MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mất gần một nửa giá trị từ khi bị thâu tóm, VNE có quay trở lại với câu chuyện mang tên “tái cấu trúc các tài sản ngầm”?

Một trong những rủi ro của VNE là quỹ đất ở Tp. Hồ Chí Minh vẫn đang chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý. Mặc dù đã thuê văn phòng luật sư để hỗ trợ nhưng vẫn chưa thể giải quyết những tranh chấp đã kéo dài.

Ngày 18/3/2015, SCIC hoàn tất việc chuyển nhượng toàn bộ 18,9 triệu cổ phiếu VNE của Tổng CTCP Xây dựng điện Việt Nam với mức giá 13.500 đồng/cp. Một cái tên mới xuất hiện tại VNE là CTCP Khải Toàn (KTG Group) và ông Đặng Trọng Ngôn – Chủ tịch HĐQT của Khải Toàn trở thành Chủ tịch của VNE.

Khi đó, ông Ngôn cho biết ngành nghề kinh doanh của 2 doanh nghiệp hoàn toàn đồng điệu và tương đồng với chiến lược của nhau. Mức giá 13.500 đồng của VNE so với các chỉ số tài chính lúc đó như EPS 1.430đ, P/E 9,42 và giá trị sổ sách /cp khoảng 12.300 đồng là một mức giá rất tốt để đầu tư cho một tổng công ty đứng đầu ngành tại Việt Nam.

Tuy nhiên, mối duyên này cuối cùng đã không tốt đẹp khi sau đó, VNE cho thấy một bức tranh tài chính tệ hơn và Khải Toàn cùng các chiến hữu đã rút lui khỏi doanh nghiệp này. Từ đó đến nay, VNE đã mất ½ giá trị. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/1/2017, VNE có giá 7.500 đồng.

VNE có trở lại?

Trong khi diễn biến giao dịch của cổ phiếu này chưa tạo được sự quan tâm trên thị trường chứng khoán thì mới đây, CTCK BVSC công bố một báo cáo phân tích đánh giá VNE là một cơ hội lớn với câu chuyện “doanh nghiệp có nhiều tài sản ngầm đang tái cấu trúc”.

BVSC cho rằng sau giai đoạn xáo trộn do bị thâu tóm, hoạt động kinh doanh của VNE đã trở lại quỹ đạo tăng trưởng khi nhóm thâu tóm rút lui và ban lãnh đạo cũ quay trở lại. VNE tiếp tục định hướng tái cấu trúc doanh nghiệp là thoái vốn ra khỏi các dự án Bất động sản cũng như các công ty con và công ty liên kết kém hiệu quả để tập trung vào thế mạnh là xây lắp điện và năng lượng tái tạo, từ đó giúp cho công ty có thể tăng trưởng và ổn định hơn trong tương lai.

Một số yếu tố có thể hỗ trợ cho cổ phiếu VNE quay trở lại là (1) Thoái vốn khách sạn Xanh Huế; (2) Khó khăn từ Quyết định 4970 được tháo gỡ; (3) Hoàn nhập trích lập dịch phòng.

Lợi nhuận có thể tăng trưởng đột biến nhờ thoái vốn hay hoàn nhập dự phòng

Theo BVSC, VNE có thể ghi nhận lợi nhuận đột biến đồng thời trở thành công ty tăng trưởng ổn định khi thực hiện thành công chương trình tái cấu trúc hoạt động. Chương trình tái cấu trúc hoạt động kinh doanh của VNE là: (1) chuyển nhượng các tài sản như Khách sạn Xanh Huế, Greenmart, Khách sạn Xanh Đà Nẵng và bất động sản tại TP HCM; (2) tập trung toàn bộ nguồn lực phát triển các dự án Năng lượng tái tạo và tập trung vào hoạt động Xây lắp các công trình điện.

Việc thực hiện thành công chương trình tái cấu trúc đồng nghĩa với việc các khoản dự phòng cũng sẽ được hoàn nhập và đóng góp vào lợi nhuận của VNE.

Công ty thực hiện mua cổ phiếu quỹ

Với lượng tiền mặt lớn, công ty đã mua thêm 6,9 triệu cổ phiếu quỹ trong tháng 11/2017, nâng tổng số phiếu quỹ lên 8,5 triệu cổ phiếu tương ứng với 9,39% cổ phiếu niêm yết. Điều này cũng tương đương với việc lượng cổ phiếu lưu hành ít đi giúp cho EPS tăng lên từ đó giúp tăng giá cổ phiếu.

Với việc mua cổ phiếu quỹ, VNE trở thành tổ chức nắm giữ nhiều cổ phiếu VNE nhất. Cổ đông lớn nhất của công ty là PYN Elite Fund với tỷ lệ nắm giữ là 9,3%.

Khó khăn từ Quyết định 4970

Tháng 12/2016, Bộ Công thương ban hành Quyết định 4970 quy định về định mức dự toán cho công tác xây dựng đường dây tải điện và lắp đặt trạm biến áp. Chiếu theo quy định mới này, xây dựng nền móng của các công trình truyền tải điện và biến áp có định mức tương đương với các công trình xây dựng dân dụng. Đối với các công trình đường dây tải điện cao áp thì phần móng chiếm tỷ trọng từ 30-40% giá trị xây lắp. Điều này làm cho biên lợi nhuận gộp các công ty xây lắp điện giảm mạnh và hiệu quả hoạt động giảm về mức thấp dẫn tới các công ty xây lắp không còn mặn mà với các dự án xây lắp điện.

Đây là một trong những nguyên nhân làm cho việc triển khai dự án xây lắp đường dây điện và trạm biến thế bị chậm so với kế hoạch. Ước tính các dự án xây lắp đường dây và trạm biến thế trong năm 2017 mới chỉ thực hiện được khoảng 60%-70% so với kế hoạch đề ra. Để đảm bảo cho khả năng cung cấp điện thì Chính phủ sẽ cần đẩy nhanh hoạt động xây lắp đường dây.

“Vì vậy, chúng tôi kỳ vọng rào cản từ Quyết định 4970 sẽ được gỡ bỏ trong năm tới và đây sẽ là động lực tăng trưởng mạnh cho các công ty xây lắp điện sau một năm giảm sút” – BVSC nêu quan điểm.

Tuy vậy, doanh nghiệp ngành điện này cũng đối diện với những rủi ro. BVSC đánh giá, quỹ đất của VNE ở Tp. Hồ Chí Minh vẫn đang chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý. Mặc dù đã thuê văn phòng luật sư để hỗ trợ nhưng vẫn chưa thể giải quyết những tranh chấp đã kéo dài. VNE nắm giữ lợi thế khi nắm giữ sổ đỏ tuy nhiên việc giải quyết tranh chấp sẽ khó hoàn tất trong ngắn hạn.

Bên cạnh đó, các dự án xây lắp của VNE chủ yếu ở ngoài trời và triển khai trên các địa hình phức tạp vì vậy thời tiết mưa bão sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến tiến độ thi công cũng như khả năng sinh lời của dự án.

Hải Thanh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên