MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Viễn cảnh đen tối đằng sau nguy cơ chiến tranh vì siêu đập 4,6 tỷ USD trên dòng sông Nile

17-07-2020 - 07:35 AM | Tài chính quốc tế

Dòng sông Nile, một trong những kỳ quan tự nhiên của thế giới, đang là trung tâm của một cuộc chiến ngôn từ, nguy cơ leo thang thành xung đột, giữa Ai Cập và Ethiopia vì nguồn nước của nó và một siêu đập khổng lồ.

Viễn cảnh đen tối đằng sau nguy cơ chiến tranh vì siêu đập 4,6 tỷ USD trên dòng sông Nile - Ảnh 1.

Hàng nghìn năm qua, sông Nile chính là cội nguồn cho các nền văn minh. Tuy nhiên, tranh chấp nguồn nước giữa các quốc gia nằm ven bờ sông có thể biến sông Nile trở thành cội nguồn của xung đột. Nguy cơ chiến tranh giữa Ai Cập và Ethiopia đang hiện ra trước mắt sau 9 năm đàm phán mệt mỏi liên quan đến một con đập của Ethiopia không đạt được kết quả.

Hàng nghìn năm qua, nước sông Nile cho phép Ai Cập xây dựng một nền văn minh rực rỡ thời cổ đại và cũng là nền tảng của kinh tế hiện đại. Ngay cả bây giờ, sông Nile vẫn là nguồn sống của Ai Cập. Tuy nhiên, lần đầu tiên trong lịch sử hình thành, dòng chảy của sông Nile bị đe dọa. Cũng lần đầu tiên, Ai Cập bị cơn khát đe dọa.

Đập Phục Hưng, công trình nằm gần biên giới giữa Ethiopia và Sudan, sẽ là con đập lớn nhất châu Phi với kinh phí xây dựng 4,6 tỷ USD. Ethiopia muốn dựa vào nó để cung cấp điện năng cũng như tiềm năng phát triển kinh tế. Tuy nhiên, Ai Cập lo lắng rằng con đập sẽ tích quá nhiều nước sông Nile, khiến cho quốc gia này lâm vào tình cảnh khát nước.

Viễn cảnh đen tối đằng sau nguy cơ chiến tranh vì siêu đập 4,6 tỷ USD trên dòng sông Nile - Ảnh 2.

Con đập của Ethiopia đã hoàn thành 70%. Theo kế hoạch, quốc gia này bắt đầu tích nước từ tháng 7/2020. Họ muốn lấp đầy hồ chứa trong 7 năm, điều mà Ai Cập cho rằng nên diễn ra trong 12 đến 21 năm để giảm thiểu tác động của công trình với nguồn nước sông Nile.

Hiện tại, các cuộc đàm phán 3 bên giữa Ai Cập, Sudan và Ethiopia đã thất bại. Họ muốn nhờ Mỹ và Ngân hàng Thế giới đứng ra với tư cách trung gian hòa giải. Cuối cùng, hồi tháng 3, các cuộc đàm phán khó khăn do Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin dẫn đầu đã cho ra được một thỏa thuận mà Mỹ tin rằng sẽ giải quyết được lợi ích cho tất cả các bên một cách công bằng.

Tuy nhiên, Ethiopia không chấp nhận thỏa thuận mới và rút khỏi các cuộc đàm phán. Động thái này cho thấy Ethiopia dường như đã bị cô lập hoặc không thể thỏa mãn được lợi ích của mình. Thậm chí, họ còn cáo buộc Chính quyền Tổng thống Donald Trump chưa có những đánh giá đầy đủ và khách quan về công trình.

Về phần mình, Ai Cập lên tiếng chỉ trích. "Nước chỉ có nghĩa là điện cho Ethiopia nhưng lại là vấn đề sống còn cho người Ai Cập". Cairo cũng báo buộc hành động của Ethiopia chứng tỏ quốc gia này chưa bao giờ muốn có một thỏa thuận công bằng. Sự bế tắc về đập Phục Hưng thổi bùng một cuộc tranh chấp quyền lực giữa hai gã khổng lồ trong khu vực.

Viễn cảnh đen tối đằng sau nguy cơ chiến tranh vì siêu đập 4,6 tỷ USD trên dòng sông Nile - Ảnh 3.

Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed, người được trao giải Nobel hòa bình, coi đất nước mình là một cường quốc đang lên và muốn tận dụng mọi cơ hội để kiểm soát nền kinh tế đang phát triển nhanh nhất châu Phi. Ông Ahmed có tầm nhìn biến đổi quốc gia nằm ở khu vực sừng châu Phi này thành một thị trường đầu tư hấp dẫn từ một nước đói nghèo.

Phía Ai Cập nhìn sự tăng trưởng mạnh mẽ của Ethiopia với mục đích thực sự là thống trị chiến lược đối với vùng Sừng châu Phi và sông Nile. Theo Cairo, con đập chính là kế hoạch của Ethiopia nhằm làm giảm sức mạnh của Ai Cập.

