MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mặt trái của làn sóng sa thải trong lĩnh vực công nghệ: Không tệ như mọi người vẫn nghĩ

16-12-2022 - 14:32 PM | Kinh tế số

Mặt trái của làn sóng sa thải trong lĩnh vực công nghệ: Không tệ như mọi người vẫn nghĩ

Những nhân viên công nghệ bị sa thải đang nhanh chóng tìm được công việc mới và thậm chí với mức lương cao hơn.

Austin Smith nhận được tin mình bị sa thải không lâu sau khi anh bước vào văn phòng vào một buổi sáng tháng Sáu. Công ty chủ quản của anh, Netflix, đã sa thải khoảng 300 nhân viên. Smith, một nhà phân tích dữ liệu làm việc ở thành phố Salt Lake, là một cái tên trong số họ.

Trong tâm trạng bị sốc, Smith lái xe về nhà để báo tin dữ cho vợ. Họ kết hôn vào năm 2020 và dự định sẽ mua một căn nhà vào năm sau. Ở tuổi 28, cuộc sống của anh dường như đang rất tốt, rất an toàn. Cho đến khi mọi thứ đột nhiên không còn như vậy nữa.

"Tôi sẽ làm gì bây giờ?", anh tự hỏi. "Liệu tôi có thể tìm thấy thứ gì đó tốt cho sự nghiệp của mình không?"

Sáng hôm sau, anh bắt đầu nộp đơn vào mọi công việc mà mình có thể tìm thấy trên mạng Internet. Với sự không chắc chắn về tương lai, việc tìm kiếm công việc mới không hề dễ chịu. Nhưng anh không phải tìm quá lâu. Đến tháng 8, anh nhận được vị trí quản lý dự án kỹ thuật tại New Classrooms, một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận. Chỉ sau vài tuần thất nghiệp, sự nghiệp của anh ấy đã trở lại đúng hướng.

"Tôi đã gặp may", anh nói. "Tôi hy vọng rằng những người khác đang thấy mình ở vị trí tương tự cũng sẽ may mắn như vậy."

Mặt trái của làn sóng sa thải trong lĩnh vực công nghệ: Không tệ như mọi người vẫn nghĩ - Ảnh 1.

Và cho đến hiện tại, có vẻ như lời chúc này đã trở thành hiện thực. Ngay cả khi lĩnh vực công nghệ đã trở nên hỗn loạn bởi tình trạng sa thải hàng loạt trong năm nay – hơn 140.000 người kể từ tháng 3 – thì đại đa số những người bị sa thải đã không phải chịu cảnh thất nghiệp quá lâu.

Theo một phân tích về những người lao động bị sa thải do Revelio Labs, một nhà cung cấp dữ liệu về lực lượng lao động thực hiện, thì 72% mọi người đã tìm được việc làm mới trong vòng ba tháng. Đáng ngạc nhiên hơn nữa, hơn một nửa trong số họ đã nhận được những vị trí được trả lương nhiều hơn so với công việc đã mất.

Những phát hiện này nhấn mạnh mức độ mạnh mẽ của thị trường việc làm, ngay cả khi đối mặt với xu hướng xuống dốc trong lĩnh vực công nghệ. Thông thường, mất việc có thể gây ra một bước thụt lùi lớn trong sự nghiệp - đặc biệt là khi hàng chục nghìn người khác cùng nghề với bạn cũng đang bị sa thải. Nhưng lần này, có vẻ như việc nhận được thư sa thải thậm chí có thể giúp họ thăng tiến trong sự nghiệp. Giữa làn sóng sa thải theo kiểu “bán buôn”, nhiều nhân viên công nghệ bằng cách nào đó đang phục hồi mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

"Điều quan trọng cần rút ra là 'đừng tuyệt vọng", Reyhan Ayas, nhà kinh tế cấp cao tại Revelio Labs, cho biết. "Thị trường việc làm vẫn nóng. Mặc dù một số bộ phận của ngành công nghệ đang gặp khó khăn, các công ty khác đang tích cực tuyển dụng."

Bởi vì nhân viên công nghệ thường có trình độ đại học, với các kỹ năng chuyên môn có nhu cầu cao trong nhiều ngành, nên cơ hội tìm được việc làm mới của họ là khá lớn trong bất kỳ nền kinh tế nào. Và ngay bây giờ, tỷ lệ cược cho việc đó đang "tốt bất thường".

Ayas và các đồng nghiệp của cô đã phân tích số phận của những nhân viên công nghệ bị sa thải bằng cách xem dữ liệu từ Parachute và Layoffs.fyi, cả hai đều tổng hợp thông tin do những nhân viên không có việc làm cung cấp. Các nhà kinh tế ước tính rằng 75% nhân viên công nghệ bị sa thải vào tháng 10 sẽ tìm được việc làm trong vòng ba tháng. Con số này tăng từ 71% đối với những người bị sa thải vào tháng 1 năm nay và 67% đối với những người mất việc vào tháng 7 năm 2021, khi Thung lũng Silicon vẫn đang trong cơn sốt tuyển dụng.

Mặt trái của làn sóng sa thải trong lĩnh vực công nghệ: Không tệ như mọi người vẫn nghĩ - Ảnh 2.

Tỷ lệ nhân sự công nghệ bị mất việc có thể tìm việc mới trong 3 tháng đang ở mức rất cao.

Revelio Labs cũng phát hiện ra rằng những nhân viên công nghệ bị sa thải đang nhận được việc làm tốt hơn rất nhiều, trong thời kỳ suy thoái hiện tại so với những tháng đầu tiên của đại dịch. Trước đó, chưa đến một nửa (50%) có thể tìm được hợp đồng làm việc mới trong vòng ba tháng. Đó là bởi vì vào năm 2020, không chỉ lĩnh vực công nghệ bị thu hẹp quy mô mà là tất cả mọi người trong đủ các ngành nghề. Chỉ trong vòng hai tháng, nền kinh tế Mỹ đã mất hơn 20 triệu việc làm.

