Máy giặt dùng xong có nên rút dây điện hay không? Dùng đã lâu nhưng không phải ai cũng biết
Là một thiết bị quen thuộc trong các gia đình song không phải ai cũng biết, có nên rút dây điện sau khi dùng xong máy giặt hay không.
- 03-05-20233 thói quen sai lầm khiến máy giặt nổ khi đang vận hành, gia đình cần lưu ý
- 08-04-2023Nên mua máy giặt cửa trên hay máy giặt cửa trước? Chuyên gia đưa ra 3 lợi thế "vượt trội" hơn của 1 loại
- 15-02-20235 máy giặt sấy thiết kế đẹp, giá cả phải chăng, khả năng sấy tốt cho mùa nồm ẩm
Nhắc tới những thiết bị gia dụng quen thuộc, thường xuyên được sử dụng trong gia đình, chắc chắn không thể quên cái tên máy giặt. Từ khi ra đời, máy giặt đã hỗ trợ được rất nhiều cho cuộc sống con người, giúp giải phóng sức lao động, giảm đến hơn 1 nửa thời gian và công sức cho quá trình làm sạch quần áo, trang phục bẩn.
Tuy nhiên, việc sử dụng máy giặt vốn dĩ không hề đơn giản như nhiều người dùng tưởng. Nếu sử dụng không đúng cách, có thể khiến thiết bị không đạt được hiệu quả hoạt động cao nhất, hoặc bị ăn mòn, giảm tuổi thọ.
Điển hình là câu hỏi: "Có nên rút điện máy giặt sau khi sử dụng xong hay không?". Đây cũng là câu hỏi được nhiều người dùng quan tâm, kể cả những người đã sử dụng máy giặt lâu năm.
Có 2 luồng ý kiến để đưa ra câu trả lời cho câu hỏi này. Một phe cho rằng, việc làm này chẳng mấy cần thiết, vì máy giặt ngày nào cũng cần sử dụng, nếu cứ rút ra rồi lại cắm lại thì chẳng phải có phần mất công hay sao. Số khác lại nhận xét, việc rút dây điện máy giặt ra cũng giống như bao thiết bị khác trong nhà, có thể giúp tiết kiệm một lượng điện nhất định và đảm bảo an toàn hơn. Vậy thật sự, làm như thế nào mới là đúng?
Chuyên gia đưa ra lời khuyên
Nhiều chuyên gia đến từ các nhà sản xuất và phân phối máy giặt, hoặc các siêu thị điện máy có tiếng đã đưa ra quan điểm cho việc rút điện máy giặt sau khi dùng xong. Theo đó, đúng là dù không còn hoạt động nữa, nhưng khi vẫn còn được cắm điện, thì vẫn có dòng điện chạy vào bên trong thiết bị. Vì vậy, với các thiết bị như tivi, quạt hay lò nướng, việc rút điện rất được khuyến khích.
Tương tự với máy giặt cũng như vậy. Mặc dù nếu gia đình bạn sử dụng máy giặt thường xuyên, theo kiểu mỗi ngày một lần, lượng điện được tiết kiệm cũng không quá đáng kể, song nó vẫn tiết kiệm được một lượng nhất định. Ngoài ra, việc rút điện còn giúp hạn chế tình trạng tăng giảm đột ngột của nguồn điện làm mạch điện bị hư hại nghiêm trọng, các phần nhựa bao bọc thiết bị tan chảy ảnh hưởng đến bộ vi xử lý, gây rò rỉ và chập mạch.
Ảnh minh họa
Chính vì vậy, các gia đình nên cân nhắc rút điện máy giặt sau khi sử dụng xong. Nhiều giả thiết cũng cho rằng, việc làm này có thể tiềm ẩn nguy cơ gây cho dây điện bị hao mòn, dẫn đến rò rỉ hay giảm tuổi thọ thiết bị. Tuy nhiên vấn đề này không quá đáng lo ngại. Để hạn chế tuyệt đối vấn đề này, người dùng cũng có thể trang bị ổ cắm điện có công tắc riêng biệt cho máy giặt. Khi cần thiết chỉ cần bật, tắt công tắc là xong, không cần rút dây điện trực tiếp, vừa tiện lợi, vừa đảm bảo an toàn.
Trang bị các loại ổ cắm có công tắc bấm (Ảnh minh họa)
Những cách để sử dụng máy giặt an toàn, lâu bền
Cách sử dụng hàng ngày của người dùng cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả hoạt động, tuổi họ cũng như độ an toàn của thiết bị. Dưới đây là một số lời khuyên về các cách sử dụng đúng.