Ethiopia sẽ tiến hành tổng tuyển cử vào cuối năm nay, điều biến con đập Phục Hưng trở thành một vấn đề chính trị nóng bỏng. Để giành được phiếu bầu, ông Abiy Ahmed cần cho các cử tri thấy rằng họ có thể cứng rắn với những gì được mô tả là một khoản đầu tư mang tính thể diện của quốc gia.

Về phần mình, Ai Cập khẳng định họ không cấm Ethiopia xây đập cũng như chẳng có ác cảm gì với sự thịnh vượng và quyền phát triển của quốc gia này. Tuy nhiên, Ai Cập không muốn mình là nạn nhân, là người phải trả giá cho sự phát triển của một quốc gia khác.

Viễn cảnh đen tối đằng sau nguy cơ chiến tranh vì siêu đập 4,6 tỷ USD trên dòng sông Nile - Ảnh 4.

Trong khi đó, Ai Cập cũng đang nỗ lực giữ gìn những uy tín lâu đời của mình ở Trung Đông và châu Phi. Chính vì điều đó, Chính quyền Ai Cập sẽ không chịu để yên khi vấn đề của đập Phục Hưng không được giải quyết. Thực tế, hàng nghìn ha đất nông nghiệp của Ai Cập có thể bị bỏ hoang vì thiếu nước. Không chỉ là tác động với kinh tế, viễn cảnh này còn thổi bùng những bất ổn chính trị do sự giận dữ của công chúng.

Năm 1978, Ai Cập ký một hiệp ước hòa bình với Isreal sau một cuộc chiến dài. Khi đó, các nhà lãnh đạo Ai Cập nói rằng lý do duy nhất để họ phát động một cuộc chiến trở lại là nước. 10 năm sau, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Boutros Boutros-Ghali, một người Ai Cập, nói rằng cuộc chiến tiếp theo trong khu vực này sẽ diễn ra vì nước sông Nile chứ không phải chính trị.

Chiến tranh vì nước sông Nile đã là cái gì đó cố thủ sâu trong tiềm thức những người Ai Cập. Thực tế, con sông này là nguồn sống cho một quốc gia mà sa mạc áp đảo diện tích. Chính sự khắc nghiệt này đã khiến người Ai Cập sẵn sàng đổ máu vì dòng nước. Dù ở bất cứ hiện trạng nào, các nhà lãnh đạo Ai Cập cũng không đứng sang một bên để nhìn người dân mình đối mặt với cơn khát.

Khi Ethiopia bị cô lập, Ai Cập bị dồn vào góc tường vì những mâu thuẫn xung quanh con đập Phục Hưng, xung đột là nguy cơ hiện hữu.

Viễn cảnh đen tối đằng sau nguy cơ chiến tranh vì siêu đập 4,6 tỷ USD trên dòng sông Nile - Ảnh 5.

Nước, vốn được con người coi là tài nguyên vô hạn, lại đang thực sự cho thấy nó thiếu đến mức độ nào. Biến đổi khí hậu làm thay đổi các điều kiện thời tiết, đe dọa nguồn nước của phân nửa nhân loại. Sự thiếu hụt này cũng có thể là khởi đầu cho những cuộc chiến vì nước. Tuy nhiên, chúng lại mới là chủ đề được nêu ra trong vài thập niên trở lại đây.

Một thập kỷ trước, vấn đề được người ta bàn luận nhiều chính là nguy cơ chiến tranh liên quan đến nguồn nước. Biến đổi khí hậu khiến một số nơi chịu hạn hán nặng nề trong khi số khác thường xuyên hứng chịu mưa lũ. Thực tế, 4 tỷ người, tức một nửa nhân loại, đang chịu cảnh thiếu nước nghiêm trọng ít nhất 1 tháng trong năm.

Viễn cảnh đen tối đằng sau nguy cơ chiến tranh vì siêu đập 4,6 tỷ USD trên dòng sông Nile - Ảnh 6.

Trong một thống kê được Viện Hòa bình ở Oakland, California xuất bản cho thấy 279 cuộc xung đột liên quan tới nước xảy ra kể từ năm 2010-2019. Với nhu cầu về nước toàn cầu sẽ tăng 20-30% trong năm 2050, những cuộc chiến liên quan đến thứ tài nguyên thiết yếu này không phải là điều viễn tưởng. Thậm chí, một báo cáo của Ủy ban châu Âu đã chỉ ra 5 khu vực có thể nổ ra xung đột vì nước là các hệ thống sông Nile, sông Hằng, sông Ấn, sông Tigris-Euphrates và sông Colorado.

Đảm bảo mọi người có quyền hưởng lợi từ nguồn nước, có nước sạch để sử dụng đặt ra câu hỏi nghiêm túc về sự quản lý nguồn nước, thứ tài nguyên quý giá nhất với sự sống. Công nghệ có thể giúp con người giải một phần cơn khát nhưng việc chia sẻ lợi ích từ các nguồn nước tự nhiên sẽ là chìa khóa để ngăn chặn xung đột và tạo điều kiện cho thịnh vượng bao trùm.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên