MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Máy bay Pakistan rơi “do phi công mải nói chuyện Covid-19”

25-06-2020 - 14:00 PM | Tài chính quốc tế

Các phi công của một chiếc máy bay Pakistan bị rơi hồi tháng trước khiến 97 người thiệt mạng đã bị phân tâm khi nói chuyện về đại dịch Covid-19.

Reuters dẫn báo cáo sơ bộ vụ rơi máy bay Airbus A320 của hãng hàng không quốc tế Pakistan (PIA), công bố hôm 24-6, cho biết như trên.

Trình bày báo cáo trước quốc hội, Bộ trưởng Hàng không Pakistan Ghulam Sarwar Khan nói cả hai phi công lẫn nhân viên kiểm soát không lưu đều không tuân thủ quy trình, dẫn đến vụ tai nạn hôm 22-5.

"Hai phi công không tập trung vì đại dịch Covid-19 . Thật không may, cuộc thảo luận xuyên suốt của họ là về virus SARS-CoV-2. Virus SARS-CoV-2 chiếm tâm trí họ và gia đình họ đang bị ảnh hưởng (bởi đại dịch). Máy bay không bị lỗi kỹ thuật. Cơ trưởng và cơ phó đều có kinh nghiệm và phù hợp về mặt y tế để lái máy bay" – ông Khan xác nhận.

Theo báo cáo sơ bộ hôm 24-6, các phi công không nhắc tới bất kỳ lỗi kỹ thuật nào trong lần hạ cánh cuối cùng, lúc nó đang ở độ cao 2,2 km và cách đường băng 16 km. Thêm vào đó, nhân viên kiểm soát không lưu đề nghị phi công không hạ cánh vì phát hiện sự bất thường nhưng bị phớt lờ.

"Sau khi nhận được yêu cầu, phi công nói sẽ kiểm soát được tình hình rồi tiếp tục thảo luận về Covid-19" – ông Khan cho biết thêm.

Chiếc Airbus A320 của PIA cất cánh từ TP Lahore đã bị rơi xuống một khu dân cư ở TP Karachi, cách đường băng khoảng 1 km. Dữ liệu hộp đen cho thấy thiết bị hạ cánh được kích hoạt để chuẩn bị đáp nhưng sau đó lại gập vào.

Sau khi giảm độ cao đột ngột, phi công đưa máy bay trượt lên đường băng mà không có thiết bị hạ cánh, chà xát hai động cơ ở vận tốc hơn 327 km/giờ.

Cuối cùng, họ phải từ bỏ nỗ lực hạ cánh, bay lên cao nhưng tiếp tục gặp sự cố bị tắt nguồn điện. Chiếc Airbus SE A320 sau đó lao vào khu dân cư bất chấp nỗ lực cho máy bay quay trở lại đường băng. Những lời cuối cùng từ phi công là "Chúa ơi, Chúa ơi, Chúa ơi".

Nhà tư vấn an toàn hàng không John Cox, trước đây từng lái một chiếc Airbus A320 cho một hãng hàng không Mỹ, bình luận: "Thật không thể tin được khi phi hành đoàn một chiếc máy bay phản lực như Airbus, trang bị tất cả hệ thống cảnh báo, lại cố gắng hạ cánh mà không cần thiết bị mở rộng".

Trong số 99 người trên máy bay có 2 người may mắn sống sót.

Theo Phạm Nghĩa

Người Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên