MB dự kiến lãi 5.500 tỷ trong quý 1, hé lộ ''điều đột biến'' trong năm 2022
Tổng Giám đốc MB cho biết, cơ hội tăng trưởng của ngân hàng trong năm 2022 là lớn. Ngoài ra, năm nay cũng có thể xuất hiện những sự đột biến tạo ra không gian tăng trưởng cho MB.
- 12-03-2022MB: Lợi nhuận riêng lẻ 2 tháng đạt 3.500 tỷ đồng, SSI dự báo lãi cả năm chạm mốc 1 tỷ USD
- 22-02-2022Bảng xếp hạng 27 ngân hàng Việt theo mô hình Camel: Vietcombank vẫn đầu bảng, MB vươn lên á quân, top 10 có nhiều bất ngờ
- 16-02-2022Không phải Techcombank, cũng không phải MB, một ngân hàng "không ai nghĩ tới" lại có tỷ lệ CASA cao hơn cả Vietcombank
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ giới phân tích và nhà đầu tư ngày 15/3, ban lãnh đạo MB cho biết đã được Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tạm thời là 15% và kỳ vọng sẽ được nới thêm trong thời gian tới. Trong năm 2022, MB có kế hoạch tăng trưởng tín dụng 20% và chuẩn bị cho các kịch bản tăng trưởng đột biến. Trong năm trước, tăng trưởng tín dụng ngân hàng đạt 25%.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng của MB tính đến thời điểm hiện tại vào khoảng 10%, tương đối nhanh so với hạn mức được cấp. Với mức tăng trưởng trên, ông Lưu Trung Thái – Tổng Giám đốc MB dự kiến lợi nhuận hợp nhất quý 1 sẽ đạt khoảng 5.500 tỷ và con số thực hiện trong 2 tháng đã bám sát mục tiêu này.
Theo CEO MB, dù chi phí huy động vốn có xu hướng tăng nhưng ban điều hành ngân hàng sẽ cố gắng duy trì tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) tương đương năm 2021.
Đối với kế hoạch phát hành riêng lẻ cho cổ đông lớn Viettel, ông Thái cho hay, đáng lẽ thương vụ đã hoàn tất trong năm 2021 nhưng do Viettel thay đổi chiến lược nên phải lùi sang năm 2022. Hiện, ngân hàng đang tiến hành triển khai phát hành cổ phiếu cho Viettel và dự kiến hoàn tất trong 6 tháng đầu năm.
Tổng Giám đốc MB nhận định, cơ hội tăng trưởng của ngân hàng trong năm 2022 là lớn nhờ tiến trình chuyển đổi số và các mô hình kinh doanh trọng yếu bắt đầu phát huy kết quả. Bên cạnh đó, ông Thái cũng kỳ vọng năm nay có thể xuất hiện những sự đột biến tạo ra không gian tăng trưởng cho ngân hàng. Và từ giờ đến đại hội đồng cổ đông thường niên 2022, ban lãnh đạo MB sẽ thông tin về những đột biến đến nhà đầu tư.
Trước đó, tại báo cáo cập nhất mới phát hành, SSI Research cho biết MB đã duy trì đà tăng trưởng tốt 2 tháng đầu năm nay với tín dụng tăng 6% và lợi nhuận ngân hàng mẹ đạt 3.500 tỷ đồng. MB hiện có một số kịch bản cho 2022, dựa trên các mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 15% đến 35% phụ thuộc vào hạn mức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước cấp.
Với kịch bản cơ sở là tăng trưởng tín dụng và huy động đạt lần lượt ở mức 15% và 6,8%, lợi nhuận trước thuế MB có thể tăng 20% lên 19.800 tỷ đồng. Tỷ lệ ROE 23% và tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%, CIR duy trì thấp hơn 29% đối với ngân hàng mẹ, số lượng khách hàng cá nhân là 13-14 triệu khách.
Theo ước tính của SSI Research, lợi nhuận trước thuế của MB năm 2022 sẽ tăng 35%, đạt 22.300 tỷ đồng. NIM khá ổn định ở mức 5,1%; CASA trung bình cả năm sẽ ở quanh mức 42% - 44%; ROE có thể đạt 26,3% - mức cao thứ 2 toàn hệ thống và cao nhất trong số các ngân hàng có quy mô tương đương.
Đối với các thông tin liên quan đến việc MB sẽ hỗ trợ một ''ngân hàng 0 đồng", SSI Resrearch cho rằng nếu thành công, thương vụ này có thể đem lại nhiều lợi ích về dài hạn cho ngân hàng.
Cụ thể, ngoài quyền lợi theo quy định, MB cũng có khả năng sẽ được cấp hạn mức tín dụng cao hơn. Thực tế, trong những năm qua, khi các ngân hàng hỗ trợ một số quỹ tín dụng, họ thường được cấp hạn mức tín dụng cao hơn.
Nếu giả định MB được cấp thêm 10% hạn mức tín dụng (hoặc 34 nghìn tỷ đồng) theo số liệu 2021 và cung cấp 10 nghìn tỷ đồng vốn chi phí thấp cho ngân hàng được hỗ trợ, tác động ròng đến thu nhập hoạt động và lợi nhuận trước thuế của MB có thể là 1 nghìn tỷ đồng và 600 tỷ đồng (giả định NIM là 4,3% và chi phí tín dụng 1,8%). Con số trên chưa tính đến khả năng sau khi tái cơ cấu thành công, MB có thể thoái vốn tại ngân hàng được hỗ trợ.
Trí Thức Trẻ