MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mặt hàng chủ lực trong xuất khẩu của Việt Nam là lực cản làn sóng tăng giá lương thực toàn cầu

Mặt hàng chủ lực trong xuất khẩu của Việt Nam là lực cản làn sóng tăng giá lương thực toàn cầu

Trong khi chi phí sản xuất lương thực tăng chóng mặt đã gây ra lo ngại về việc giá cả bị đẩy nhanh, cùng với nạn đói trên toàn cầu, thì một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đang đi ngược "xu hướng": lúa gạo.

Gạo là nguồn cung cấp dinh dưỡng chính hàng ngày cho hơn 3 tỷ người trên toàn cầu. Trong bối cảnh giá các mặt hàng nông nghiệp, từ ngô đến đậu nành, thịt... tăng không kiểm soát, thì gạo vẫn chưa có dấu hiệu tăng mạnh.

Mặc dù giá gạo đang cao hơn so với một năm trước, nhưng những tháng gần đây, giá gạo lại có dấu hiệu giảm nhờ nguồn cung dồi dào sau vụ thu hoạch mới tại các thị trường xuất khẩu gạo hàng đầu, bao gồm: Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ.

Lý do chính giải thích cho xu hướng phân hóa trên thị trường nông sản chính là gạo chủ yếu trồng cho con người tiêu thụ, trong khi các cây trồng khác lại nhằm đáp ứng nhu cầu thức ăn chân nuôi đang bùng nổ.

Bên cạnh đó, nhu cầu đối với thức ăn chăn nuôi heo tại Trung Quốc ngày càng tăng, cùng với thời tiết không thuận lợi đang làm hao tổn nguồn cung ngũ cốc và hạt có dầu trên thế giới, khiến giá ngô và đậu nành có thể tăng lên mức đỉnh trong hơn 8 năm vừa qua.

Mặt hàng chủ lực trong xuất khẩu của Việt Nam là lực cản làn sóng tăng giá lương thực toàn cầu - Ảnh 1.

Nông dân cấy lúa ở Bogor, Indonesia vào ngày 3/5. Ảnh: Adriana Adie / NurPhoto / Getty Images

Lúa mỳ, chủ yếu được dùng để sản xuất bánh mỳ, mỳ ống, mỳ sợi, thanh ngũ cốc và bánh quy, cũng tăng mạnh khi các quốc gia bắt đầu chuyển sang sử dụng lúa mỳ thay thế cho ngô và đậu nành làm thức ăn chăn nuôi.

Từ tháng 8 năm ngoái đến nay, giá lúa mỳ đã tăng hơn 40%, trong khi giá ngô nhảy vọt khoảng 120% và giá đậu nành tăng hơn 70%. Cũng trong giai đoạn này, giá gạo giao sau trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago chỉ tăng 24%, giá gạo trắng Thái Lan thậm chí chỉ nhích khoảng 4%.

Đáng chú ý, giá gạo ổn định có thể làm giảm nguy cơ bùng nổ của lạm phát lương thực. Giá lương thực toàn cầu đang duy trì ở mức cao nhất kể từ năm 2015. Ngân hàng Thế giới (WB) và Liên Hợp Quốc phải ra cảnh báo về rủi ro an ninh lương thực và gợi nhắc lại giai đoạn 2008 - 2011, khi giá lương thực tăng đột biến dẫn đến bạo loạn tại hơn 30 quốc gia ở châu Phi, châu Á và Trung Đông.

David Dawe, Chuyên gia kinh tế cao cấp tại Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc nhấn mạnh: "Giá gạo ổn định là một tin tốt cho an ninh lương thực toàn cầu. Đại dịch đã làm tăng tỷ lệ người nghèo tại châu Á, song gạo lại là lương thực chính của họ".

Mặt hàng chủ lực trong xuất khẩu của Việt Nam là lực cản làn sóng tăng giá lương thực toàn cầu - Ảnh 2.

Hiện, có rất ít dấu hiệu cho thấy gạo sẽ bị cuốn vào đà tăng của thị trường nông sản. Không giống như ngô, đậu nành và ngay cả lúa mỳ - các mặt hàng đang bị thắt chặt nguồn cung do thời tiết khô hạn ở những vùng trồng trọt quan trọng như Hoa Kỳ và Brazil, thì không có tình trạng thiếu cung trên thị trường toàn cầu.

Hiện tượng thời tiết La Nina gây ra hạn hán ở châu Mỹ, nhưng lại tạo mưa ở châu Á - khu vực sản xuất và tiêu thụ hơn 90% lượng gạo trên thế giới.

Mặt hàng chủ lực trong xuất khẩu của Việt Nam là lực cản làn sóng tăng giá lương thực toàn cầu - Ảnh 3.

Ấn Độ đã thu hoạch lượng gạo kỷ lục trong vài năm qua, đồng thời xuất khẩu hàng với giá thấp. Ông Chookiat Ophanswongse, Chủ tịch danh dự của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho hay: "Ngay cả khi xuất khẩu gạo của Thái Lan và Việt Nam giảm, giá gạo cũng không thể tăng nhiều vì nguồn cung của Ấn Độ rất dồi dào".

Bên cạnh đó, Thái Lan - nước xuất khẩu gạo thứ hai thế giới trước khi tụt hạng vào năm ngoái do hạn hán làm giảm sản lượng, có thể sẽ được hưởng lợi từ lượng mưa lớn trong năm nay. Giá gạo cũng có thể tăng khi xuất hiện "nhu cầu bất ngờ", nhưng mức tăng sẽ bị hạn chế nhờ các kho dự trữ gạo lớn ở Trung Quốc và năng lực xuất khẩu gạo của Ấn Độ.

Tại Trung Quốc, chính phủ đã tích trữ một lượng lớn lúa mỳ và gạo đủ để cung cấp cho toàn bộ 1,4 tỷ dân trong vòng một năm. Thêm vào đó, quốc gia này còn kêu gọi các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi mua lúa mỳ và gạo từ kho dự trữ quốc gia nhằm thay thế ngô và bột đậu nành.

Tuy nhiên, an ninh lương thực không chỉ xoay quanh những lương thực chính như lúa gạo, mà còn liên quan đến chế độ dinh dưỡng. Đặc biệt, việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng sẽ gặp nhiều thách thức khi giá ngô và đậu nành tăng cao, tác động lên giá thịt nói chung.

"Giá ngô bị đẩy cao hơn sẽ gây áp lực cho giá thịt heo và gia cầm. Người nghèo khó có thể đáp ứng đủ dinh dưỡng trong chế độ ăn hàng ngày. Họ có thể có đủ cơm ăn nhưng sẽ thiếu thịt. Vấn đề này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chế độ dinh dưỡng của trẻ nhỏ", ông David Dawe kết luận.

Tham khảo: Bloomberg

Anh Vũ

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên