Mâu thuẫn lợi ích đằng sau những khu ổ chuột giữa Sài Gòn
Hàng trăm chung cư cũ tại TP.HCM đang xuống cấp trầm trọng, nhưng việc xây mới gặp nhiều khó khăn. Mâu thuẫn lợi ích giữa chủ đầu tư, người dân và chính sách liên quan vẫn là yếu tố chưa được giải quyết thỏa đáng.
- 16-06-2016Cải tạo chung cư cũ: Vẫn “rùa bò”
- 15-06-2016Có thể chỉ định nhà đầu tư cải tạo chung cư cũ
- 14-06-2016Tính sao để dân dễ rời chung cư cũ?
Doanh nghiệp sợ rủi ro
Tại tọa đàm Giải pháp cải tạo chung cư cũ do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức ngày 11/6, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở xây dựng TP.HCM cho biết: “TP.HCM hiện có 474 chung cư cũ được đầu tư xây dựng trước năm 1975, chiếm khoảng 1/3 tổng số chung cư trên địa bàn thành phố. Trong đó có 27.000 hộ gia đình đang cư ngụ tại các khu chung cư này.
Các khu chung cư nói trên chỉ có niên hạn sử dụng 40 năm, cho nên tình trạng hư hỏng là một thực tế tất yếu. Chất lượng nhà ở chật hẹp, kết cấu không đảm bảo an toàn, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và mỹ quan đô thị. Trong 10 năm từ 2006 đến nay, thành phố đã tháo dỡ, di dời được 32 chung cư. Tuy nhiên, kết quả này còn khiêm tốn và chưa đáp ứng được yêu cầu”.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành cho rằng: “Việc tham gia vào các dự án cải tạo, xây mới chung cư cũ , rủi ro cho nhà đầu tư là quá lớn. Doanh nghiệp phải bỏ ra số tiền lớn để bồi thường, thế nhưng chỉ cần một vài hộ dân không chấp nhận giá bồi thường đó khiến dự án bị “ngâm” vốn là đã vô cùng rủi ro”.
Bên cạnh đó, ông Nghĩa còn dẫn thêm những rủi ro khác như: Đội chi phí đầu tư, thời gian cho thủ tục hành chính kéo dài, mâu thuẫn về thiết kế căn hộ cho nhiều đối tượng cùng sinh sống trong một khu chung cư (một bên là dành cho tái định cư, một bên là bán kinh doanh cho người giàu), cộng thêm vấn đề lợi nhuận quá ít ỏi. Còn nếu muốn tăng doanh thu thì cần phải tăng thêm hệ số sử dụng đất, thế nhưng điều này sẽ càng tăng thêm áp lực xã hội, áp lực hạ tầng.
Ông Châu Minh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình cho biết, thực tế hiện nay, chủ đầu tư có tiềm lực tài chính thì không mặn mà với các dự án cải tạo, xây mới chung cư cũ, còn chủ đầu tư quan tâm lại yếu về tài chính.
Thiếu niềm tin lẫn nhau
Bên cạnh những “lấn cấn” về chủ đầu tư thì ở đây còn có những mâu thuẫn giữa chính sách và việc bồi thường cho người dân khi bị giải tỏa. Theo ông Trần Trọng Tuấn, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng không thuận lợi khi có một bộ phận các hộ dân đòi hỏi giá bồi thường cao, chính quyền địa phương ngại phát sinh khiếu kiện, phương án bồi thường chưa hợp lý, chưa bảo đảm hài hòa lợi ích giữa chủ đầu tư, người dân và Nhà nước.
Ông Tô Điệp, một người dân sống tại chung cư Nam Kỳ Khởi Nghĩa nêu quan điểm, trước nay dân không chịu di dời là do chủ đầu tư đền bù không thỏa đáng. Phải làm sao để cho dân có diện tích tái định cư, chứ đừng ép giá với dân, cần uyển chuyển áp dụng đơn giá trong đền bù giải phóng mặt bằng.
“Giữa người dân và nhà đầu tư chưa có niềm tin lẫn nhau, còn nhà đầu tư thì không có niềm tin với chính quyền. Ở đây không có sự nhất trí, đồng lòng. Giải pháp cơ bản khi chủ đầu tư đã tham gia vào dự án cải tạo, xây mới chung cư cũ là nếu chủ đầu tư đã nhận mà không thể giải quyết dứt điểm, không làm được thì chính quyền phải có trách nhiệm giải quyết”, ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đức Khải, chủ đầu tư đã tham gia vào 4 dự án cải tạo, xây mới chung cư cũ trên địa bàn TP.HCM cho hay.
Nhiều phương án “gỡ khó” trong việc di dời dân, đền bù giải phóng mặt bằng đã được đưa ra. Ông Châu Minh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình đề xuất phương án bồi thường cho người dân bằng hình thức tạm cư, không bồi thường bằng tiền mặt.
Còn theo ông Phan Trường Sơn, Trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM: “Công tác khó khăn nhất là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Vấn đề ở đây không chỉ là bồi thường thỏa đáng cho dân mà phải có sự đồng thuận giữa người dân và chủ đầu tư. Phải giải thích cho dân, chung cư hư hỏng thì cần phải di dời để tránh nguy hiểm.
Tuy nhiên, nếu dân không chịu di dời, kéo dài thời gian giải phóng mặt bằng. Trường hợp quá thời hạn trái với quy định 12 tháng đối với chung cư hư hỏng nặng và 3 tháng đối với chung cư nguy hiểm, thì Nhà nước sẽ giải quyết thực hiện. Sở Xây dựng đề xuất và báo cáo với UBND TP.HCM chỉ lựa chọn phương thức tái định cư tại chỗ (áp dụng với chung cư được quy hoạch lại tại vị trí cũ), mà không thực hiện phương thức bồi thường. Nhà nước cần bố trí chỗ ở tái định cư tốt hơn so với chỗ ở cũ”.
“Trong Nghị định 101 cũng đã quy định rất rõ về lợi nhuận của chủ đầu tư khi tham gia đầu tư, xây dựng lại chung cư cũ là 10%, cho nên chủ đầu tư không thể có chuyện ăn lợi nhuận quá đáng ở đây. Điều này người dân nên yên tâm”, ông Lê Hoàng Châu khẳng định. Cũng theo ông Châu, cần thực hiện tái định cư tại chỗ, đây là phương thức hết sức quan trọng.