1. Bổ trợ ổ cắm an toàn
Đa phần máy giặt sẽ được lắp đặt ở khu vực gần nguồn nước, ví dụ như trong phòng vệ sinh, để tiện cho việc vận hành. Tuy nhiên điều này tiềm ẩn nguy cơ xảy ra chập cháy, khi nước vô tình bắn vào ổ điện và làm khu vực này ẩm trong thời gian dài.
Chính vì vậy hiện nay, các chuyên gia khuyên rằng các gia đình nên lắp đặt bổ trợ các kiểu ổ cắm có tính an toàn cao hơn. Có thể kể tới như hộp bảo vệ ổ cắp bên ngoài. Chúng sẽ giúp ngăn chặn nước hay hơi nước xâm nhập vào ổ cắm, gây nguy hiểm khi cắm điện.
Bên cạnh đó, để dây cắm luôn ở trạng thái khô ráo, người dùng hãy trang bị thêm các móc treo đính tường. Khi rút dây điện ra thì chỉ cần treo lên các móc này là được.
Dây điện hay ổ cắm điện nên được giữ khô ráo (Ảnh minh họa)
2. Lưu ý về khối lượng giặt
Mỗi chiếc máy giặt đều có chỉ số về khối lượng giặt khác nhau. Người dùng cần lưu ý con số này để sử dụng sao cho máy không bị quá tải. Việc quá tải sẽ khiến máy kêu to khi hoạt động, giặt đồ không sạch hoặc hư hỏng hoàn toàn.
Theo các chuyên gia, chỉ nên cho lượng đồ đầy khoảng 3/4 dung tích lồng máy. Không nên cố nhồi nhét, nén đồ vào máy giặt.
Ảnh minh họa
3. Sử dụng đúng bột, nước giặt
Một sai lầm phổ biến nữa khiến máy giặt nhanh hỏng hoặc hoạt động không hiệu quả đó là sử dụng không đúng loại bột, nước giặt. Nhiều loại bột, nước giặt có ghi rõ, chúng phù hợp sử dụng cho máy giặt cửa trên hoặc máy giặt cửa trước. Vì vậy người dùng cần để ý kỹ thông tin này.
4. Kiểm tra kỹ quần áo trước khi giặt với máy
Trước khi cho trang phục vào máy giặt, hãy kiểm tra kỹ và chắc chắn rằng, không có các vật lạ, đặc biệt là những vật có thể gây nguy hiểm bên trong quần áo của bạn. Danh sách những vật này có thể kể tới là đồ bằng giấy, kim loại, vật sắc nhọn hay bật lửa. Khi đưa vào máy giặt để xử lý, chúng sẽ gây ảnh hưởng tới lồng giặt, thậm chí gây chập cháy nguy hiểm.
Với các loại áo, quần có khóa kéo, đảm bảo mở khóa toàn bộ, tất bị cuộn phải được gỡ ra và giũ thẳng, các ống quần hay tay áo cũng tương tự như vậy. Với những loại trang phục có chất liệu vải dễ rách hoặc co giãn, nên được cho vào túi lưới giặt riêng biệt để được bảo vệ tốt hơn.
Ảnh minh họa
5. Hạn chế dừng chu trình giặt đột ngột
Một vài người dùng chia sẻ, thi thoảng khi giặt đồ, họ sẽ chợt nhớ ra còn quên thứ gì đó chưa cho vào máy giặt. Chính vì vậy họ sẽ dừng chu trình giặt hay mở cửa máy ra một cách đột ngột để bổ sung đồ bị thiếu.
Tuy nhiên các chuyên gia khuyến cáo việc làm này là không nên. Việc bị dừng lại đột ngột khi đang hoạt động có thể khiến máy giặt bị chập điện thậm chí là hư hỏng.
6. Vệ sinh, bảo dưỡng máy giặt định kỳ
Cũng như bao thiết bị khác, máy giặt cần được vệ sinh và bảo dưỡng định kỳ để có được hiệu quả tốt nhất cũng như gia tăng tuổi thọ và giúp máy vận hành an toàn hơn.
Máy giặt cũng nên được vệ sinh và bảo dưỡng định kỳ (Ảnh minh họa)
Với việc vệ sinh, người dùng hoàn toàn có thể tự thực hiện tại nhà bằng các nguyên liệu đơn giản. Chú ý vệ sinh các bộ phận quan trọng như lồng máy giặt, khay chứa bột, nước giặt hay đường ống thải nước... Còn với việc bảo dưỡng, nên được thực hiện khoảng 1-2 lần/năm và nhờ tới sự giúp đỡ của các đơn vị sửa chữa chuyên nghiệp.
Thể thao & văn hóa