MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

MBS: Áp lực tăng vốn làm ảnh hưởng tới lợi nhuận của VietinBank

13-06-2018 - 15:41 PM | Tài chính - ngân hàng

MBS cho rằng, tỷ lệ sở hữu cổ đông nước ngoài ở mức trần và những khó khăn trong các giải pháp tăng vốn sẽ làm giới hạn khả năng tăng trưởng của VietinBank.

Công ty Chứng khoán MB (MBS) vừa có báo cáo phân tích về Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank – CTG).

Áp lực tăng vốn làm giới hạn khả năng tăng trưởng lợi nhuận

Theo nhận định của MBS, những khó khăn về tăng vốn cấp 1 cũng như tỷ lệ sở hữu của cổ đông ngoại đạt mức tối đa sẽ giới hạn khả năng tăng trưởng tín dụng cũng như tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng.

Trở ngại đầu tiên đến từ việc VietinBank phải tuân thủ những quy định của NHNN về việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt về ngân sách nhà nước thay vì cổ tức cổ phiếu hay cổ phiếu thưởng.

Ngoài ra, theo Quyết định 58/2016/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính Phủ, trong giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ sở hữu của Nhà Nước trong các ngân hàng không được giảm dưới 65% và tỷ lệ sở hữu của Nhà Nước hiện tại ở CTG là 64,46%. Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) có khả năng không tham gia vào đợt phát hành riêng lẻ của CTG. 

"Chúng tôi cho rằng khả năng phát hành thêm riêng lẻ cho những nhà đầu tư bên ngoài là thấp vì điều này có thể làm giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà Nước tại ngân hàng", MBS nhận định. Room ngoại của VietinBank hiện tại cũng đã đạt mức tối đa 30% và khá thách thức để tăng tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài. 

Nợ xấu có thể đến từ các dự án BOT

Ngoài áp lực tăng vốn, MBS cũng lưu ý những rủi ro về các khoản cho vay dự án BOT và những doanh nghiệp quốc doanh tại VietinBank. Trong năm 2016, VietinBank cho vay 31 dự án BOT, khoảng 27.886 tỷ VNĐ (chiếm 4,3% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng), đứng thứ hai trong hệ thống ngân hàng cho vay các dự án BOT. 

Trong 31 dự án BOT, có khoảng 21 dự án đã tất toán xong trong khi 10 dự án đang xây dựng. Ngân hàng báo cáo các khoản cho vay chưa thanh toán hiện tại đều đạt chuẩn. "Do đó, chúng tôi dự báo những khoảng vay BOT của ngân hàng sẽ đối mặt với rủi ro thanh khoản cao khi thời gian xây dựng dự án không khớp với thời gian cho vay", MBS cho biết. 

Bên cạnh những rủi ro trên, MBS đánh giá, với lợi thế về vốn, nhận diện thương hiệu cao, hệ thống mạng lưới chi nhánh rộng của một ngân hàng thương mại TMCP NN cũng như chất lượng tài sản tốt, lợi nhuận ròng của ngân hàng trong năm 2018 được dự đoán tăng trưởng ấn tượng 29% so với những ngân hàng TMCP NN khác. ROEA năm 2018 và 2019 được dự báo đạt tương ứng 14,6% và 16,8%.  

Diệp Trần

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên