MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Máy bay "Made in China" và tham vọng cạnh tranh với Boeing, Airbus của Trung Quốc

13-05-2017 - 11:14 AM | Tài chính quốc tế

Các hãng hàng không nội địa của Trung Quốc trước giờ vẫn là khách hàng lớn về máy bay hành khách cỡ lớn của Airbus và Boeing. Tuy nhiên, theo giới phân tích, các nhà sản xuất phương Tây không nên “mất ngủ” về những tham vọng của Trung Quốc trong thị trường này.

Thứ Sáu tuần trước, chiếc máy bay chở khách 158 chỗ ngồi do Tập đoàn hàng không thương mại Trung Quốc, một công ty quốc doanh, lắp ráp đã có chuyến bay thử nghiệm đầu tiên từ Thượng Hải. Báo giới Trung Quốc đã ca ngợi chuyến bay đó là dấu hiệu của tầm ảnh hưởng và sức mạnh của ngành sản xuất “đang lên” của quốc gia này, dù các chuyên gia cho rằng loại máy bay này vẫn còn đối mặt nhiều trở ngại quan trọng.

C919 là dạng máy bay thân hẹp, có kích thước tương tự chiếc 737 của Boeing và A320 của Airbus. Chiếc máy bay chở khách của Trung Quốc này được phát triển từ năm 2008, và so với kế hoạch đề ra, chuyến bay đầu tiên của nó trễ hơn khoảng 3 năm.

C919 sẽ được lắp ráp tại Trung Quốc, với một số công nghệ đến từ các đối tác phương Tây, trong đó có Honeywell và General Electric.

“Các bộ phận máy bay được cho là đáng tin cậy, nhưng vấn đề nằm ở chất lượng của việc lắp ráp”, Jonathan Root, chuyên gia phân tích của Moody's, lên tiếng.

Nhiều thập niên qua, Trung Quốc đã cố gắng bước vào lĩnh vực sản xuất máy bay thương mại.

Ở những năm 1970, Trung Quốc đã phát triển được chiếc máy bay thân hẹp Y-10, dù bị xem là “bản nhái” của Boeing 707. Sau đó, vào năm 2008, Trung Quốc cho ra mắt chiếc ARJ21 có đến 90 chỗ ngồi và bắt đầu các hoạt động thương mại vào tháng 6 vừa qua.

Richard Aboulafia, phó chủ tịch công ty tư vấn công nghiệp của tập đoàn Teal, tin rằng Trung Quốc đã mắc phải 2 sai lầm “cơ bản” trong việc phát triển chiếc C919.

Thứ nhất, ông nghĩ rằng giao việc phát triển C919 cho một doanh nghiệp quốc doanh là cách tiếp cận sai lầm với lĩnh vực kinh doanh máy bay thương mại toàn cầu. Thứ hai, ông vẫn cho rằng hợp tác với các nhà sản xuất thiết bị phương Tây theo kiểu có điều kiện (như Trung Quốc phải được tham gia sản xuất các bộ phận thay vì mua hoàn toàn) sẽ tăng thêm rủi ro và cuối cùng không mang lại công nghệ mới nhất, vì những lo ngại về sở hữu trí tuệ.

“Về cơ bản, họ đang nói với các đối tác rằng họ không có bảo hộ tài sản trí tuệ. Điều này sẽ khiến cho các nhà sản xuất phương Tây thỉnh thoảng đưa vào các công nghệ ‘mới nhất và tốt nhất’ từ năm... 1985”, Aboulafia nói.

CNBC đã liên hệ với GE và Honeywell để có thêm bình luận từ 2 đối tác này.

Theo các bản tin, C919 đã có ít nhất 570 đơn hàng từ Air China và một số hãng hàng không khác ở Trung Quốc cũng như một số hãng nước ngoài. Trước đây Trung Quốc đã nói rằng họ dự định bán hơn 2000 chiếc trong hơn 2 thập niên sau khi loại máy bay này được đưa vào phục vụ.

Giới phân tích cho rằng các hãng hàng không phương Tây có thể do dự trong việc chuyển sang dùng máy bay Trung Quốc chỉ để tiết kiệm chi phí.

“Nếu tôi đang quản lý một đội máy bay cho một hãng hàng không Mỹ hay châu Âu, tôi sẽ tuân thủ theo các tiêu chuẩn của máy bay như sự hiệu quả trong phục vụ, hồ sơ hoạt động, độ tin cậy .v.v. Tôi nghĩ phải mất vài năm sau khi được đưa vào phục vụ mới có thể thuyết phục được tôi xem xét đưa loại máy bay đó vào đội bay”, Root cho biết.

C919 đã được Hiệp hội hàng không dân dụng Trung Quốc cấp phép bay hồi tháng trước. Tuy nhiên, nó vẫn cần phải nhận được sự chứng nhận từ các cơ quan an toàn của Mỹ và châu Âu mới có thể hoạt động được ở những thị trường đó.

Ngay cả thế, theo chuyên gia phân tích của Moody’s, trong 5 đến 10 năm tới, ông vẫn tin rằng những hãng hàng không danh tiếng sẽ vẫn tin dùng Boeing và Airbus hơn là C919.

Tuy nhiên, nếu doanh số của C919 tăng vọt thì Boeing có thể thấy việc kinh doanh của mình ở Trung Quốc sẽ bắt đầu giảm, vì nhu cầu lớn nhất dành cho máy bay thương mại của Boeing là các mẫu máy bay thân hẹp.

Hồi tháng 10, trong hội nghị báo cáo lợi nhuận của Boeing, CEO Dennis Muilenburg đã nói với giới phân tích rằng họ hiện xem Trung Quốc là “cơ hội thị trường trị giá 1 ngàn tỉ USD” dành cho máy bay thương mại trong 20 năm tới.

Tính đến hết tháng 4 vừa qua, tổng đơn hàng của Boeing đã vượt hơn 5.700 chiếc, trong đó thị trường châu Á khoảng 1.300 chiếc và riêng Trung Quốc là 323 chiếc. Hiện có khoảng 1.000 chiếc đang được Boeing sản xuất vẫn chưa được “nhận diện”, vì thế có thể đó là một phần trong các đơn hàng cũng dành cho thị trường Trung Quốc.

Thanh Hải

CNBC

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên