Mặt hàng trăm triệu USD của VN xuất lô đầu sang TQ: Nhu cầu hàng trăm tấn, 42/63 tỉnh có cơ hội làm giàu
42 tỉnh ở Việt Nam sản xuất mặt hàng đắt đỏ này và được đánh giá là có tiềm năng kinh tế rất lớn tại thị trường Trung Quốc.
- 09-01-2024Loại lá gói xôi ở Việt Nam ra nước ngoài thành sản vật giá nửa triệu/kg, xuất khẩu thu về chục tỷ/năm
- 08-01-2024Loại quả được công nhận chất lượng nhất thế giới của Việt Nam thu về gần 1 tỷ USD, Trung Quốc, Mỹ đều ‘đặt gạch’ mua hàng
- 07-01-2024Một loại lá mọc đầy tại Việt Nam ra nước ngoài thành hàng hiếm: Nhật Bản, Hàn Quốc liên tục đổ tiền mua, thu về hàng triệu USD mỗi năm
Mặt hàng trăm triệu USD này là tổ yến. Theo Hiệp hội Yến sào Việt Nam, nhờ có lợi thế về mặt địa lý nên nghề khai thác tổ yến đã xuất hiện ở nước ta từ lâu. Tại Việt Nam, chim yến chủ yếu tập trung với mật độ cao nhất ở các tỉnh duyên hải miền Trung và miền Nam. Chất lượng tổ yến của Việt Nam được đánh giá là vượt trội so với các nước trong khu vực.
Gần đây nhất, ngày 16/11/2023, ngành yến của Việt Nam đón nhận tin vui khi xuất khẩu chính ngạch lô yến sào đầu tiên sang Trung Quốc, theo Nghị định thư giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Ngày 5/1/2024 vừa qua, một lô yến sào chất lượng cao của Công ty Hải Yến Nha Trang lần đầu xuất khẩu sang Trung Quốc đã được thông quan. Lô hàng này đã đạt các tiêu chuẩn đánh giá về mặt chất lượng của các cơ quan chức năng và được bàn giao cho đối tác là một công ty ở Thâm Quyến, Trung Quốc.
Trước đó, yến sào của Việt Nam chỉ được xuất khẩu qua đường tiểu ngạch hoặc du lịch với sản lượng không lớn, với giá trị còn thấp từ 18 – 20 triệu đồng/kg. Do đó, việc được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường có nhu cầu tiêu thụ tới 300 tấn/năm (chiếm 80% thị phần toàn cầu) như Trung Quốc, được kỳ vọng là sẽ tạo cơ hội lớn cho ngành chăn nuôi chim yến, sản xuất và chế biến tổ yến của Việt Nam trong thời gian tới. Hơn nữa, xuất khẩu chính ngạch cũng sẽ giúp gia tăng giá trị tổ yến rất cao.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, Việt Nam có 42/63 tỉnh có nuôi chim yến với hơn 22.000 nhà yến, tập trung ở các tỉnh như Kiên Giang, Bình Định, Khánh Hòa và Lâm Đồng. Sản lượng tổ yến của nước ta là khoảng 150 tấn, với giá trị trên 600 triệu USD.
Trên thực tế, có 45 doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu tổ yến sang thị trường Trung Quốc và đã được Cục Thú y hướng dẫn thực hiện về giám sát an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Trong số đó, có 5 doanh nghiệp đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, dự báo đến năm 2030, sản lượng yến của Việt Nam có thể đạt tới 350 – 400 tấn/năm, với giá trị khoảng trên 1 tỷ USD.
Yêu cầu từ phía người tiêu dùng quốc tế đang ngày càng cao về chất lượng và những yếu tố bền vững như truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường. Do đó, thách thức được coi là lớn nhất với ngành yến Việt Nam chính là việc nuôi chim yến hiện nay chủ yếu phát triển mang tính tự phát và thiếu tính liên kết sản xuất theo ngành hàng.
Vì vậy, trong thời gian tới, việc cấp mã số cho các cơ sở nuôi chim yến, đồng thời xây dựng hệ thống dữ liệu quản lý được coi là ưu tiên hàng đầu.
