (OceanBank) cũng giảm 0,5 điểm % lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Lãi suất cao nhất tại ngân hàng này chỉ còn 6,8%/năm thay vì mức 7,3%/năm như trước đó.

Còn tại Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu Khí Toàn Cầu (GPBank), lãi suất huy động giảm 0,2 điểm % với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, đưa lãi suất cao nhất về còn 6,25%/năm.

Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) giảm lãi suất kỳ hạn 6 tháng từ 6,9%/năm xuống 6,8%/năm; kỳ hạn 12 và 13 tháng tháng giảm từ 7,1%/năm xuống 6,9%/năm; kỳ hạn 36 tháng giảm từ 6,8%/năm xuống còn 6,6%/năm.

Đáng chú ý, tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (SaigonBank), biểu lãi suất huy động giảm sâu không chỉ với các kỳ hạn dài. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng tại đây giảm từ 4,3%/năm xuống 3,6%/năm, bước giảm dài nhất của Saigonbank trong kỳ điều chỉnh này. Đối với kỳ hạn 3 tháng, lãi suất giảm từ 4,4%/năm xuống còn 4%/năm; 6 tháng từ 6,4%/năm xuống 6%/năm.

Lãi suất các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên dao động từ 6,2-6,6%/năm thay vì mức từ 6,4-7,1%/năm như hồi tuần trước. Mức cao nhất 6,6%/năm được Saigonbank niêm yết cho tiền gửi kỳ hạn 13 tháng.

Trước đó, 4 ngân hàng lớn gồm Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã giảm mạnh lãi suất nhiều kỳ hạn xuống mức thấp nhất hệ thống.

Lãi suất cao nhất tại các ngân hàng này giảm từ 6,3%/năm xuống còn 5,8%/năm, áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, riêng Agribank chỉ áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng. Lãi suất kỳ hạn 1 và 3 tháng giảm xuống mức 3%/năm và 3,8%/năm; kỳ hạn 6 tháng còn 4,7%/năm.

Trong những ngày cuối tháng 8 này, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng cao nhất đang ghi nhận tại DongABank với 7,9%/năm; NamABank 7,1%/năm; VietABank 7%/năm, Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank) 6,95%/năm; NCB 6,9%/năm...

Lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng cao nhất hiện có DongABank với 7,55%/năm; VietABank và NCB cùng mức 6,8%/năm; Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank) 6,75%/năm...

Kể từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2 điểm %. Lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại cũng được điều chỉnh và nhiều gói tín dụng ưu đãi được triển khai với lãi suất khoảng 0,5-3 điểm % tùy đối tượng khách hàng với các khoản vay mới.

Tuy nhiên, tính đến hết nửa đầu năm, tín dụng nền kinh tế đạt hơn 12,49 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 4,73% so với cuối năm 2022. Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, nguyên nhân lớn nhất là hiện các doanh nghiệp thiếu đơn hàng để sản xuất, trong khi chi phí sản xuất tăng cao khiến hiệu quả hoạt động suy giảm. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất, dẫn tới nhu cầu vốn vay giảm...

Do vậy, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng ngoài giải pháp, chính sách từ ngành ngân hàng, cần có sự phối hợp đồng bộ từ các chính sách khác nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ.

Theo PV

VTV.VN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên