Mặt tối khó tin sau công việc mơ ước trong ngành ngân hàng
Trở thành nô lệ của công việc, không có thời gian dành cho bạn bè, người yêu hay rời văn phòng lúc 3h sáng là cuộc sống hàng ngày của nhiều người làm trong lĩnh vực ngân hàng trên khắp thế giới.
Đảm trách lĩnh vực Mua bán và Sáp nhập (M&A) cho một ngân hàng lớn của Anh, câu chuyện của chàng trai trẻ giấu tên trên tờ Guardian giúp nhiều người hiểu hơn về cuộc sống của những người làm trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, công việc vốn là mơ ước của nhiều người. Với tâm trạng thanh thản sau khi nghỉ việc, câu chuyện đáng suy ngẫm được kể trong quán cà phê nằm giữa thủ đô London của Vương quốc Anh.
Ngày làm việc 18 tiếng
“Trong hai năm qua, tôi làm công việc M&A cho một ngân hàng lớn ở Anh. Tuy không dài những quãng thời gian đó đủ giúp tôi hiểu rằng công việc này không hợp với mình. Dẫu vậy, tôi cũng sẵn sàng chia sẻ những trải nghiệm mà mình có được trong quãng thời gian làm công việc không ít người ngoài cuộc luôn ngưỡng mộ và mơ ước.
Mới chỉ đêm qua thôi, tôi đã thực sự hiểu ý nghĩa của một từ: quét sạch. Vào lúc nửa đêm qua, chiếc điện thoại BlackBerry của tôi tự động quét sạch mọi dữ liệu trong máy. Đó cũng là lúc tôi chính thức kết thúc hợp đồng với ngân hàng mình gắn bó suốt 2 năm qua. Nó cũng cuốn đi tất cả những thói quen và áp lực thường ngày mà tôi trải qua.
Trong năm đầu tiên, tôi luôn làm việc từ 9h20 đến 3h sáng hôm sau. Dù rất mệt mỏi nhưng tôi luôn tự nói với mình rằng tình trạng này sẽ khá khẩm hơn. Tuy nhiên, điều đó không bao giờ trở thành hiện thực dù công bằng mà nói, so với những năm ngồi trên giảng đường, quãng thời gian 2 năm đi làm đã dạy tôi rất nhiều. Ngày làm việc 18 tiếng giúp tôi có nhiều kiến thức về M&A và các hiểu biết khác về mô hình hoạt động doanh nghiệp, cách quản lý kinh tế, tài chính….
Bạn chắc chắn sẽ hỏi tôi vì sao lại chọn ngành ngân hàng? Khi còn ngồi trên ghế các trường đại học chuyên ngành, người ta truyền bá vào đầu chúng tôi tư duy làm trong ngành tài chính là điều thú vị nhất. Người ta cũng mời chào bạn bằng những câu ngon ngọt như “bạn sẽ được trả xứng đáng khi làm việc cho chúng tôi”. Thêm vào đó, truyền thông cũng đăng tải đầy rẫy những câu chuyện về lương thưởng cao trong ngành ngân hàng, điều khiến những sinh viên càng trở nên háo hức và đam mê.
Áp lực chồng áp lực
Tuy nhiên, khi bắt đầu bước chân vào lĩnh vực này, điều bạn thấy đầu tiên là áp lực. M&A được chia thành nhiều lĩnh vực như công nghiệp, người tiêu dùng, vận tải, dược phẩm, tài chính…. Làm M&A cho một ngân hàng lớn giúp bạn có cơ hội đi công tác nước ngoài, gặp gỡ những người đứng đầu trong các ngành công nghiệp cũng như những con người thú vị khác.
Ở mặt ngược lại, đây là công việc đầy áp lực. Tôi nằm trong nhóm luôn được xếp hàng đầu nên càng áp lực hơn. Mỗi quý, ngân hàng lại tổ chức xếp hạng các đội M&A và đó là động lực để mọi người phải nỗ lực cố gắng. Trong khi đó, ở mỗi đội M&A được cơ cấu theo hình tam giác và người quản lý đứng ở đỉnh. Là người trực tiếp giao dịch và đàm phán, người đứng đầu sẵn sàng chấp nhận mọi yêu cầu của khách hàng và thúc ép cấp dưới thực hiện.
Ngoài ra, ngân hàng còn duy trì hình thức đánh giá vòng tròn trong nội bộ. Cứ mỗi 6 tháng, mọi người lại cùng đánh giá hiệu suất làm việc của nhau. Nếu cần giảm nhân sự, những người bị đánh giá tệ nhất sẽ là người có nguy cơ cao phải ra đi. Bên cạnh đó, chỉ 3% được đánh giá là “cực kỳ xuất sắc”, khiến cuộc cạnh tranh càng trở nên gay gắt.
Khi mới bước chân vào ngân hàng, tôi bị sốc văn hóa, nhất là trong những tuần đầu tiên. Cấp trên thường sử dụng những câu hỏi ngắn gọn và cộc lốc trong email để giao tiếp với bạn mà chẳng hề đoái hoài gì tới ý kiến mà bạn đưa ra.
Cuộc sống không bạn bè, không tình yêu
Là người trẻ trong lĩnh vực M&A, công việc này sẽ hủy hoại hoàn toàn đời sống xã hội của bạn. Một tuần làm việc 7 ngày, bạn không có thời gian dành cho bạn bè, người yêu hay các mối quan hệ xã hội. Với tôi, việc này càng trở nên tệ hại bởi bản thân là người yêu thích tận hưởng cuộc sống, người luôn háo hức đón chào ngày mới mỗi khi thức dậy. Tuy nhiên, suốt 2 năm qua, tôi không nhận ra mình thay đổi đến nhường nào. Tôi đánh mất đam mê với thể thao, âm nhạc cũng như chẳng còn quan tâm tới chính trị. Nhiều lúc, tôi tự hỏi, điều gì đang xảy ra với mình.
Bạn cùng phòng với tôi cũng là dân tài chính. Tôi bắt gặp anh ta về nhà, khóc như một đứa trẻ vì kiệt sức và vì điều gì đó xảy ra với anh ta. Tôi tự hỏi tại sao chúng ta lại để những điều này xảy ra với mình. Dân tài chính luôn có sự thôi thúc nào đó để khẳng định mình và chứng tỏ bản thân, tôi cảm thấy vậy.
Nhiều người làm trong ngành ngân hàng luôn cố gắng tạo dựng cho mình hình ảnh hoàn hảo. Các ngân hàng cũng khuyến khích điều đó. Hãy tưởng tượng, bạn 25 tuổi và ngay năm đầu tiên đi làm đã có mức thu nhập 55.000 USD cùng với mức thưởng tương đương 70% thu nhập. Tuy nhiên, bạn cũng sẵn sàng chi 350 USD cho một đêm ở khách sạn và 130 USD cho bữa tối mà không cảm thấy chúng quá đắt. Và số tiền kiếm được trong một năm cũng có thể bị tiêu sạch trong 6 tháng.
Khi tôi quyết định thôi việc, mẹ tôi tỏ ra rất hạnh phúc. Tôi sẽ vẫn làm trong lĩnh vực tài chính nhưng sẽ trở thành nhà tư vấn đầu tư. Công việc này lương thấp nhưng bù lại tôi có nhiều thời gian cho bản thân. Khi đồng nghiệp hỏi, tôi sẽ nói với họ rằng tôi lựa chọn cho mình phong cách sống. Tuy nhiên, trên thực tế, tôi cảm thấy vô cùng mệt mỏi khi phải ngồi làm việc tới 3 giờ sáng”.