Vì sao tổ yến có giá siêu đắt đỏ?
Theo Business Insider, tổ yến được coi là một trong những thực phẩm đắt giá nhất trên thế giới. Đây được coi là món cao lương mỹ vị tại các quốc gia Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam… Trên thực tế, người Trung Quốc đã ăn tổ yến trong hơn 1.000 năm qua. Tổ yến được cho là có nhiều tác dụng tốt cho sức khoẻ.
Chim yến làm tổ bằng nước dãi của chúng ở trên thành hang động và vách đá, nơi chúng nuôi con non. Vì giá bán tổ yến khá cao, nên canh hay súp tổ yến cũng trở nên đắt đỏ. Chẳng hạn, ở khu Chinatown tại New York (Mỹ), 24 chiếc tổ yến đóng gói có giá hơn 1.180 USD.
Trước đây, cách phổ biến nhất để tiến hành thu thập tổ yến là gom từ tự nhiên. Theo TS Creighton Connolly, nhà địa lý tại ĐH Lincoln (Anh): "Có rất nhiều nguy hiểm gắn liền với việc thu hoạch tổ yến. Người đi lấy tổ yến phải trèo lên cao mà không có lưới an toàn hay trang bị lao động. Đôi khi họ phải lên tới độ cao ngang với nhiều tầng nhà. Tuy nhiên, đối với nhiều người, rủi ro này rất đáng để đánh đổi. Những người đi thu hoạch thường cố gắng gom được nhiều tổ yến hết mức có thể, bất chấp cả việc chiếc tổ đã hoàn chỉnh hay chưa".
Theo vị chuyên gia này, ở một số vùng, chim yến không thể theo kịp tốc độ thu hoạch của con người. Vì vậy, số lượng của chúng sụt giảm mạnh.
Thực tế, từ năm 1957 – 1997, số lượng chim yến giảm tới 88 % tại nhiều nơi thuộc khu vực Đông Nam Á. Nguyên nhân chủ yếu là do thu hoạch quá mức. Kết quả, giá của tổ yến tăng vọt.
TS Creighton Connolly cho biết, giá của tổ yến cao nhất là vào khoảng đầu thập niên 1990. Trong thời gian đó, tổ yến được bán với giá 1.000 USD/0,5 kg. Nếu điều chỉnh với lạm phát ngày nay, mức giá đó tương đương với 2.000 USD (gần 49 triệu đồng). Vì mức giá cao khiến tổ yến được mệnh danh là "trứng cá muối của phương Đông".
Đồng thời nó cũng giúp mở ra một ngành kinh doanh mới. Cụ thể, nhiều người ở Đông Nam Á tìm cách kiếm tiền từ việc buôn bán tổ yến và đầu tư vào làm nhà yến.
"Mọi người phát hiện ra nếu có một tầng trên cao bỏ không, chim yến sẽ bay vào bên trong và bắt đầu biến tòa nhà thành khu vực làm tổ", TS Creighton Connolly chia sẻ.
Từ năm 1998 – 2013, chỉ riêng ở Malaysia đã có từ 900 – 60.000 nhà yến mọc lên. Dù nguồn cung gia tăng nhưng cũng không khiến giá tổ yến hạ xuống. Nguyên nhân là do trong hai thập kỷ qua, nhu cầu cũng tăng theo. Hơn nữa, ngày càng nhiều người có điều kiện mua và tiếp cận tổ yến hơn. Đó cũng là lý do vì sao tổ yến vẫn đắt đỏ như vậy.
Hiện nay, tại một số nhà hàng cao cấp, giá của một bát canh tổ yến có thể lên đến 100 USD (hơn 2,4 triệu đồng). Nhiều người chọn uống canh tổ yến vì tin rằng nó mang lại nhiều lợi ích và giá trị cho sức khỏe con người. Các chuyên gia cho biết, protein chiếm từ 40 – 50% tổ yến. Vì vậy, đây được coi là món ăn bổ dưỡng và đương nhiên nó cũng rất đắt đỏ.
Bài viết tham khảo nguồn: Mard, Businessinsider, Akuibirdnest
Đời sống Pháp luật