MBS: “Trong ngắn hạn, VN-Index có thể rung lắc quanh vùng 1.200 điểm nhưng sẽ sớm vượt đỉnh, thậm chí lên 1.410 điểm trong năm nay”
Dù không chắc chắn rằng liệu thị trường có thể vượt đỉnh ngay trong tháng 2 này hay không, đặc biệt thời gian còn lại trong tháng 2 còn rất ít, tuy vậy MBS cho rằng nhà đầu tư có thể tin rằng trong năm nay thị trường sẽ lập kỷ lục mới về điểm số.
Trong báo cáo mới được công bố, CTCK MBS đánh giá kinh tế Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi trong tháng 1 năm 2021 và các cân đối vĩ mô như lạm phát, tỷ giá hối đoái và cán cân thanh toán cơ bản được giữ vững. Tác động của đợt dịch Covid 19 xảy ra trước tết Nguyên Đán có khả năng làm nền kinh tế chững lại trong tháng 2 song về cơ bản không thay đổi xu hướng chung do nền kinh tế thế giới vẫn trong pha phục hồi và khả năng kìm chế dịch bệnh tốt của Chính Phủ Việt Nam.
Về diễn biến TTCK, chỉ số VN-Index khép lại tuần giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ kéo dài với mức tăng trưởng mạnh nhất trên thế giới (+5,3%) lên trên 1.170 điểm, tương đương đỉnh cuối tháng 1 và tiến gần mức đỉnh lịch sử.
Dù vậy, khá nhiều cổ phiếu đã không thể quay lại đỉnh giá tương ứng với các chỉ số, thậm chí nhiều mã thấp hơn đáng kể. Theo thống kê, chỉ có 26,7% số cổ phiếu trong rổ VN30 hiện đã vượt đỉnh lịch sử, ở nhóm Midcap là 30% và nhóm Smallcap là 22%. Các cổ phiếu đã vượt đỉnh trong rổ VN30 gồm: PDR (17%), FPT(+13,6%), VPB (+8,7%), MWG(+7,5%), REE (+7,3%), NVL(+6%), TCB(+3,9%), PNJ(+2,6%), MBB (+1%).
MBS cho rằng việc chỉ số đang chạy nhanh hơn so với hơn 70% số cổ phiếu còn lại cho thấy phần lớn các cổ phiếu vẫn chưa tới gần mức cản quan trọng tương ứng với chỉ số và chỉ số đang được hỗ trợ bởi nhóm ít cổ phiếu đã vượt đỉnh. Do vậy, tín hiệu phân hóa này (giữa nhóm vượt đỉnh và nhóm chưa vượt đỉnh) không ảnh hưởng tới động lực của thị trường trong ngắn hạn. Nhóm chưa vượt đỉnh sẽ còn room tăng trong khi nhóm vượt đỉnh sẽ đóng vai trò là nhóm dẫn dắt chỉ số.
Chuỗi tăng của thị trường đang dần chững lại bởi áp lực chốt lời từ lượng hàng bắt đáy trước tết âm lịch, bên cạnh đó việc chỉ số VN-Index cũng như VN30 đang tiệm cận vùng đỉnh lịch sử cũng kích thích nhu cầu chốt lời. Thanh khoản thị trường tuần vừa qua đạt hơn 13.200 tỷ đồng là con số rất tích cực sau kỳ nghỉ lễ nhưng vẫn chưa về được mức cao như trước đây khi thị trường tiệm cận ngưỡng 1.200 điểm.
MBS đánh giá việc thanh khoản thấp hơn cho thấy dòng tiền đang đứng ngoài chờ đợi thị trường vượt ngưỡng lịch sử để quay lại thị trường. Do vậy, trong kịch bản thị trường tiếp tục dao động ở vùng đỉnh lịch sử hoặc có thêm một nhịp sideway thì dòng tiền vẫn chưa có sự cải thiện.
Về kỹ thuật, phiên điều chỉnh cuối tuần diễn ra ở thời điểm khá nhạy cảm trong ngắn hạn khi cả VN-Index lẫn VN30-Index đều kiểm định lại đỉnh cao tháng 1 vừa qua. Lúc này thanh khoản thị trường dù không cao như đợt thị trường tiếp cận đỉnh 1.200 điểm nhưng các yếu tố bất lợi cũng giảm đi, đặc biệt là chứng khoán toàn cầu đang trong xu hướng vượt đỉnh lịch sử và khối ngoại đang có tháng mua ròng mạnh mẽ qua đó cắt chuỗi bán ròng liên tiếp 4 tháng trước đó.
Do vậy, khi chỉ số VN-Index gặp ngưỡng cản 1.200 điểm đã có 1 cú sụt giảm khá mạnh nên lần này để vượt đỉnh khả năng sẽ vẫn còn nhịp rung lắc nhưng biên độ hẹp hơn khi vùng 1.130 -1.150 đang là hỗ trợ mạnh trong thời điểm này. Có một điểm không chắc chắn rằng liệu thị trường có thể vượt đỉnh ngay trong tháng 2 này hay không, đặc biệt thời gian còn lại trong tháng 2 còn rất ít, tuy vậy MBS cho rằng nhà đầu tư có thể tin rằng trong năm nay thị trường sẽ lập kỷ lục mới về điểm số.
Đánh giá diễn biến chỉ số VN-Index theo sóng Elliot, MBS cho biết chỉ số đang bước vào sóng 5 sau khi hoàn thành sóng chỉnh 4 ở nhịp điều chỉnh vừa qua. Trong đó, sóng 3 đúng bằng 161,8% sóng 1 do đó kịch bản sóng 5 khả năng sẽ ở mức 100% sóng 1 cho đến lạc quan hơn là 161,8% sóng 1 tương ứng từ vùng 1.252 cho đến tối đa 1.410 điểm (sóng mở rộng).
Về chiến lược đầu tư, MBS cho rằng trong ngắn hạn, việc rung lắc quanh vùng 1.200 điểm có thể được tính tới, do đó NĐT có thể cân nhắc tiếp tục chốt lời những cổ phiếu đã tăng nhiều kể từ đáy tháng 1/2021, nhất là những nhóm cổ phiếu đã vượt đỉnh cao nhất trong năm. MBS khuyến nghị nhà đầu tư chờ đợi cơ hội giải ngân tại những vùng điều chỉnh tiềm năng như 1.130 – 1.150 hoặc nhóm cổ phiếu mới phục hồi nhưng chưa quá nhiều với sự hỗ trợ tích cực từ yếu tố tăng trưởng cơ bản.
Giai đoạn này NĐT nên xây dựng danh mục đầu tư mang tính chất phòng vệ và có tầm nhìn dài hạn nhằm giảm thiểu những biến động lớn như trong năm vừa qua, nói không với việc lao vào mua tất tay (all-in) tại mọi thời điểm. Trong đó, tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc và có thể cắt lỗ nếu cần thiết khi thị trường diễn biến xấu hơn so với kỳ vọng.