So sánh điều đó với ngày nay, mọi thứ đã khác. Mặc dù hiện tại các công ty công nghệ đang làm ăn rất tệ, nhưng rất nhiều doanh nghiệp trong các ngành khác vẫn ổn, thậm chí phát triển mạnh trên đà phục hồi. Và những nhà tuyển dụng khác đó đang cần rất nhiều lập trình viên, các nhà khoa học dữ liệu và người quản lý sản phẩm. Đây là những chuyên gia mà ngành công nghệ đã thu gom và tích trữ trước đây. Trên toàn bộ nền kinh tế Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp vào tháng trước ở gần mức thấp nhất trong 50 năm là 3,7%, điều này đã rút ngắn thời gian tìm kiếm việc làm của tất cả những người không có việc làm. Vào tháng 11, một người thất nghiệp trung bình chỉ thất nghiệp trong 21 tuần, giảm từ 32 tuần vào tháng 6 năm 2021.

Các nhà kinh tế quan tâm rất nhiều đến con số đó, bởi vì tình trạng thất nghiệp kéo dài có thể gây ra thiệt hại lâu dài cho sự nghiệp và cuộc sống của mọi người. Bạn nghỉ việc càng lâu, kỹ năng của bạn càng trở nên lỗi thời và càng có nhiều khả năng bạn sẽ bị nhà tuyển dụng bỏ qua. Đó là những gì đã xảy ra sau cuộc Đại suy thoái, khi tình trạng sa thải hàng loạt kéo theo sự phục hồi chậm chạp khiến nhiều người Mỹ khó tái gia nhập lực lượng lao động. Và nhiều người trong số những người đã tìm được việc làm đã bị buộc phải giảm lương, khiến họ rơi vào vòng xoáy thu nhập thấp hơn trong nhiều năm.

Mặt trái của làn sóng sa thải trong lĩnh vực công nghệ: Không tệ như mọi người vẫn nghĩ - Ảnh 3.

Cơ hội làm việc luôn mở rộng với những nhân sự có trình độ cao.

Báo cáo từ Revelio Labs cũng nhận thấy ngày nay, không chỉ những nhân viên công nghệ bị sa thải tìm được việc làm nhanh chóng, mà 52% còn thực sự kiếm được nhiều tiền hơn so với trước đây. Để thu hút các ứng viên xin việc, các nhà tuyển dụng vẫn buộc phải đưa ra mức lương cao hơn 7% so với mức họ trả cho nhân viên hiện tại. Và hóa ra, mức lương cao hơn cho những người mới được tuyển dụng không chỉ áp dụng cho những nhân viên tự ý nghỉ việc mà còn áp dụng cho cả những người đã bị sa thải.

Điều đó không có nghĩa là những nhân viên công nghệ bị sa thải sẽ tiếp tục đối mặt với triển vọng việc làm tuyệt vời mãi mãi. Tháng 11 vừa qua được cho là một “cuộc tắm máu” đối với ngành công nghệ, khi những gã khổng lồ như Meta và Amazon thực hiện những cú cắt giảm đặc biệt lớn. Nhưng nếu tình trạng sa thải tiếp tục, nền kinh tế cuối cùng sẽ trở nên quá bão hòa với nhân viên công nghệ. Lúc đó quá trình tìm việc của họ sẽ mất nhiều thời gian hơn và nhiều người hơn sẽ buộc phải chấp nhận mức lương thấp hơn. Dẫu vậy, các dữ liệu cho thấy rằng nền kinh tế vẫn chưa đạt được điều đó, ít nhất là vào lúc này.

Hiện tại, triển vọng việc làm của những người lao động bị sa thải rất khác nhau tùy theo nghề nghiệp của họ. Revelio Labs nhận thấy rằng các kỹ sư phần mềm đã gặp may mắn đặc biệt với 79% những người mất việc kể từ tháng 3 đã nhận được hợp đồng mới trong vòng ba tháng. Mặt khác, các chuyên gia nhân sự lại gặp khó khăn hơn khi chỉ 58% trong số họ tìm được nhà tuyển dụng mới một cách nhanh chóng.

Một cách mà người lao động đang điều hướng sự thay đổi đó là cởi mở hơn với những cơ hội mới. Revelio Labs phát hiện ra rằng gần một nửa số công nhân bị sa thải đã tìm được công việc mới khi đảm nhận những vị trí khác biệt đáng kể so với những vị trí họ đã làm trước đây.

"Rất nhiều người đang thích nghi với những thay đổi này khá nhanh," Ayas nói. "Đó là tin tốt."

Smith, cựu nhân viên của Netflix, là một trong những người đã học cách thích nghi. Trước đây anh làm việc kiểu kết hợp, giờ đây anh hoàn toàn làm việc từ xa. Anh đã chấp nhận chuyển từ làm việc cho một gã khổng lồ công nghệ sang một tổ chức phi lợi nhuận nhỏ hơn nhiều. Và trách nhiệm hàng ngày cũng đã thay đổi khá lớn. Smith cho biết vẫn thích công việc phân tích dữ liệu mà anh ấy từng làm ở Netflix, nhưng nhận thấy công việc mới trong lĩnh vực quản lý dự án sẽ thú vị hơn và nhiều thử thách hơn.

“Tôi nghĩ rằng mình sẽ có rất nhiều điều để học", anh nói.

Tham khảo Business Insider

Theo Bảo Nam

Thể thao & Văn hóa

Trở lên trên